Ảnh minh họa.
Theo đó, tại Điều 5, Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 quy định các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước, bao gồm:
- Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 8, Luật kiểm toán Nhà nước;
Điều 8, Luật kiểm toán Nhà nước quy định về "Các hành vi bị nghiêm cấm" như sau: 1. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên Nhà nước và cộng tác viên kiểm toán Nhà nước: a) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán; b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán; c) Đưa, nhận, môi giới hối lộ; d) Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán; đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; e) Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán; g) Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức. 2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan: a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên Nhà nước; b) Cản trở công việc của kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên Nhà nước; c) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của kiểm toán Nhà nước; d) Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên Nhà nước và cộng tác viên kiểm toán Nhà nước; đ) Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công. 3. Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên Nhà nước, cộng tác viên kiểm toán Nhà nước. |
- Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58, Luật kiểm toán Nhà nước;
Điều 57. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán 1. Chấp hành quyết định kiểm toán. 2. Lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thực hiện, quyết toán vốn, quản lý dự án đầu tư; kế hoạch thu, chi; báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu. 3. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên Nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp. 4. Trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên Nhà nước yêu cầu liên quan đến nội dung kiểm toán. 5. Ký biên bản kiểm toán. 6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của kiểm toán Nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho kiểm toán Nhà nước. 7. Trong thời gian giải quyết khiếu nại, đơn vị được kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước, trừ trường hợp Tổng kiểm toán Nhà nước, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước. Điều 58. Trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán 1. Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I của ngân sách Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí năm sau cho kiểm toán Nhà nước. 2. Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm cho kiểm toán Nhà nước. 3. Tổng kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể về thời gian, nơi nhận báo cáo theo quy định của pháp luật.
|
- Hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán Nhà nước quy định tại Điều 68, Luật kiểm toán Nhà nước.
Điều 68, Luật kiểm toán Nhà nước quy định quy định về "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán Nhà nước" như sau: 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả cho kiểm toán Nhà nước. - Khoản 2 Điều 68 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11, Điều 1, Luật số 55/2019/QH14 3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan khác của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu để phục vụ cho kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 10 của Luật này. |
Ngoài ra, Điều 7, Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 cũng quy định, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước của cá nhân là 50.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước của tổ chức là 100.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/5/2023.
TRẦN QUÝ
Mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán Nhà nước