Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã bắt giữ Nhâm Hoàng Khang (SN 1987, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) để điều tra làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Thông tin ban đầu được biết, Cơ quan điều tra đã nhận được đơn tố cáo cho rằng Khang đã xâm nhập dữ liệu mạng máy tính liên quan đến cờ bạc, sau đó tống tiền hàng trăm triệu đồng một số cá nhân.
Sau đó, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an đã điều tra làm rõ đơn tố cáo. Đến sáng 04/10, Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ Khang tại TP. Cần Thơ. Bước đầu, Khang khai nhận, đã nhận của đường dây đánh bạc này 400 triệu đồng.
Nhâm Hoàng Khang được biết đến là lập trình viên nổi tiếng. Gần đây, lập trình viên này liên quan việc ồn ào trên mạng xã hội với những tuyên bố lấy được các sao kê tài khoản ngân hàng của các cá nhân, quỹ từ thiện. Vậy, đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức án như thế nào?
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho biết, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì người phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” (Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017) sẽ có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo thông tin từ Cơ quan điều tra, Nhâm Hoàng Khang đã có hành vi đột nhập vào trang web liên quan hoạt động cờ bạc, nắm các dữ liệu, bằng chứng của trang web, rồi đe dọa sẽ tố cáo các sai phạm đến cơ quan chức năng, và đã chiếm đoạt được số tiền là 400 triệu đồng. Do đó, nếu bị kết án về hành vi này thì Nhân Hoàng Khang sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 07 năm tù đến 15 năm tù, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cần thiết phải nâng cao hiệu quả của việc bảo mật thông tin
Theo Luật sư Hùng, những hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ sẽ bị xử lý hình sự về tội “Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” theo quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người phạm tội này sẽ có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 12 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 217 cũng đã quy định nhiều tội danh khác có liên quan như: tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” (Điều 285), tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288) và tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 290)…
Hiện nay, pháp luật đã có rất nhiều quy định để ngăn chặn, phòng chống và xử lý các hành vi xâm nhập trái phép mạng máy tính, đánh cắp dữ liệu nói chung và thông tin cá nhân nói riêng. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm này vẫn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, làm phát sinh nhiều hệ lụy khác như việc sử dụng trái phép thông tin cá nhân, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, cũng như đặt ra những thách thức rất lớn cho vấn đề an ninh mạng hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan cần phải nâng cao hiệu quả của công tác bảo mật thông tin, quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, tăng cường tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Người dân cần làm gì?
Trước hết, người dùng mạng cần nâng cao ý thức cảnh giác, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, cũng như có các biện pháp phù hợp, để bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Chỉ nên sử dụng các dịch vụ trực tuyến (cần cung cấp các thông cá nhân) của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, đã có thương hiệu và uy tín, không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác khi không thực sự cần thiết và không đảm bảo sự tin tưởng.
Mặt khác, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, hoặc có việc thông tin cá nhân bị lộ, hoặc sử dụng trái phép thì cần ngay lập tức thông báo đến các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, các cơ quan chức năng để có thể kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, cũng như bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không thương lượng, thỏa hiệp với những đối tượng vi phạm, tránh việc trở thành nạn nhân, bị lừa đảo, hoặc cưỡng đoạt tài sản.
PHƯƠNG THẢO