Nhật Bản chỉ trích hành vi khiêu khích quân sự của Trung Quốc, Mỹ khó có thể mở cửa lại nền kinh tế vào đầu tháng 5

13/04/2020 23:26 | 4 năm trước

(LSO) – Tính đến 10h ngày 14/4, tổng số người mắc Covid-19 trên thế giới đã lên đến gần 2 triệu người, số ca tử vong là 119.692 ca, trong đó số ca được công bố khỏi bệnh là 445.005 ca.

Nhật Bản chỉ trích hành vi khiêu khích quân sự của Trung Quốc

Trong một bài phát biểu ngày 13/4, tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã lên tiếng chỉ trích hành vi khiêu khích quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh các nước đang phải nỗ lực để kiểm soát đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono. Ảnh: nippon

Bộ trưởng Taro Kono nhận định đây là điều không thể chấp nhận được và mong muốn người dân Nhật Bản hiểu rõ về việc Trung Quốc liên tiếp gây áp lực mang tính quân sự tại khu vực quần đảo Ryukyu ở biển Hoa Đông.

Ngoài ra, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã 152 lần ra lệnh cất cánh khẩn cấp do lo ngại máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận. Không những thế, tàu công vụ của Trung Quốc cũng đi lại hàng ngày tại khu vực đảo tranh chấp mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm sẽ nỗ lực để truyền tải thông tin về tình hình này đến người dân trong nước và cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, tổng số ca nhiễm tại đất nước mặt trời mọc hiện tại là 6.748 người, số ca tử vong là 108 người, trong đó 762 người đã được chữa khỏi.

Mỹ khó có thể mở cửa lại nền kinh tế vào đầu tháng 5

Hiện tại, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 555.313 ca nhiễm và 22.020 ca tử vong, trong đó số ca bình phục và chữa khỏi là 32.988 ca.

New York, hiện nay đang là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, báo cáo số ca tử vong đã vượt 10.000 trong tổng số hơn 188.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố "điều tồi tệ nhất đã kết thúc" bởi số ca tử vong, nhiễm mới và ca nguy kịch đều giảm.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuomo cùng thống đốc các bang New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delaware và Rhode Island sau đó tổ chức cuộc họp chung để thông báo thành lập nhóm chuyên trách lên kế hoạch mở cửa trở lại.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết sẽ công bố nhóm chuyên trách về kinh tế trong hôm nay để tập trung vào việc mở cửa trở lại đất nước trong những tuần tới.

Tuy nhiên, cùng ngày 13/4, các chuyên gia y tế công cũng như một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nhận định mục tiêu mở cửa lại nền kinh tế Mỹ vào ngày 1/5 là không thực tế và khó thực hiện.

Trả lời phỏng vấn trong một chương trình của truyền hình ABC News vào ngày lễ Phục Sinh 12/4, Ủy viên Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Stephen Hahn cho biết, thời gian hiện tại vẫn còn là quá sớm để có thể khẳng định có thể mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1/5 mặc dù rõ ràng đây là mục tiêu mà Mỹ đang hy vọng sẽ đạt được.

Cùng với ông Stephen Hahn, Tiến sỹ Anthony S. Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho rằng thay vì đột ngột mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế, Mỹ nên thực hiện đối với từng khu vực và dựa vào điều kiện của từng vùng khác nhau với mức độ dịch bệnh đang xảy ra cũng như mối đe dọa của dịch bệnh.

Tây Ban Nha cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và hoạt động trở lại

Tây Ban Nha ghi nhận tổng số ca nhiễm trên cả nước thời điểm hiện tại là 166.831 ca và số ca tử vong hiện tại đã lên tới 17.209 ca, vượt Italy trở thành vùng dịch lớn nhất của Châu Âu và thứ hai trên thế giới.

Người dân ở Barcelona giữ khoảng cách trong lúc xếp hàng vào siêu thị mua thực phẩm. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép một số doanh nghiệp bắt đầu sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu ở trong nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 26/4.

Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết quyết định tái khởi động một số ngành kinh tế được thông qua sau khi tham khảo các chuyên gia khoa học. Những biện pháp tiếp theo sẽ được đưa ra tùy thuộc vào tình hình đối phó Covid-19.

Italy thí điểm mở lại một số hiệu sách và tiệm giặt ủi để đánh giá hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng.

Italy báo cáo ghi nhận tổng số ca nhiễm là 156.363 ca, trong đó số ca tử vong là 19.899 ca, và công bố chữa khỏi 34.211 ca.

Sự gia tăng ca nhiễm mới tại Italy đã giảm xuống mức dưới 2%, trong khi số bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm từ 4.068 xuống 3.260 đánh dấu sự cải thiện đáng kể trong tình hình dịch bệnh tại Italy.

Italy đã gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. Ảnh: Internet

Trong tuần trước, Italy đã gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. Quyết định này được các bác sĩ ủng hộ nhưng lại bị các doanh nghiệp phản đối.

Ngày 14/4 tới, Italy quyết định sẽ thí điểm mở lại một số hiệu sách và tiệm giặt ủi để xem xét và đánh giá hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng.

Pháp quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch

Ngày 14/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết ngày 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.

Tình tới thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm tại Pháp đã lên tới 133.670 ca và số ca tử vong là 14.412 ca.

Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19

Hiện nay, Anh đã ghi nhận tổng số ca nhiễm tại đây là 85.206 ca, số ca tử vong là 10.629 ca và trở thành vùng dịch lớn thứ năm châu Âu và thứ sáu thế giới.

Các chuyên gia tại Mỹ cảnh báo rằng Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục. Họ nhận định các cuộc tranh luận về "miễn dịch cộng đồng" ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn chặn dịch.

LÂM HOÀNG (t/h)

/lam-quyen-thu-phi-cach-ly-co-so-phap-ly-nao-de-dia-phuong-dua-ra-cac-loai-phi-va-le-phi.html