Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Pắc: Hiệu quả từ các chương trình cho vay tín dụng chính sách giúp người dân thoát nghèo
24/11/2022 11:20
(LSVN) – Thời gian vừa qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cho vay tín dụng chính sách để người dân triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Từ nguồn vốn ưu đãi của Chương trình này, người dân áp dụng các thành tựu khoa học sản xuất trong chăn nuôi trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tham quan mô hình trồng rau bò khai tại xã Ea Knuếc.
Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Pắc đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản, hướng dẫn của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam giúp nhân dân hiểu rõ, tham gia vay vốn tín dụng. Đồng thời tổ chức tập huấn về quy trình, thủ tục, hồ sơ cho vay vốn tới các xã, thị trấn, hội đoàn thể làm dịch vụ ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn... Trên cơ sở danh sách các đối tượng đăng ký, các đoàn thể phối hợp với UBND cấp xã tiến hành bình xét, cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện sẽ thẩm định, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn, đảm bảo công khai, đúng quy định.
Ông Huỳnh Đức Mười, Trưởng phòng Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Pắc cho biết từ năm 2021 đến nay, Phòng giao dịch đã thực hiện tốt chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Từ đó, UBND các xã, thị trấn đã phân vốn kịp thời cho các thôn, buôn, tổ dân phố theo đúng quy định và kiểm tra, giám sát theo đúng kế hoạch đề ra.
Krông Pắc vốn là địa phương thuần nông chủ yếu là sản xuất chăn nuôi trồng trọt, cây chủ lực là cà phê, cao su hồ tiêu.. Chính những cây chủ lực này đã và đang làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương từng ngày. Song có một thực tế là nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp cận được nguồn vốn vay để sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, ổn định cuộc sống.
Ông Mười cho hay: Các hộ vay vốn cơ bản đều sử dụng đúng nguồn vốn và thực hiện có hiệu quả các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra giá trị kinh tế, công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Nhiều mô hình nông nghiệp đã được người dân thực hiện tốt như mô hình trồng rau bò khai tại xã Ea Knuếc với vốn vay 300 triệu đồng chia đều cho 6 hộ dân. Đến nay, các hộ đã thu hoạch và nhập rau cho các nhà hàng, quán ăn. Đây là loại rau có giá trị dinh dưỡng và mới lạ nên được nhiều người ưa thích. Hiện chúng tôi đang xem xét để nhân rộng mô hình trồng rau bò khai đến các xã khác trên địa bàn. Ngoài mô hình trên, người dân tại xã Ea Hiu cũng có 4 hộ được vay 200 triệu đồng (mỗi hộ 50 triệu đồng) để thực hiện mô hình trồng nấm, hiện cũng đã thu hoạch, xuất ra thị trường tiêu thụ.
Về chăn nuôi, triển khai mô hình nuôi dê tại xã Ea Knuếc và nuôi bò tại xã Ea Yiêng với vốn vay 200 triệu đồng cho 4 hộ vay (mỗi hộ 50 triệu đồng). Sau 02 năm chăm sóc, đàn dê và bò đã phát triển, sinh sản số lượng lớn, giúp người dân phần nào cải thiện đời sống kinh tế.
Ngoài ra, mô hình khởi nghiệp do các hộ đoàn thể nhận ủy thác phát động cũng phát huy hiệu quả như mô hình trồng sầu riêng với vốn vay 200 triệu đồng cho 4 hộ vay (mỗi hộ 50 triệu đồng); Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã Ea Phê cũng mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân.
“Nhìn chung, các hộ vay đã nhận thức, sử dụng đúng nguồn vốn vay, áp dụng hiệu quả các mô hình chăn nuôi, trồng trọt vào đời sống nông nghiệp. Thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Pắc sẽ tiếp tục triển khai, tăng trưởng nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về vay vốn tín dụng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Mười chia sẻ.
PV TÂY NGUYÊN