Tổ chức hành nghề luật sư và doanh nghiệp tư vấn pháp lý: Nguy cơ từ biển hiệu mập mờ

05/09/2024 09:42 | 1 tuần trước

(LSVN) - Thời gian gần đây, một số tổ chức và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cố tình “lách luật” bằng cách treo biển hiệu mập mờ về dịch vụ pháp lý. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn cho khách hàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hành nghề luật sư, vốn phải được đăng ký và quản lý bởi Sở Tư pháp và các Đoàn Luật sư. Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT LAW FIRM, để hiểu rõ hơn về vấn đề này và các giải pháp cần thiết.

Ảnh minh họa.

Phóng viên: Xin chào Luật sư Trương Anh Tú, cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này. Thưa Luật sư, gần đây, một số tổ chức và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng lại treo biển hiệu mập mờ liên quan đến dịch vụ pháp lý. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Luật sư Trương Anh Tú: Việc các tổ chức và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng lại treo biển hiệu mập mờ liên quan đến dịch vụ pháp lý thực sự là một vấn đề nghiêm trọng. Theo quy định pháp luật, hoạt động hành nghề luật sư phải được đăng ký và quản lý bởi Sở Tư pháp và các Đoàn Luật sư địa phương. Tuy nhiên, việc lách luật để treo biển hiệu không rõ ràng và thiếu minh bạch như vậy không chỉ vi phạm quy định mà còn gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phóng viên: Theo ông, nguyên nhân chính của tình trạng này là gì?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, có thể là do một số tổ chức và doanh nghiệp không muốn tuân thủ quy định chặt chẽ của Sở Tư pháp và các Đoàn Luật sư, và do đó tìm cách lách luật để giảm bớt các yêu cầu về giám sát và quản lý.

Thứ hai, sự thiếu kiểm tra và quản lý từ các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã tạo điều kiện cho những hành vi này tồn tại.

Phóng viên: Ông có thể giải thích rõ hơn về sự khác biệt giữa tổ chức hành nghề luật sư và một doanh nghiệp có chức năng tư vấn pháp lý?

Luật sư Trương Anh Tú: Theo quy định, tổ chức hành nghề luật sư phải được đăng ký và quản lý theo quy định của Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư các tỉnh thành.

Ví dụ, tên của Văn phòng Luật sư phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Luật sư” và không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề luật sư khác đã được đăng ký hoạt động. Tương tự, Công ty Luật hợp danh phải bao gồm cụm từ “Công ty Luật hợp danh”; Công ty Luật TNHH MTV và Công ty Luật TNHH hai thành viên trở lên phải bao gồm cụm từ “Công ty Luật TNHH”. Những tên này cần phải được đăng ký với Sở Tư pháp và được các Đoàn Luật sư công nhận.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép và quản lý. Tên của những doanh nghiệp này thường bao gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Ví dụ, tên của công ty có thể là “Công ty TNHH luật” hoặc “Công ty CP luật”. Trong đó, từ “luật” chỉ là phần tên riêng chứ không phải là phần loại hình của tổ chức hành nghề luật sư.

Phóng viên: Việc treo biển hiệu mập mờ có thể gây ra những hệ quả tiêu cực gì cho ngành luật và khách hàng?

Luật sư Trương Anh Tú: Tình trạng treo biển hiệu mập mờ có thể gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Đầu tiên, khách hàng có thể bị nhầm lẫn về chất lượng và tính hợp pháp của dịch vụ pháp lý mà họ nhận được. Họ có thể không nhận được sự tư vấn và hỗ trợ pháp lý đúng mức, điều này có thể dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc thiệt hại nghiêm trọng về mặt pháp lý. Thứ hai, sự thiếu minh bạch này làm giảm uy tín của ngành luật, làm cho công chúng mất niềm tin vào các dịch vụ pháp lý chính thống.

Phóng viên: Theo ông, chúng ta nên có những biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Luật sư Trương Anh Tú: Để giải quyết tình trạng này, cần có một số biện pháp, cụ thể:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra và giám sát các tổ chức và doanh nghiệp để đảm bảo việc treo biển hiệu và cung cấp dịch vụ pháp lý phải tuân thủ đúng quy định của Sở Tư pháp và các Đoàn Luật sư. 

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tư pháp để tránh việc các doanh nghiệp lách luật.

Thứ ba, các tổ chức hành nghề luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn về quy định pháp luật liên quan đến việc treo biển hiệu và cung cấp dịch vụ pháp lý.

Thứ tư, các cơ quan chức năng cần xem xét và điều chỉnh các quy định về việc đăng ký và quản lý dịch vụ pháp lý để tránh những lỗ hổng pháp lý có thể bị lách luật. 

Phóng viên: Các Luật sư và tổ chức hành nghề cần làm gì để bảo vệ uy tín của ngành và quyền lợi của khách hàng?

Luật sư Trương Anh Tú: Các Luật sư và tổ chức hành nghề cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc cung cấp dịch vụ pháp lý. Họ nên công khai, minh bạch thông tin về dịch vụ và mức phí để khách hàng có thể đưa ra quyết định chính xác. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường đào tạo cho các thành viên trong ngành cũng là điều quan trọng để bảo vệ uy tín của ngành luật và quyền lợi của khách hàng.

Các tổ chức hành nghề luật sư cần chủ động trong việc phổ biến cho các Luật sư thành viên nâng cao nhận thức và kỹ năng, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác giám sát và kiểm tra.

Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư về những chia sẻ, hy vọng với sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan chức năng tình trạng này sớm chấm dứt nhằm xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả.

PV