/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Nhận diện và kiểm soát rủi ro khi soạn thảo hợp đồng

Nhận diện và kiểm soát rủi ro khi soạn thảo hợp đồng

06/02/2023 10:53 |

(LSVN) - Việc nhận diện các rủi ro thường gặp trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ giúp cho các bên nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình khi thực hiện hợp đồng, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra trên thực tế. Bài viết tập trung phân tích, làm rõ những rủi ro thường gặp trong quá trình thực hiện hợp đồng và trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị về phương thức kiểm soát rủi ro khi soạn thảo hợp đồng.

Ảnh minh họa.

Nhận diện rủi ro thường phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng 

Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng là tự do ý chí của các bên. Hợp đồng phải là sản phẩm của sự thống nhất ý chí trên cơ sở tự do, tự nguyện, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm mà không một bên thứ ba nào có thể can thiệp [1]. 

Khó có thể có một hợp đồng nào được soạn thảo hoàn hảo ngay từ đầu vì rất nhiều lý do khác nhau trên thực tế. Khi thực hiện hợp đồng, nếu không tỉnh táo trước những điều tưởng chừng đơn giản, các bên có thể phải gánh chịu hậu quả nặng nề, những rủi ro pháp lý không mong muốn.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, rủi ro là vấn đề không tránh khỏi, gây thiệt hại cho các bên tham gia ký kết. Các dạng rủi ro phát sinh khá phức tạp khi các bên không có một thỏa thuận chặt chẽ trước khi thực hiện. Những rủi ro thường phát sinh khi thực hiện hợp đồng như sau:

Rủi ro về hợp đồng vô hiệu 

Hợp đồng vô hiệu là một dạng rủi ro thường gặp khi thực hiện hợp đồng. Hợp đồng có thể bị vô hiệu khi không bảo đảm về mặt hình thức và nội dung. Trong quy định về hợp đồng vô hiệu tại Bộ luật Dân sự (BLDS) và luật khác có liên quan của Việt Nam không có một giải nghĩa cụ thể nào về “hợp đồng vô hiệu” [2]. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu tại BLDS và các văn bản pháp luật khác liên quan, có thể xác định được như thế nào là hợp đồng vô hiệu. 

Theo quy định tại Điều 131 BLDS về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, giao dịch dân sự (bao gồm hợp đồng dân sự) vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo quy định nêu trên, hợp đồng vô hiệu làm cho các quyền và nghĩa vụ mà các bên tham gia mong muốn đạt được khi xác lập hợp đồng không thực hiện được. Điều này đi ngược lại ý chí của tất cả các bên khi xác lập hợp đồng, do đó được xem là một trong những rủi ro lớn nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng và gây ra những hậu quả pháp lý vô cùng bất lợi. Hợp đồng có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ bị vô hiệu một phần. Hợp đồng vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại. Hợp đồng vô hiệu có thể gây ra những hậu quả pháp lý không mong muốn [3]. 

Một số rủi ro có thể khiến cho hợp đồng vô hiệu như sau: vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; do giả tạo; do bị hạn chế năng lực hành vi hoặc không có năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; do bị nhầm lẫn; do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; do không tuân thủ quy định về hình thức. Tuy nhiên, cần lưu ý hợp đồng không mặc nhiên vô hiệu mà rủi ro vô hiệu chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ và chỉ vô hiệu khi bị tuyên vô hiệu theo thủ tục quy định [4].

Rủi ro về việc một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng

Trường hợp bên có nghĩa vụ có khả năng không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thì bên có quyền có thể tạm ngừng hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại [5]. Trong trường hợp một bên không có khả năng thực hiện hợp đồng sẽ dẫn đến không thể thực hiện hợp đồng theo như ý chí các bên khi giao kết là một rủi ro thường gặp. Việc hủy bỏ hợp đồng này có thể không xuất phát từ sự vi phạm của các bên, mà xuất phát từ việc bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ như không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan… Khi đó, để bảo đảm sự phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, bên có quyền phải tạo mọi điều kiện giúp đỡ bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ. Trong khả năng của mình, bên có quyền không vì một bên vi phạm mà bỏ mặc hậu quả xảy ra mà phải khắc phục hậu quả một cách thiện chí, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại [6]. Do đó, trước khi tiến hành ký kết hợp đồng nên thẩm định năng lực của đối tác một cách cẩn trọng.

Rủi ro khi một hoặc các bên không thực hiện các cam kết hay tiến hành một số hành vi ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của bên còn lại

Đối tác không thực hiện hay thậm chí thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là tạm ngừng thực hiện hợp đồng như tạm ngừng thanh toán tiền, tạm ngừng việc giao hàng, nhận hàng, tạm ngừng quảng cáo... Những hành vi vi phạm của phía đối tác có thể là hành vi cố ý làm cho bên còn lại hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng. Ví dụ như đồ giả cổ nhưng lừa là đồ cổ để bán cho bên mua với giá thanh toán tương đương với đồ cổ thật, hay là lừa dối bán tranh giả thay vì tranh gốc… Những hành vi này đã gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến việc thực hiện hợp đồng, có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là tạm ngừng thực hiện hợp đồng theo Điều 308 Luật Thương mại năm 2005. Việc một hoặc các bên không thực hiện các cam kết hay tiến hành một số hành vi ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của bên còn lại có khả năng cấu thành một vi phạm cơ bản, đến mức bên còn lại có thể không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Đây là cơ sở để bên còn lại được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng.

Rủi ro do thực hiện không đúng, không đầy đủ, vi phạm hợp đồng

Hợp đồng có hiệu lực pháp luật trở thành cơ sở pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Do đó, hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ hay vi phạm hợp đồng phải gánh chịu những hậu quả bất lợi. Quá trình thực hiện, có thể gặp phải các rủi ro như: bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ mà mình có trách nhiệm phải thực hiện; bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng thực không phải nghĩa vụ các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng; bên có nghĩa vụ đã thực hiện nhưng không hết phần nghĩa vụ thuộc trách nhiệm của mình. Các chế tài có thể được áp dụng là: buộc thực hiện đúng hợp đồng; phạt vi phạm; buộc bồi thường thiệt hại; tạm ngừng thực hiện hợp đồng; hủy bỏ hợp đồng… [7] Hậu quả bất lợi mang tính chất tài sản thể hiện ở việc một bên có hành vi vi phạm phải nộp một khoản tiền phạt vi phạm hoặc tiền bồi thường hay các khoản chi phí cần thiết [8]. Bởi lẽ, trong hợp đồng thương mại được các bên ký kết là những hợp đồng đền bù ngang giá, phản ánh mối quan hệ mang tính chất hàng hóa, tiền tệ nên việc áp dụng các chế tài mang tính chất tài sản là tất yếu. Tùy thuộc vào từng loại vi phạm mà có thể dẫn đến các bên có thể buộc phải bị áp dụng các chế tài khác, không mang tính chất tài sản như chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Rủi ro về các trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý, chưa dự liệu rủi ro

Hợp đồng được giao kết hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực thì có giá trị ràng buộc các bên phải thực hiện. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản khi thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, những nguyên tắc này không là tuyệt đối, khi có sự kiện bất ngờ dẫn đến sự thay đổi cơ bản làm mất cân bằng giữa các nghĩa vụ trong hợp đồng thì có thể phát sinh ngoại lệ. Khi đó, bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận hoặc theo luật. Bên bị vi phạm sẽ phải chịu thiệt hại nhưng không được bồi thường. 

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi một bên vi phạm hợp đồng, bên còn lại có quyền phạt cọc theo quy định tại Điều 328, buộc thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 409 và 410, đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 428, hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điều 423, Điều 427. Ngoài ra, bên vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Điều 351, 364, 419 và chịu phạt vi phạm (nếu các bên có thỏa thuận) theo quy định tại Điều 418 và chịu lãi suất chậm trả theo Điều 357, Điều 468. Nếu là hợp đồng thương mại, các chế tại được quy định trong Luật Thương mại sẽ được áp dụng, bao gồm buộc thực hiện đúng hợp đồng (Điều 297), phạt vi phạm (Điều 300), bồi thường thiệt hại (Điều 302), lãi chậm thanh toán (Điều 306), tạm ngừng thực hiện hợp đồng (Điều 308), đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 310) và hủy bỏ hợp đồng (Điều 312).

Trong hợp đồng trong kinh doanh, thương mại, bên vi phạm nghĩa vụ còn được miễn trách nhiệm khi: xảy ra sự kiện bất khả kháng; hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng [9]. Nhà nước thay đổi chính sách là một sự kiện độc lập, khách quan làm cho các chủ thể trong hợp đồng không thể biết được khi giao kết hợp đồng [10]. Đây có thể xem là một rủi ro vô cùng lớn và khó có thể dự liệu trước khi soạn thảo. Khi thực hiện hợp đồng trong thực tiễn, do điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có sự thay đổi mà Chính phủ quy định danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện như kinh doanh xăng dầu, thuốc nổ công nghiệp… Tuy nhiên, không phải cứ có sự kiện bất khả kháng là được miễn trách nhiệm hợp đồng, chỉ được miễn trách nhiệm khi dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép [11]. Hiểu một cách cơ bản, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấm vận quốc tế, hiệp hội khu vực hoặc nhóm quốc gia... 

Trong hợp đồng, các bên thường ít khi thỏa thuận về dự liệu các tình huống miễn trách nhiệm pháp lý có thể xảy ra trong thực tế mà chỉ dựa vào quy định pháp luật. Do đó, các bên tham gia hợp đồng thường gặp phải rủi ro khi xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm pháp lý mà họ đã không dự liệu trước, không thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng.

Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng, chưa dự liệu được các tình huống có thể xảy ra

Việc sử dụng hợp đồng mẫu hay việc tự soạn thảo hợp đồng mà không nắm rõ các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả là quyền và nghĩa vụ của các bên không được quy định rõ trong hợp đồng, nhiều trường hợp làm giảm tính khả thi của hợp đồng khi thực hiện trên thực tế, thậm chí dẫn đến tranh chấp sau này[12]. 

Một trong những khó khăn khi thực hiện hợp đồng đó là những điều khoản trong hợp đồng có thể mập mờ, không rõ ràng hoặc ngôn từ khó hiểu. Điều đó dẫn đến việc một trong các bên chủ thể hợp đồng không biết phải thực hiện như thế nào. Thực tế, nội dung hợp đồng không chính xác và đầy đủ không những gây ra khó khăn cho việc diễn giải để thực hiện đúng hợp đồng mà còn là cơ hội để các bên lách các nghĩa vụ của mình và thoái thác trách nhiệm khi các nghĩa vụ hợp đồng không được thực hiện đầy đủ, do đó cũng cần được kiểm soát, khắc phục trong quá trình soạn thảo hợp đồng.

Một số khuyến nghị về phương thức kiểm soát rủi ro khi soạn thảo hợp đồng

Các biện pháp phòng, tránh và hạn chế các rủi ro pháp lý khi soạn thảo hợp đồng là hết sức cần thiết, giúp hạn chế thấp nhất những rủi ro khi thực hiện hợp đồng. Một số phương thức kiểm soát rủi ro khi soạn thảo hợp đồng mà người soạn thảo cần lưu ý gồm:

Nắm rõ ý chí các bên và bối cảnh của hợp đồng. Các bên trước khi xác lập hợp đồng phải có những buổi đàm phán, thương thảo để hiểu rõ lẫn nhau. Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo cũng phải nắm rõ được nội dung này, nếu còn điểm nào chưa rõ thì phải trao đổi lại với các bên. Ngoài ra, mỗi giao dịch đều có bối cảnh riêng đặc thù, người soạn thảo cần lưu ý vấn đề này để đưa ra những phương án soạn thảo hợp đồng, bảo đảm rằng bản hợp đồng giữa các bên vừa ghi nhận được bối cảnh cụ thể, cấu trúc đặc thù của giao dịch vừa đáp ứng và bảo vệ được tốt nhất quyền lợi các bên tham gia. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào vị thế của người soạn thảo mà chủ động đưa ra những nội dung hay giới hạn những nội dung phía đối tác đưa ra, từ đó xây dựng những điều khoản có lợi, tránh những bất lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về hình thức của hợp đồng, về chủ thể tham gia ký kết hợp đồng. Nếu hợp đồng không bảo đảm về hình thức có thể bị vô hiệu trong một số trường hợp. Do đó, hình thức hợp đồng phải được bảo đảm đúng pháp luật. Những loại hợp đồng nào được pháp luật quy định phải lập thành văn bản thì buộc phải tuân thủ triệt để. Một số loại giao dịch buộc phải đăng ký (giao dịch bảo đảm) hoặc công chứng, chứng thực thì cũng nên xem và không được bỏ qua. Cũng cần lưu ý đối với những loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản thì vẫn nên văn bản hóa hợp đồng để ghi nhận thỏa thuận của các bên, tránh rủi ro về sau.

Trước khi ký kết cần phải tìm hiểu về năng lực ký kết hợp đồng của đối tác. Những người tham gia ký kết hợp đồng phải bảo đảm đủ tư cách như: độ tuổi, đủ năng lực hành vi và được ủy quyền hợp pháp. Cần lưu ý đến chủ thể là pháp nhân trong hợp đồng để xác định được thẩm quyền ký kết hợp đồng. Chỉ có ký kết hợp đồng đúng chủ thể thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành. Việc bảo đảm về hình thức của hợp đồng cũng như bảo đảm chủ thể khi ký kết hợp đồng sẽ loại trừ đáng kể những rủi ro không đáng có.

Tìm hiểu về đối tác, đối tượng và soạn thảo nội dung hợp đồng phù hợp với các quy định pháp luật. Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo, ngoài việc là người giúp văn bản hóa kết quả đàm phán, họ còn là người làm nhiệm vụ kiểm soát và hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Người soạn thảo hợp đồng phải bảo đảm rằng, đối tác bảo đảm các điều kiện về chủ thể khi ký hợp đồng và đối tượng, nội dung của hợp đồng phù hợp với các quy định pháp luật hay án lệ để tránh xảy ra trường hợp vô hiệu. Có thể kiểm tra bằng nhiều cách như: kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty để xác định người đại diện theo pháp luật, xác định thẩm quyền ký kết hợp đồng. Trong trường hợp người ký kết là đại diện theo pháp luật thì cũng phải kiểm tra thêm thẩm quyền quyết định việc ký kết. Trường hợp người ký kết không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền. Phải kiểm tra phạm vi, thời hạn, nội dung ủy quyền để xác định chính xác thẩm quyền của người ký kết, tránh trường hợp ký vượt quá phạm vi ủy quyền hoặc giấy ủy quyền hết hiệu lực tại thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu chủ thể giao kết là doanh nghiệp, cần kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh, bảo đảm chủ thể giao kết hợp đồng đã đăng ký ngành nghề tương ứng và đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đặc biệt lưu ý đến trường hợp hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh [13]. Người soạn thảo cần nắm vững các quy định pháp luật điều chỉnh để soạn thảo hợp đồng với những nội dung phù hợp. Đây là cơ sở quan trọng giúp cho các bên có thể đối chiếu, kiểm soát các yếu tố  bảo đảm hiệu lực hợp đồng. Hạn chế thấp những khó khăn khi thực hiện hợp đồng, tránh việc các bên đưa ra thỏa thuận vi phạm điều cấm cũng như giúp cho các bên khai phá được những ưu đãi, thuận lợi.

Ngôn ngữ phải rõ ràng, súc tích, chính xác. Để có thể kiểm soát được rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng một cách hiệu quả, khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo cần lưu ý phải sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, súc tích, chính xác, truyền đạt được đầy đủ, trực tiếp và đúng nội dung. Ngoài ra, người soạn thảo cũng cần phải chú ý diễn đạt ngắn gọn nhưng đủ ý. Khi đưa ra các thông tin, dữ liệu, số liệu vào hợp đồng, cần lưu ý đến sự chính xác của các thông tin, dữ liệu và số liệu đó. Cần cẩn trọng và kiểm tra kỹ nhiều lần để hạn chế được những sai sót và bất cập, giúp việc thực hiện hợp đồng được suôn sẻ hơn.

Tham khảo các thông lệ/ tiền lệ mẫu. Tham khảo các thông lệ và tiền lệ sẽ giúp có nhiều gợi ý cho việc soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là hiểu thêm về giao dịch cũng như những đặc thù vốn có của nó. Bên cạnh đó, việc tham khảo này cũng sẽ giúp cho người soạn thảo có thể dự liệu được những rủi ro điển hình thường xuất hiện trong giao dịch đó và cách xử lý, phân bổ rủi ro, giúp cho hợp đồng của mình hạn chế những rủi ro đó.

Soạn thảo chi tiết từng điều, khoản hợp đồng. Như đã đề cập ở trên, việc dự liệu những rủi ro có thể xảy ra và soạn thảo chi tiết từng điều khoản của hợp đồng là vô cùng quan trọng. Người soạn thảo cần chú ý vận dụng tất cả những hiểu biết về các quy định pháp luật cũng như tham khảo để có những điều, khoản cụ thể dựa trên thông tin, tài liệu khách hàng cung cấp một cách chuẩn xác và hoàn hảo nhất. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý rà soát quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng và cơ chế thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó. Cụ thể hóa từng quyền và nghĩa vụ của các bên và nắm rõ được hậu quả pháp lý của mỗi hành vi để có những động thái phù hợp khi thực hiện hợp đồng.

Lưu ý soạn thảo điều khoản miễn trừ trách nhiệm, dự liệu rủi ro. Người soạn thảo có thể linh động và tinh tế mà lồng ghép những thỏa thuận về các nội dung mà pháp luật quy định chưa rõ ràng để hạn chế những rủi ro có thể lường trước được [14]. Có thể thấy rằng điều khoản miễn trừ giúp các bên thoát khỏi hoặc giảm thiểu trách nhiệm do những rủi ro phát sinh từ những hoạt động có tính rủi ro cao. Do đó, bên này có thể giảm được chi phí ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, còn giúp cho họ dám thực hiện các hoạt động mạo hiểm, có tính rủi ro cao nhưng cũng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho xã hội, ví dụ các hoạt động tư vấn, du lịch, thể thao… Trong một số trường hợp, bên còn lại cũng có được những lợi ích nhất định, như được giảm giá hàng hóa, dịch vụ nếu chấp nhận điều khoản miễn trách nhiệm. Ngoài ra, lợi ích mà điều khoản miễn trừ trách nhiệm mang lại cho các bên còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Một trường hợp khác cũng khá phổ biến là trách nhiệm dân sự của một bên đã được bảo hiểm, nên trong hợp đồng với bên còn lại đã loại trừ trách nhiệm dân sự của bên đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Tòa án bang Maine (Hoa Kỳ) thừa nhận điều khoản miễn trách nhiệm dân sự đã được bảo hiểm được khuyến khích bởi pháp luật và giải quyết được nhiều mục đích xã hội quan trọng: khuyến khích các bên đánh giá rủi ro, mua bảo hiểm cho những rủi ro này, và như vậy ngăn ngừa được những tranh chấp trong tương lai, làm thuận lợi hóa cũng như duy trì các mối quan hệ và hoạt động kinh tế. 

Kiểm tra dự thảo hợp đồng. Đây là một giai đoạn quan trọng không kém trong quá trình soạn thảo hợp đồng. Việc kiểm tra hợp đồng dự thảo cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc. Thường thì khi vừa soạn xong sẽ khó phát hiện những điểm bất cập trong hợp đồng đã soạn. Tầm vài tiếng sau khi soạn thảo, đọc đi đọc lại hợp đồng để kiểm tra sẽ hiệu quả hơn, phát hiện nhiều điểm bất cập hơn. Như vậy, sẽ giúp giảm thiểu được rất nhiều rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Kết luận

Trong thực tiễn, hợp đồng ngày càng đa dạng, phức tạp, song song với đó là những rủi ro pháp lý cũng xảy ra nhiều và khó lường hơn. Những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng cùng với những thiệt hại về tài sản có thể đẩy các bên vào tình thế khó khăn, phá sản hay thậm chí không còn khả năng phục hồi. Do đó, nhận diện rủi ro khi thực hiện hoặc đồng và kiểm soát rủi ro khi soạn thảo là một yêu cầu cần thiết. Như đã phân tích ở trên, có thể hiểu rằng, việc kiểm soát rủi ro không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát trong giai đoạn soạn thảo mà còn phải được thực hiện bởi toàn thể các bên trong suốt quá trình tham gia hợp đồng [15], dựa trên cơ sở là thỏa thuận trong hợp đồng, các quy phạm được ghi nhận trong hệ thống pháp luật, các quy định nội bộ của công ty và được bảo đảm bởi cơ chế xử lý vi phạm hoặc giải quyết tranh chấp trong quá trình xác lập, thực hiện, chấm dứt hợp đồng.

[1] Ngô Quốc Chiến, Hợp đồng không “hoàn hảo” và sự can thiệp của tòa án, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24 (400), tháng 12/2019, tr 6-15.

[2] Xem Điều 122, Điều 177 BLDS năm 2015.

[3] Xem Điều 121 BLDS năm 2015.

[4] Được tuyên vô hiệu bởi chủ thể có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu, theo yêu cầu của chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong thời hiệu cho phép.

[5] Xem Điều 425 BLDS năm 2015; Điều 72 Công ước Viên 1980.

[6] Xem Điều 305 Luật Thương mại năm 2005.

[7] Xem Điều 292 Luật Thương mại năm 2005.

[8] Học viện Tư pháp, Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài tòa án của luật sư, NXB Tư pháp, 2020, tr.412.

[9] Xem Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.

[10] Xem Điều 25 Luật Thương mại năm 2005.

[11] Xem khoản 1 Điều 156 và khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[12] Học viện Tư pháp, tldđ, tr.412.

[13] Xem Điều 25 Luật Thương mại năm 2005.

[14] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình pháp luật về thương mại hàng hóa, NXB Hồng Đức, tr.171.

[15] Phạm Thị Trang, Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 02/2021, tr.51-57.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Luật Thương mại năm 2005.

3. Trà My, 03 kịch bản kinh tế Việt Nam sau đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, https://laodong.vn/kinh-te/3-kich-ban-kinh-te-viet-nam-sau-dot-dich-covid-19-thu-4-bung-phat-932244.ldo, ngày 28/02/2022.

4. Nguyễn Thị Hằng Nga, Chế định hợp đồng dân sự theo mẫu và một số đề xuất sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 16 (296), 2015.

5. Phạm Thị Trang, Cơ chế kiểm soát rủi ro đối với hợp đồng có giá trị lớn trong công ty, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 02/2021.

6. Lê Sáng, Bất khả kháng do Covid-19: Toàn cảnh pháp lý và ứng xử của nhà thầu, https://www.viac.vn/tin-tuc-su-kien/bat-kha-khang-do-covid19-toan-canh-phap-ly-va-ung-xu-cua-nha-thau-n1176.html, ngày 28/02/2022.

7. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, NXB Từ điển Bách khoa - NXB Tư pháp, Hà Nội.

Thạc sĩ TRẦN LINH HUÂN

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 

ĐOÀN THỊ THU HIỀN 

Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng

Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính

Bùi Thị Thanh Loan