Ảnh minh họa.
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể nói đầu tư kinh doanh là một trong những hoạt động then chốt, có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của hoạt động trên, pháp luật nước ta từ sớm đã có nhiều quy định điều chỉnh chung cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Hiện nay, so với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020 đã thực hiện tách hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Đây được xem là điểm tiến bộ của Luật Đầu tư năm 2020, bởi việc chỉ điều chỉnh duy nhất hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ giúp văn bản này bảo đảm kiểm soát được đầy đủ và trọn vẹn hơn các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động trên. Theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020, hiện có ba hình thức đầu tư kinh doanh chính là: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Trong đó, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là hình thức đầu tư được các nhà đầu tư ngắn hạn ưu chuộng nhất. Dẫu vậy, các quy định liên quan tới hợp đồng BCC lại đang tỏ rõ nhiều mặt hạn chế, gây nên tình trạng cản trở đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế quốc nội.
Quy định chung về hợp đồng BCC
Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 có đưa ra định nghĩa cho hợp đồng BCC như sau: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Có thể thấy, chủ thể tham gia vào hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC sẽ ít chịu sự ràng buộc hơn đối với các thành viên cùng góp vốn. Bởi họ không phải thực hiện việc chuyển dịch tài sản của mình, do đó không quá phụ thuộc vào quyết định của đối tác khi nhà đầu tư muốn chuyển nhượng hoặc bán đi phần của mình trong một số trường hợp cụ thể. Đây được xem là một trong những đặc trưng cơ bản giúp phân biệt giữa hình thức đầu tư vào tổ chức kinh tế và đầu tư thông qua hợp đồng BCC. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi thực hiện góp vốn vào các loại hình công ty, nhà đầu tư phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn của mình cho công ty theo đúng quy định. Rõ ràng, trong trường hợp này, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC sẽ lợi thế hơn so với đầu tư vào tổ chức kinh tế. Để thấy rõ hơn mặt tích cực này, ta có thể xem xét quá trình góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cụ thể, khi nhà đầu tư thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào công ty, họ phải tiêu tốn một khoảng thời gian, cũng như chi phí nhất định để thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất của mình cho pháp nhân. Ngược lại, khi nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, họ có thể góp ngay tài sản của mình vào khối tài sản chung mà không cần thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhờ việc không phải thành lập và vận hành một tổ chức kinh tế mới nên khi dự án kết thúc, nhà đầu tư cũng không phải lo lắng về vấn đề giải thể. Vậy nên, đây là hình thức đầu tư phù hợp cho các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án đầu tư ngắn hạn Việt Nam(1).
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 thì hiện nay chủ thể được tham gia vào quan hệ hợp đồng BCC tương đối rộng, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Đối với hợp đồng BCC mà chỉ có sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước với nhau thì pháp luật được áp dụng sẽ là pháp luật dân sự Việt Nam(2). Ngược lại, đối với hợp đồng BCC mà có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài thì các bên có quyền thỏa thuận việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thỏa thuận đó không trái với quy định pháp luật Việt Nam(3). Trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư, trường hợp hợp đồng BCC chỉ gồm các nhà đầu tư trong nước thì các bên không cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư(4). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sẽ mất quyền xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mà phải hiểu rằng, trong tình huống nếu các bên có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì họ vẫn có thể thực hiện thủ tục trên. Đối với hợp đồng BCC có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì dự án đầu tư đó phải buộc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bên nhà đầu tư nước ngoài được quyền thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam(5). Có lẽ, pháp luật nước ta đặt ra yêu cầu về việc phải thực hiện thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài là nhằm để kiểm soát tốt hơn nguồn vốn đầu tư ngoại quốc. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét, xây dựng nên các biện pháp hợp lý, giúp định hướng phát triển đầu tư phù hợp với chính sách mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Một điểm đáng lưu ý nữa là khi các bên tham gia vào hợp đồng BCC, họ phải thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Đầu tư năm 2020. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ban điều phối sẽ được các bên quyết định dựa trên mục tiêu và tính chất của hợp đồng. Trong khoa học pháp lý, nội dung của hợp đồng được hiểu là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng(6). Đề cập đến nội dung hợp đồng BCC, vấn đề này được quy định chi tiết trong cả Luật Đầu tư năm 2020 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, những điều khoản trên yêu cầu các bên phải bảo đảm ghi nhận được đầy đủ những nội dung cốt yếu của hợp đồng, bao gồm: thông tin các bên tham gia; mục đích giao kết hợp đồng; quyền và nghĩa vụ các bên; hiệu lực hợp đồng. Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất chính là quyền và nghĩa vụ của mình. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 507 và khoản 2 Điều 512 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên tham gia trong hợp đồng BCC được quyền hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác tương ứng với tỷ lệ phần đóng góp của mình. Cùng với đó, họ cũng có trách nhiệm trong việc chịu rủi ro liên quan đến tài sản trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình(7). Ngoài những quyền và nghĩa vụ cơ bản nói trên, Điều 507 Bộ luật này còn ghi nhận thêm quyền tham gia quyết định các vấn đề trong quá trình thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của nhà đầu tư gây ra(8). Một điểm đặc biệt là hiện nay theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Đầu tư năm 2020, trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia còn được quyền thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật về doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, rủi ro về hành vi vi phạm là một điều không thể tránh khỏi. Do đó, khi một bên có hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì yêu cầu đặt ra về việc xử lý vi phạm cũng như giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là hết sức cần thiết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020, khi có tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam thì pháp luật buộc các bên phải thực hiện thương lượng, hòa giải trước khi đưa vụ việc ra giải quyết tại tòa án hay trọng tài. Trường hợp sau khi thương lượng, hòa giải mà vẫn có phát sinh tranh chấp thì bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài. Đối với hợp đồng BCC mà chỉ có sự tham gia của nhà đầu tư trong nước thì tòa án hoặc trọng tài được phép thụ lý, giải quyết là tòa án hoặc trọng tài tại Việt Nam(9). Nếu hợp đồng BCC có sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài thì các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn đưa vụ việc ra giải quyết tại cơ quan tài phán trong nước hoặc nước ngoài(10). Quy định này nhìn chung giống với nguyên tắc áp dụng pháp luật trong hoạt động đầu tư tại khoản 5 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020.
Một số bất cập
Quy định về việc thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC chưa hợp lý
Khoản 3 Điều 27 Luật Đầu tư năm 2020 quy định “Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận”. Dựa trên nguyên tắc suy luận(11), có thể hiểu việc Luật Đầu tư năm 2020 buộc các bên tham gia phải thành lập ban điều phối với mục đích chính là nhằm giúp họ kiểm soát cũng như định hướng được việc thực hiệp hợp đồng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc Luật Đầu tư năm 2020 giao toàn bộ quyền quyết định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ban điều phối cho các bên tự thỏa thuận có phù hợp hay không? Bởi trên thực tế, khi để các bên tự mình thực hiện dễ dẫn đến tình trạng thành lập nên những “ban điều phối ma”(12). Do một phần là họ thật sự không biết rõ được cách thức tổ chức, một phần vì sự e ngại chi phí phải trả cho việc duy trì hoạt động của nhiều chủ thể trong ban này. Tình trạng trên vô hình trung làm mất đi ý nghĩa thật sự của điều luật, khiến mục đích hữu ích ban đầu trở thành bất lợi cho các nhà đầu tư.
Quyền lợi của nhà đầu tư góp nhiều vốn chưa được pháp luật bảo đảm
Hiện nay, ngoài Luật Đầu tư năm 2020 thì quan hệ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC còn được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhìn chung, các nội dung liên quan đến chế định này đã được phổ quát một cách tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, những nội dung này lại chưa thật sự bảo đảm sự bình đẳng đối với các chủ thể tham gia. Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư góp vốn nhiều, theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì bên này có quyền được chia khoản lợi tương ứng với phần vốn góp của mình và phải chịu trách nhiệm theo phần tương ứng với phần vốn góp nếu có phát sinh trách nhiệm dân sự mà khối tài sản chung không đủ chi trả(13). Ta thấy, nhà đầu tư góp vốn nhiều sẽ được hưởng lợi hoặc chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ góp vốn. Điều này là hợp lý và về cơ bản giống với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về quyền và nghĩa vụ của các thành viên, cổ đông trong công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Dẫu vậy, điểm bất cập xảy ra ở chỗ Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định rõ nguyên tắc biểu quyết trong quan hệ hợp tác kinh doanh, liệu phiếu biểu quyết của thành viên có phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp hay không, hay nói cách khác thành viên góp vốn nhiều hơn có được phiếu biểu quyết nhiều hơn hay không. Cụ thể, khoản 2 Điều 507 Bộ luật Dân sự năm 2015 này chỉ quy định chung chung thành viên hợp tác có quyền “Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác”. Quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất và một trong những quan điểm được chấp nhận phổ biến là mặc dù là thành viên góp vốn nhiều hơn nhưng họ cũng chỉ được hưởng quyền biểu quyết ngang với các thành viên còn lại. Điều này là bất hợp lý, do họ đã bỏ ra phần vốn góp nhiều hơn tức là việc thực hiện hợp đồng sẽ mang cho họ nhiều rủi ro hơn đối với tài sản của mình. Việc chỉ được hưởng ngang quyền biểu quyết với các thành viên còn lại là chưa thỏa đáng.
Mâu thuẫn về quy định góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng BCC giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đất đai năm 2013
Hiện nay, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tồn tại theo hai hình thức đó là góp vốn vào pháp nhân và góp vốn trong hợp đồng BCC(14). Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi nhà đầu tư thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các loại hình công ty, chủ thể này phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty. Tuy nhiên, đối với hình thức góp vốn trong hợp đồng BCC, Luật Đầu tư năm 2020 lại có quy định hoàn toàn khác: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế(15). Có thể hiểu, khi thực hiện góp vốn vào hợp đồng BCC, nhà đầu tư không được phép chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho bất cứ bên nào trong hợp đồng, cho dù đó là quyền sử dụng đất. Điều khoản này về cơ bản là đi ngược lại với quy định của Luật Đất đai năm 2013, bởi văn bản trên chỉ rõ rằng, khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì chủ thể tham gia góp vốn phải chuyển quyền sử dụng đất của mình(16). Thấy rằng, mặc dù cùng điều chỉnh chung một vấn đề, hai văn bản khác nhau lại đưa ra hai hướng giải quyết hoàn toàn tách biệt. Điều này là không hợp lý, do nó đang vi phạm nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam(17). Thực tế cho thấy, việc pháp luật có quy định hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC là nhằm thu hút các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ngắn hạn tại Việt Nam. Và việc cho phép nhà đầu tư không cần chuyển quyền sở hữu tài sản của mình là một trong những điểm đặc trưng và thu hút nhất của hình thức đầu tư này(18). Luật Đất đai năm 2013 buộc các bên thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải chuyển dịch quyền sử dụng đất của mình trong mọi trường hợp là không phù hợp với mục đích thu hút đầu tư trong nước và điều này trong một chừng mực nào đó có thể gây nên tình trạng cản trở đầu tư.
Có một điểm đáng mừng là trong quy định của dự thảo Luật Đất đai vào tháng 10/2023, pháp luật Việt Nam đã có xu hướng ghi nhận đồng thời hai hình thức góp vốn mà nhóm tác giả đã phân tích. Theo đó, khoản 22 Điều 3 văn bản trên quy định rằng “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập”. Đối với hình thức góp vốn vào hợp đồng hợp tác kinh doanh, khoản 26 Điều này cũng có ghi nhận rằng “Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất”. Việc thừa nhận song song hai hình thức này sẽ giúp pháp luật điều chỉnh được tối đa các mối quan hệ phát sinh trên thực tế, từ đó tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý đất đai.
Ảnh minh họa.
Kiến nghị
Thứ nhất, Luật Đầu tư năm 2020 cần quy định thêm một số điều khoản mang tính định hướng cho các bên tham gia trong việc thỏa thuận quyết định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ban điều phối. Điều này sẽ giúp quá trình thực hiện hợp đồng BCC trên thực tế đạt được nhiều thuận lợi, cũng như phù hợp với ý định mà nhà làm luật muốn gửi gắm đến các bên.
Thứ hai, cần phải ghi nhận quyền biểu quyết của các thành viên tuân theo nguyên tắc tương ứng với tỷ lệ vốn góp. Điều này là cần thiết, bởi ai góp nhiều tài sản hơn thì mặc nhiên họ phải có quyền quyết định nhiều hơn đối với việc thực hiện hợp đồng.
Thứ ba, để khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đất đai năm 2013 về vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng BCC, cũng như để hỗ trợ thu hút đầu tư ngắn hạn trong nước, Luật Đất đai năm 2013 cần bổ sung vào phần
giải thích từ ngữ tại Điều 3 định nghĩa cụ thể của cả hai hình thức góp vốn là góp vốn vào pháp nhân và góp vốn trong hợp tác kinh doanh. Việc đưa ra khái niệm như vậy giúp làm rõ hơn về hai hình thức góp vốn trên, từ đó khắc phục được tình trạng thực tế có tồn tại mà luật chưa ghi nhận, điều chỉnh cụ thể. Bên cạnh đó, khi ban hành quy định mới, cũng cần lưu ý ghi nhận rõ việc mang quyền sử dụng đất vào hoạt động hợp tác kinh doanh cũng được thừa nhận như một hình thức góp vốn cụ thể.
(1) Công ty luật PLF, Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai- chinh-doanh-nghiep/dau-tu-theo-hinh-thuc-hop-dong-hop-tac-kinh-doanh-80839.html?fbclid=IwAR37yyNazP4ZClnuiJnti- fCdOIJgXt_foKgsuxatpl4VwIxv7X43xjyojY (2) Khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư năm 2020. (3) Khoản 5 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020. (4) Điểm a khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư năm 2020. (5) Điểm a khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2020. (6) Bùi Ngọc Cường, Giáo trình Luật Thương mại, T. 2, Nxb Giáo dục, 2008, Hà Nội, tr. 15. (7) Điều 509 Bộ luật Dân sự năm 2015. (8) Khoản 2 và khoản 3 Điều 507 Bộ luật Dân sự năm 2015. (9) Khoản 2 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020. (10) Khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020. (11) Nguyễn Ngọc Điện, Phương pháp phân tích luật viết, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 77. (12) Vũ Bảo Anh, Luận văn Thạc sỹ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) theo Luật Đầu tư 2005, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2016, tr. 65. (13) Khoản 2 Điều 512 và Điều 509 Bộ luật Dân sự năm 2015. (14) Nguyễn Thùy Trang, Hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng góp vốn và thuê quyền sử dụng đất, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14, 2022, tr. 35. (15) Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020. (16) Khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013. (17) Phí Thị Thanh Tuyền, Bảo đảm tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, https:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/bao-dam-tinh-thong-nhat-giua-cac-quy-pham-phap-luat-trong-he-thong-phap-luat-viet-nam- hien-nay-53811.htm?fbclid=IwAR0Z9Rnzh4aOduI2r1ZgJaL5SEe3Ro6V0lx3K2qli9o1teCKZlHGyn3woiA). (18) Công ty luật PLF (26/3/2014), Đầu tư theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh- doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/dau-tu-theo-hinh-thuc-hop-dong-hop-tac-kinh-doanh-80839.html?fbclid=IwAR37yyNazP4ZCl nuiJnti-fCdOIJgXt_foKgsuxatpl4VwIxv7X43xjyojY). |
NGUYỄN THỊ HOA CÚC
NGUYỄN MINH PHÚ
Trường Đại học Cần Thơ
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất