Những bất cập của quy định pháp luật trong việc giám định hàm lượng chất ma túy

08/08/2018 17:15 | 6 năm trước

LSVNO - Theo thống kê, hiện nay có rất nhiều các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết các vụ về án ma túy, lý do vì giữa lý luận và thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng...

LSVNO - Theo thống kê, hiện nay có rất nhiều các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn liên quan đến việc giải quyết các vụ về án ma túy, lý do vì giữa lý luận và thực tiễn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Vấn đề được bàn luận, điều chỉnh nhiều nhất xoay quanh việc: khi thu giữ được tang vật trong vụ án nghi chất ma túy có bắt buộc phải giám định hàm lượng chất ma túy hay không, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Mặc dù đã được điều chỉnh, hướng dẫn bằng rất nhiều văn bản dưới luật, nhưng trên thực tế đến nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập: nội dung ban hành trong văn bản hướng dẫn trái với luật; quy định chung chung nên không thể thực hiện được trong quá trình điều tra... dẫn tới có nhiều quan điểm trái chiều trong việc áp dụng áp luật.

Bài viết tập trung phân tích những mâu thuẫn, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, xoay quanh vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy nói chung và trường hợp buộc phải giám định hàm lượng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp.

Ảnh minh họa.

Thực tế giải quyết vụ án ma túy từ thời điểm áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 đến nay

Tại phần các tội phạm về ma túy theo BLHS 1999, sửa đổi bổ sung 2009, nay được thay thế bằng BLHS 2015, trong các điều luật tương ứng với tội danh cụ thể đều quy định “chất ma túy ...”. Đây là ba từ rất chung để mô tả, diễn đạt trong Luật nhưng cũng làm cho những người thực thi pháp luật có hai cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất cho rằng “chất ma túy” phải được hiểu là tinh chất, chứ không phải dạng ma túy tổng hợp, do vậy khi giải quyết vụ án về ma túy phải thực hiện trưng cầu giám định hàm lượng đối với chất ma túy bị thu giữ để làm cơ sở định khung hình phạt đối với bị can, bị cáo (nếu hiểu và thực hiện theo cách này, bị can, bị cáo được hưởng lợi).

Cách hiểu thứ hai lại cho rằng “chất ma túy” cũng có thể là tinh chất, cũng có thể là tổng hợp chất có chứa ma túy (như ma túy tổng hợp) nên khi giải quyết vụ án không thực hiện giám định hàm lượng, lấy tổng khối lượng ma túy thu giữ được làm căn cứ định khung hình phạt (nếu hiểu và thực hiện theo cách này, bị can, bị cáo bất lợi).

Rõ ràng cùng một điều luật, một quy định, một khối lượng chất ma túy bị thu giữ giống nhau nhưng kết quả lại khác nhau trong việc nhìn nhận, giải quyết vụ án, không bảo đảm tính thống nhất trong điều tra, truy tố, xét xử.

Ví dụ: Một người bị bắt giữ về hành vi mua bán chất ma túy, tang vật thu giữ có khối lượng “n gram”, nếu lấy tổng khối lượng họ sẽ bị truy tố theo khoản 1 củ điều luật; nếu giám định hàm lượng chỉ còn “m gram” họ lại được miễn trách nhiệm hình sự.

Để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, phù hợp với công ước quốc tế, bảo đảm quyền con người, bảo đảm nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị can, bị cáo, cũng như tránh oan sai trong xét xử, ngày 24/12/2007 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP (Thông tư 17/2007) được ban hành, có nội dung chỉ đạo chung quy định tại tiết 1.4 mục 1 Phần I  như sau: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy...”.

Đây là quy định rất đúng đắn, tuy nhiên trên thực tế thực hiện lại vướng mắc bởi tồn tại sau đây:

Cả nước hiện nay chỉ có Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an mới có đủ máy móc, trang thiết bị để thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy, nên không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn tới hậu quả là số lượng vụ án tồn đọng lớn do phải chờ kết quả giám định.

Trước thực trạng đó, để tháo gỡ, ngày 14/11/2015 Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư 08/2015) sửa đổi tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư 17/2007 nói trên, có nội dung: Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b) Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c) Xái thuốc phiện;

d) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật...”.

Để thống nhất trong việc ghi kết luận giám định, ngày 29/8/2016 Bộ Công an ban hành Công văn số 2955/CSĐT(C44) về việc giải quyết các vụ án về ma túy, trong đó hướng dẫn chi tiết cách ghi trong kết luận giám định như sau: …Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP quy định: “1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được”. Vì vậy, đối với những trường hợp không bắt buộc phải trưng cầu giám định để xác định hàm lượng, cơ quan cảnh sát điều tra công an các cấp khi ra quyết định trưng cầu giám định đối với các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đã thu giữ được thì nội dung yêu cầu giám định cần ghi rõ: “Mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy không? Loại chất ma túy, tiền chất gì? Trọng lượng (khối lượng) của mẫu gửi giám định là bao nhiêu?”.

Đối với cơ quan giám định, trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự. Ví dụ như chất hêrôin, chất côcain... Không được kết luận “là chế phẩm hêrôin” hoặc “có thành phần hêrôin ...”.

Sau khi văn bản hướng dẫn nêu trên ra đời, số vụ án ma túy tồn đọng đã được giải quyết, dựa trên kết luận giám định của các tổ chức giám định thuộc công an các tỉnh, thành trong cả nước.

Những mâu thuẫn, bất cập tồn tại khi áp dụng Thông tư liên tịch 08/2015 và Công văn 2955/CSĐT(C44)

Phải thừa nhận rằng, kể từ khi hai văn bản nêu trên được ban hành đã tháo gỡ được tồn tại về tồn đọng án ma túy, tuy nhiên lại có mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác, cụ thể;

Nội dung chỉ đạo tại Công văn 2955/CSĐT (C44) trái với Luật Giám định tư pháp

Nội dung được trích dẫn nêu trên tại Công văn số 2955/CSĐT (C44) thể hiện rõ việc cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) đã can thiệp, chỉ đạo bằng văn bản mang tính bắt buộc trong hoạt động giám định tư pháp. Đây là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Giám định tư pháp 2012 do Quốc hội ban hành:

“ ....

Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật .

...

Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật...”.

Trên thực tế, số ma túy thu giữ hầu hết đều là ma túy tổng hợp, nếu buộc phải kết luận chất ma túy như hướng dẫn tại Công văn 2955/CSĐT thì đây là nội dung kết luận sai sự thật.

Nội dung hướng dẫn này cũng gây cho giám định viên phải chịu trách nhiệm rất lớn hoặc không muốn thực hiện giám định, khi hiểu về trách nhiệm của mình và hậu quả phải gánh chịu khi ban hành kết luận thiếu chính xác, bởi hậu quả oan sai nếu xảy ra cũng liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của giám định viên theo quy định tại điểm g Điều 23 Luật Giám định tư pháp. Hiện nay xảy ra tình trạng nếu giám định viên không hiểu vấn đề này, sẽ vẫn tiến hành giám định bình thường và ban hành kết luận; trường hợp giám định viên hiểu vấn đề cũng vẫn phải làm vì không làm sẽ bị cho rằng không chấp hành điều lệnh ngành, nếu làm lại đang mặc nhiên công nhận giá trị áp dụng pháp luật của văn bản hướng dẫn dưới luật cao hơn luật, bên cạnh đó còn luôn lo về trách nhiệm, hậu quả nếu xảy ra oan sai.

Thực tế có nhiều vụ việc, nếu căn cứ áp dụng tổng khối lượng thì đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật tương ứng với hành vi phạm tội, nhưng nếu giám định hàm lượng thì lại chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có trường hợp bị truy tố mức hình phạt đặc biệt nghiêm trọng (nếu lấy tổng trọng lượng thì bị xét xử tử hình), nhưng khi giám định hàm lượng lại chuyển điều khoản nhẹ hơn của điều luật, hoặc không bị tử hình.

Hướng dẫn tại Thông tư 08/2015 trái với Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự

Nội dung hướng dẫn tại Thông tư 08/2015 nêu trên mặc dù đã đáp ứng được nhu cầu thực tế giải quyết án tồn đọng, nhưng lại trái với quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

“Điều 15. Xác định sự thật của vụ án

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.

Bộ luật Hình sự 1999 nay được thay thế bằng Bộ luật Hình sự 2015 trong mục các tội phạm về ma túy không quy định “Lấy tổng khối lượng ma túy, kể cả trong trường hợp có pha trộn với các chất khác” để làm căn cứ định khung hình phạt.

Thực tế quá trình điều tra, truy tố, xét xử hiện nay khi thu giữ tang vật trong vụ án nghi chất ma túy (dạng thể rắn), sau khi có kết luận giám định, hầu hết đều không phải là tinh chất ma túy mà là ma túy tổng hợp. Chứng minh được sự thật này là một căn cứ đặc biệt quan trọng trong các vụ án về ma túy, đó chính là gốc của vụ án để định khung hình phạt, xác định có tội hay không có tội, bị tử hình hay không bị tử hình.

Nội dung hướng dẫn tại Thông tư 08/2015 có quan điểm chỉ đạo không giám định hàm lượng (trừ 04 trường hợp), sau đó lấy tổng khối lượng làm căn cứ định khung hình phạt đã đáp ứng được việc giải quyết tồn đọng án ma túy, nhưng vô hình chung đã chỉ đạo cơ quan tiến hành tố tụng cố ý thực hiện sai sự thật, trái với quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự, gây bất lợi cho bị can, bị cáo.

Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra nữa là: Tại sao chỉ “chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện” thì phải giám định, còn các chất ma túy khác có pha các chất khác lại không bắt buộc phải giám định, như vậy có bảo đảm công bằng không?

Quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 08/2015 (bắt buộc phải trưng cầu giám định đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần) không thực hiện được trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo Thông tư 17/2007 thì chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là để chữa bệnh (chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy) và được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế.

Chất ma túy bị cấm sử dụng do để lại hệ quả rất xấu trong xã hội, nhưng ngược lại nó cũng là một biệt dược có tác dụng chữa bệnh và được sử dụng trong y học (chế biến thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện).

Khái niệm nêu trên tại Thông tư 17/2007 đã phần nào cho chúng ta có cách nhìn nhận bản chất, cách phân biệt giữa chất ma túy và thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Điều này cũng lý giải tại sao khi tra cứu chi tiết bảng danh mục chất ma túy và tiền chất theo tên quốc tế, tên khoa học do Chính phủ ban hành với bảng danh mục chất gây nghiện, chất hướng thần được sử dụng trong chế biến thuốc do Bộ Y tế ban hành lại có mục giống như nhau, hoặc gần giống với nhau.

Do có những khái niệm, hướng dẫn nêu trên, buộc cơ quan điều tra phải chứng minh tang vật thu giữ trong vụ án là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay chất ma túy…

Trên thực tế trong rất nhiều vụ án, tang vật thu giữ thuộc dạng ma túy tổng hợp (các chất ma túy ở thể rắn khác) dưới dạng bột hoặc viên có hình dạng tương tự với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Một nguyên tắc bắt buộc khi thu giữ, công an lập biên bản chỉ ghi mô tả tang vật cùng với việc nhận định “nghi chất ma túy”, trên cơ sở đó để ban hành quyết định trưng cầu giám định tại phòng giám định thuộc công an tỉnh, thành nơi xảy ra hành vi phạm tội.

 Thực trạng hiện nay, các phòng giám định trang thiết bị chưa đủ, đồng thời cũng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể cách phân biệt giữa thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và chất ma túy, nên trong quyết định trưng cầu giám định, cơ quan điều tra không được yêu cầu giám định “có phải là thuốc gây nghiện? thuốc hướng thần?”. Nên dù rằng là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, hay chất ma túy khi đưa giám định tại tổ chức giám định cơ sở, chắc chắn rằng đều phải ghi như hướng dẫn tại Công văn số 2955/CSĐT (C44), không được yêu cầu giám định có phải là thuốc hay không, dẫn tới một thực trạng: tất cả thuốc hay không phải là thuốc, đều có kết luận là chất ma túy. Bởi chắc chắn rằng, dù là thuốc hay chất ma túy thì cũng đều có chứa chất ma túy giống nhau, có chăng chỉ khác về tỷ lệ pha trộn, quy trình sản xuất, quá trình quản lý và mục đích sử dụng.

Để hiểu rõ thế nào là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, chúng ta phải tìm hiểu Điều 2 Luật Dược năm 2016 và hướng dẫn tại Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ Y tế (Thông tư 20/2017). Theo đó, thuốc gây nghiện bao gồm các loại sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều dược chất gây nghiện hoặc thuốc chứa dược chất gây nghiện phối hợp với dược chất hướng thần và có hoặc không có tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục I, II và III kèm theo Thông tư số 20/2017.

b) Chứa dược chất gây nghiện (có hoặc không có dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư số 20/2017.

Thuốc hướng thần bao gồm các loại sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều dược chất hướng thần hoặc thuốc có chứa dược chất hướng thần phối hợp với tiền chất dùng làm thuốc được quy định tại Phụ lục II và III kèm theo Thông tư số 20/2017.

b) Chứa dược chất hướng thần (có hoặc không có dược chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V của Thông tư số 20/2017, nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư số 20/2017.

Thuốc tiền chất bao gồm các loại thuốc sau đây:

a) Chứa một hoặc nhiều tiền chất dùng làm thuốc quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư số 20/2017;

b) Chứa tiền chất dùng làm thuốc (có hoặc không có dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần) phối hợp với dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc lớn hơn nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư số 20/2017, nồng độ, hàm lượng dược chất gây nghiện (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư số 20/2017, nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần (nếu có) nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư số 20/2017.

Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa dược chất gây nghiện; hoặc dược chất gây nghiện phối hợp với dược chất hướng thần có hoặc không có tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng của dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc đều nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục IV, V và VI kèm theo Thông tư số 20/2017;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

Thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa dược chất hướng thần hoặc dược chất hướng thần phối hợp với tiền chất dùng làm thuốc trong đó nồng độ, hàm lượng dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc đều nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục V và VI kèm theo Thông tư số 20/2017;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

Thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất bao gồm các thuốc đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

a) Chứa tiền chất dùng làm thuốc, trong đó nồng độ, hàm lượng tiền chất dùng làm thuốc nhỏ hơn hoặc bằng nồng độ, hàm lượng quy định tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư số 20/2017;

b) Chứa các dược chất khác không phải là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.

Thuốc và dược chất trong danh mục thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực. Các thuốc và dược chất trong danh mục thuốc, dược chất thuộc danh mục chất bị cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực được lựa chọn theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Căn cứ các quy định viện dẫn nêu trên được hiểu, “thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần” bao gồm: thuốc thành phẩm, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp chứa tiền chất, thuốc và dược chất trong danh mục cấm sử dụng trong một số ngành, lĩnh vực, mỗi loại có chứa tỷ lệ chất ma túy khác nhau. Do vậy, việc có giám định xác định được “tỷ lệ chất ma túy” trong tang vật thu giữ cũng không thể chứng minh được tang vật thu giữ có phải là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay là chất ma túy.

Khi mà tổ chức giám định cơ sở không thể giám định được, bắt buộc việc chứng minh tang vật thu giữ có phải là thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra.

Thực tế áp dụng hiện nay lại có hai cách hiểu và thực hiện khác nhau:

Cách 1: Cơ quan điều tra cho rằng, dù không chứng minh được nhưng kết luận giám định chính là căn cứ, trách nhiệm thuộc về cơ quan giám định, cứ miễn là có kết luận tang vật thu giữ là chất ma túy, có khối lượng cụ thể sẽ được sử dụng để làm căn cứ định khung hình phạt, không cần phải chứng minh nó là thuốc hay không phải là thuốc. Đây là cách mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang áp dụng phổ biến hiện nay để giải quyết vụ án, tránh tồn đọng do thời gian phải chờ giám định lâu.

Cách 2: Đã có hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 08/2015 phải thực hiện, tang vật thu giữ nghi chất ma túy phải được trưng cầu giám định có phải là thuốc hay không? Tổ chức giám định cơ sở không làm được thì cơ quan điều tra phải chứng minh, nếu có căn cứ chứng minh là thuốc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định hàm lượng.

Đây là cách áp dụng triệt để quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế lại không thể thực hiện được, bởi thông thường các vụ án về ma túy chỉ bắt được người mua, không bắt được người bán, hoặc có bắt được người bán cũng không thể truy xét được nguồn gốc tang vật ở đâu nên để điều tra số tang vật thu giữ được sản xuất như thế nào, quá trình vận chuyển, quản lý ra sao để làm căn cứ đối chiếu theo quy định tại Luật Dược hiện hành để xác định những tang vật thu giữ đó được sản xuất, quản lý thuộc dạng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần hay chất ma túy là điều chắc chắn không thể chứng minh được.

Khi mà trưng cầu giám định không được, điều tra không được??? Cơ quan tiến hành tố tụng muốn bảo đảm cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai theo đúng quy định lại phải thực hiện điều khoản tùy nghi được hướng dẫn trong Thông tư 08/2015 “Ngoài các trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d tiết 1.4 mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật”.

Đến đây có thể thấy việc áp dụng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư số 08/2015 còn thể hiện nhiều khó khăn trên thực tế áp dụng. Trách nhiệm chứng minh lúc này lại thuộc về tòa án muốn làm đúng quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự (xác định sự thật của vụ án), buộc phải ban hành quyết định trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy để làm cơ sở định khung hình phạt khi xét xử.

Án ma túy tiếp tục bị tồn đọng, do vụ án buộc phải tạm đình chỉ, ngoài ra còn kéo theo một loạt các phát sinh khác về chi phí giám định, cán bộ thực hiện, kết quả thi đua khen thưởng...

Rõ ràng cùng một văn bản hướng dẫn nhưng vẫn tồn tại hai cách thực hiện khác nhau, ra hai kết quả khác nhau.

Muốn làm đúng cuối cùng lại phải quay về việc giám định hàm lượng chất ma túy... Đây là một tồn tại vô cùng bất cập hiện nay.

Kiến nghị hướng giải quyết

Chúng tôi được biết trong thời gian thực hiện Thông tư 17/2007, khi gặp khó khăn trong việc phải giám định hàm lượng chất ma túy, một số tỉnh, thành phố đã hỗ trợ kinh phí cho cơ quan giám định mua sắm trang thiết bị, cử cán bộ đi học nghiệp vụ. Tuy nhiên, khi đã có đủ trang thiết bị lại có thay đổi bởi Thông tư 08/2015 được ban hành, việc giám định hàm lượng không cần thiết nữa, nên máy mua về rất hiếm khi được sử dụng (điển hình như tại tỉnh Bắc Ninh hiện nay).

Do vậy, để bảo đảm quyền con người, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án được chính xác, mang tính thống nhất khi áp dụng quy định pháp luật, theo quan điểm của tác giả, cần tiếp tục thực hiện theo Thông tư 17/2007 về việc giám định hàm lượng đối với các chất ma túy. Những khó khăn hiện nay về mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác giám định, có thể được thực hiện bằng biện pháp kêu gọi sự hỗ trợ của ngân sách địa phương (như tỉnh Bắc Ninh hiện nay), dần tiến tới xã hội hóa hoạt động này thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, chắc chắn sẽ giải quyết được những vướng mắc tồn tại hiện nay.

LS Nguyễn Thành Long