Ảnh minh họa.
Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 không đưa ra khái niệm thế nào là án treo mà chỉ quy định “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”.
Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo đưa ra khái niệm “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù".
Qua đó, có thể thấy án treo có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều đó có nghĩa là người được hưởng án treo là người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn nhưng được miễn việc chấp hành hình phạt tù tại trại giam.
Thứ hai, án treo là biện pháp giáo dục trong trường hợp không cần cách ly người phạm tội khỏi cộng đồng khi bị xử phạt tù từ 3 năm trở xuống.
Thứ ba, người được hưởng án treo phải tự cải tạo, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương trong một thời gian thử thách nhất định do Tòa án ấn định.
Như vậy, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Trong những năm qua, việc áp dụng chế định án treo trong công tác xét xử của các Tòa án quân sự, cơ bản là áp dụng đúng các quy định của pháp luật và vận dụng đúng các điều kiện để cho hưởng án treo, tác dụng của việc áp dụng chế định án treo, cũng có nhiều tác dụng trong việc giáo dục người phạm tội hướng thiện, tỷ lệ tái phạm đối với người được hưởng án treo thấp hơn nhiều so với người bị phạt tù tái phạm. Bên cạnh những mặt tích cực khi áp dụng án treo, thực tiễn việc áp dụng quy định về án treo vẫn còn những vướng mắc, bất cập.
Một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng chế định phạt tù nhưng cho hưởng án treo
Thứ nhất, quy định người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Trong trường hợp quy định như trên là chưa cụ thể, chưa phù hợp, chưa sát với quy định tại Luật khác có liên quan như Luật Cư trú, Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Ví dụ: Nguyễn Thanh D. phạm tội ‘‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’’ theo khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự, đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có 3 tình tiết giảm nhẹ theo các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, không có tài liệu, giấy tờ chứng minh xác định nơi cư trú rõ ràng và bị cáo D. là lao động tự do, công việc không ổn định. Trường hợp này có 2 quan điểm xử lý đối với D.
Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Thanh D. phạm tội ‘‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’’ theo khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự nhưng D. đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vì vậy có đủ điều kiện để xử phạt D. tù nhưng cho hưởng án treo.
Quan điểm thứ hai: Nguyễn Thanh D. mặc dù đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không có tài liệu, giấy tờ chứng minh xác định nơi cư trú rõ ràng của bị cáo D., căn cứ Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo, do D. không có nơi cư trú rõ ràng và không có nơi làm việc ổn định vì vậy D. không đủ điều kiện để được hưởng án treo.
Quan điểm cá nhân: Nguyễn Thanh D. mặc dù đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, D. không có nơi cư trú rõ ràng, không có nơi làm việc ổn định. Vì vậy, căn cứ Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo, D. không đủ điều kiện để được hưởng án treo.
Thứ hai, quy định về án treo hiện hành chưa phù hợp khi quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội khác trước khi được hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Với quy định như trên chúng tôi thấy là chưa hợp lý bởi lẽ một người phải đồng thời chấp hành cùng lúc hai bản án là phạt tù và án treo là không thể thực hiện được.
Thứ ba, tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định: Không cho hưởng án treo đối với trường hợp: “Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi”. Trong trường hợp người phạm tội nhiều lần nhưng thuộc các trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt có nơi cư trú rõ ràng, có khung hình phạt dưới 03 năm tù, nên đủ điều kiện cho hưởng án treo nhưng đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì không được hưởng án treo. Quy định tuy chặt chẽ nhưng vẫn còn một số bất cập, gây bất lợi cho người phạm tội và mâu thuẫn với quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự.
Ví dụ: Ngày 01/3/2020, Trần Văn A. (sinh năm 1991) trộm cắp 01 tivi giá trị theo định giá là 2.000.000 đồng; ngày 15/3/2020, Trần Văn A. tiếp tục trộm cắp số tiền 2.000.000 đồng. Trần Văn A. bị khởi tố, truy tố về tội trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng là “phạm tội từ 02 lần trở lên”. Tuy nhiên, Trần Văn A. có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, là lao động chính trong gia đình, cha mắc bệnh hiểm nghèo đang cần điều trị nhưng xét theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì bị cáo A. không được hưởng án treo.
Như vậy, nếu áp dụng quy định này để xét xử không cho Trần Văn A. được hưởng án treo sẽ gây bất lợi cho người phạm tội, không thể hiện tính nhân đạo của pháp luật vì A phạm tội nhiều lần nhưng cùng một tội và giá trị tài sản không lớn, vẫn thuộc khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm. Trên thực tế, khi gặp các trường hợp này, Hội đồng xét xử “lách luật” bằng cách chuyển sang xử phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi cần phải có hướng dẫn rõ ràng để áp dụng trên thực tiễn, tránh trường hợp “lách luật” như đã nói trên làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật.
Thứ tư, còn có nhận thức khác nhau khi áp dụng tình tiết ‘‘Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’ để làm cơ sở cho bị cáo được hưởng án treo.
Ví dụ: Trần Văn Th. có hành vi dâm ô với cháu Nguyễn Thị M. 7 tuổi, phạm tội ‘‘Dâm ô với trẻ em’’ theo khoản 1 Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999, Th. có 4 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Th. có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường xong cho người bị hại, Th. có nơi cư trú, làm việc rõ ràng và người giám hộ, cũng như gia đình bị hại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt và cho Th. được hưởng án treo. Trường hợp này có 2 quan điểm xử lý đối với Trần Văn Th.
Quan điểm thứ nhất: Trần Văn Th. có đủ điều kiện để xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, bởi lẽ Th. có 4 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Th. có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường xong cho người bị hại, Th. có nơi cư trú, làm việc rõ ràng và người giám hộ, cũng như gia đình bị hại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt và cho Th. được hưởng án treo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự.
Quan điểm thứ hai: Trần Văn Th. có đủ các điều kiện để được hưởng án treo nhưng hành vi dâm ô với cháu M. của Th. làm tổn thương nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường về tâm sinh lý và nhân cách của cháu M., gây dư luận xấu trong xã hội, bị xã hội lên án. Vì vậy, Th. không đủ điều kiện xử phạt tù cho hưởng án treo.
Quan điểm cá nhân: Trần Văn Th. không đủ điều kiện để xử phạt tù cho hưởng án treo, mặc dù Th. có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, nhưng trường hợp của Th. không được xem là ‘‘phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’, bởi lẽ hành vi của Th. dâm ô với cháu M. gây dư luận xấu, bị xã hội lên án. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017, đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 về án treo ‘‘không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với tội phạm mà dư luận xã hội lên án’’.
Không quy định cách xử lý thời gian bị tạm giam khi tính thời gian thử thách án treo cho bị cáo
Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đều không có bất cứ quy định để xử lý thời gian tạm giam trong trường hợp bị cáo đã bị tạm giam, sau đó được tại ngoại và tại phiên tòa Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 để cho hưởng án treo. Theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay thì “thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm, thời điểm để tính thời gian thử thách được bắt đầu từ ngày tuyên án sơ thẩm”. Do không có quy định nên hiện nay tồn tại hai cách hiểu khác nhau về việc xử lý thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách.
Cách hiểu thứ nhất: Ví dụ bị cáo Nguyễn Văn C., Nguyễn Thế H. và Đinh Hải Q. bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Cố ý gây thương tích". C. và H. bắt tạm giam kể từ ngày 02/4/2019. Q. được tại ngoại. Ngày 02/8/2019, C. và H. được cho bảo lĩnh. Như vậy C. và H. đã bị tam giam 04 tháng. Ngày 25/10/2019, Tòa án mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn C. 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; tuyên phạt Nguyễn Thế H. 20 tháng cải tạo không giam giữ, trừ cho thời gian tạm giữ, tạm giam là 04 tháng và tuyên phạt Đinh Hải Q. 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Như vậy, thời gian C. bị tạm giam 4 tháng không được trừ vào thời gian thử thách. Điều này gây bất lợi cho C. trong khi H. bị xử phạt cải tạo không giam giữ thì thời hạn cải tạo không giam giữ lại được trừ cho thời gian tạm giữ, tạm giam, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ (Điều 36 Bộ luật Hình sự 2015) và Q. cũng cho hưởng án treo nhưng thời gian thử thách của C. và Q. bằng nhau trong khi C. đã bị tạm giam 04 tháng.
Việc tính thời gian thử thách theo cách 1 hiện nay được hầu hết các Tòa án áp dụng. Tuy nhiên, từ thực tiễn nêu trên, chúng ta nhận thấy rõ ràng có sự không công bằng đối với những bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam và khi xét xử cho hưởng án treo khi so sánh với hình phạt cải tạo không giam giữ và khi so sánh giữ hai bị cáo cùng cho hưởng án treo nhưng một bị cáo bị tạm giữ, tạm giam và một bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam. Điều này đi ngược lại những quy định của các Văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật Hình sự trước đây.
Cụ thể, tại tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10/2007 có quy định:
6.4. Khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo, trong mọi trường hợp Toà án phải ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và phân biệt như sau:
a) Trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
b) Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
Ví dụ: Toà án xử phạt A. 03 năm tù cho hưởng án treo. Do A. đã bị tạm giam 01 năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A. phải chấp hành là 02 năm. Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với A. là 04 năm.
Cách hiểm thứ 2: Có quan điểm cho rằng án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện nên trước hết khi áp dụng hình phạt tù phải trên nguyên tắc trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam cho bị cáo, sau đó ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt còn phải thi hành. Như vậy, cũng với ví dụ nêu trên thì thời gian thử thách của bị cáo Nguyễn Văn C. là 24 tháng tù – 04 tháng tạm giam = 20 tháng. Tòa án ấn định thời gian thử thách là 20 x 2 = 40 tháng. Cách tính này tương tự như quy định tại tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10/2007.
Tuy nhiên, tác giả không đồng ý với cách tính thời gian thử thách này vì mặc dù quy định tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10/2007 là hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, Nghị quyết này hướng dẫn Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã không còn hiệu lực thi hành. Do đó, không thể áp dụng cách tính của Nghị quyết số 01/2007 để ấn định thời gian thử thách cho bị cáo. Hơn nữa Điều 4 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP cũng đã quy định: “Ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm” do đó khi xử phạt bị cáo 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thì thời gian thử thách đối với Nguyễn Văn C. ở ví dụ trên được ấn định bằng hai lần mức hình phạt tù tức là 48 tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (luật không quy định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù còn phải thi hành).
Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Để pháp luật được thực hiện thống nhất đúng quy định, thực hiện có lợi cho người phạm tội, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn cụ thể về quy định không cho hưởng án treo trong trường hợp phạm tội nhiều lần cho phù hợp với quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự và theo hướng có quy định cho hưởng án treo trong trường hợp phạm tội nhiều lần đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi hoặc phạm tội nhiều lần về cùng một tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Bổ sung vào điều kiện của người được hưởng án treo cụm từ “người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục”. Có như thế mới rõ ràng và phù hợp với các Luật khác có liên quan.
Bổ sung quy định trong việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội khác trước khi được hưởng án treo như sau: Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó không được cho hưởng án treo và tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cần sửa đổi hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hoặc ban hành Nghị quyết mới bổ sung quy định cách xử lý thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách cho bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam mà khi xét xử được hưởng án treo để tránh bất lợi, đảm bảo tính công bằng khi áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo và hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo quan điểm của tác giả, có thể quy định theo hai hướng:
(i) Lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
(ii) Hoặc trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách, cứ 01 ngày tạm giam bằng 03 ngày thử thách.
Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA
NGUYỄN BÁ CƯỜNG
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5
Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ