Ảnh minh họa.
Thực tiễn tham gia quan hệ lao động của người chưa thành niên
Người lao động chưa thành niên (NLĐCTN) là lao động chưa đủ 18 tuổi. Do những đặc điểm đặc thù, khi tuyển dụng và sử dụng NLĐCTN, cần quan tâm đến các yếu tố về thể lực, trí lực và nhân cách. Cụ thể, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải bố trí cho NLĐCTN một công việc phù hợp với sức khỏe, khả năng của họ, nghiêm cấm bố trí họ làm công việc nặng nhọc, đọc hại, nguy hiểm hoặc bố trí chỗ làm, công việc ảnh hưởng xấu đến nhân cách. Đặc biệt, trong nhóm người lao động chưa thành niên còn bao hàm cả bộ phận lao động trẻ em (tức chỉ bộ phận trẻ em tham gia lao động). Đây là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ, với hệ thống pháp luật khá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người chưa thành niên tham gia quan hệ lao động ở nước ta là khá nhiều. Tình trạng sử dụng lao động trẻ em trong một số ngành nghề hiện nay là vấn đề rất nhạy cảm nhưng vẫn còn tồn tại trong thực tiển. Thực tế cho thấy lao động là trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên chủ yếu ở khu vực kinh tế nông thôn. Việc sử dụng lao động trẻ em ở một số ngành nghề, dịch vụ đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân các em, gia đình và xã hội.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), cả nước có khoảng hơn 1,75 triệu lao động trẻ em, phổ biến ở độ tuổi 12 - 13 (chiếm 68,7%). Trong đó, trẻ em chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, còn lại ngành dịch vụ chiếm 16,6% và công nghiệp - xây dựng chiếm 15,8%. Ðáng nói là, trẻ em có nguy cơ làm việc trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động độc hại là 1,3 triệu em (chiếm 75% lao động trẻ em). Thời gian làm việc bình quân của các em 42 giờ/tuần. Việc ngăn chặn và giảm thiểu vấn nạn lạm dụng lao động trẻ em thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay[1]. Trên thực tế, không ít NSDLĐ khi tuyển dụng thường không thực hiện đúng, không đầy đủ những quy định liên quan, dẫn đến NLĐCTN phải làm các công việc vất vả, nặng nhọc, độc hại, không phù hợp, làm quá thời gian quy định, làm theo ca, làm việc vào ban đêm… Thậm chí, những NLĐCTN là nữ giới còn bị lạm dụng khi phải làm các công việc liên quan đến mại dâm, phục vụ… Từ đó, tác động và ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của người chưa thành niên, xâm phạm các quyền con người, quyền công dân của nhóm đối tượng này.
Do đó, cần nhiều hơn nữa những chính sách, quy định, sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan chức năng. Riêng đối với nhóm lao động trẻ em, ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu và định hướng đến năm 2030 là phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (sau đây gọi là lao động trẻ em) và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em; Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; Trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Quy định của Bộ luật Lao động 2019 về tuyển dụng, sử dụng người chưa thành niên
NLĐCTN có quyền có việc làm, đây là quyền cơ bản được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo hộ phù hợp với thực tiễn và các Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam còn chú trọng việc đào tạo nghề cho NLĐCTN. Việc này đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng, giúp NLĐCTN có khả năng tìm việc làm, tạo việc làm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Để thực hiện quyền có việc làm và đào tạo nghề, NLĐCTN phải có quyền và nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ). Đồng thời, đây cũng là quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ. Tuy nhiên, với tiêu chí độ tuổi, việc giao kết HĐLĐ có quy định riêng. Cụ thể:
- Giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH.
- Chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm công việc nhẹ khi công việc đó đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Là công việc có trong danh mục do Bộ lao động - Thương binh và xã hội quy định (được quy định cụ thể tại Điều 8 của Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH);
(ii) Nơi làm việc không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 147 của Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 2 Điều 9 của Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH, cụ thể bao gồm những trường hợp sau: Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có trong môi trường lao động nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động, bao gồm: điện từ trường, rung, ồn, nhiệt độ, bụi silic, bụi không chứa silic, bụi bông, bụi than, bụi tale; các loại chất, tia phóng xạ; bức xạ bởi tia X, các chất độc hại và các tia có hại khác; tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh; thời gian làm việc trên 04 giờ/ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom; trên giá cao hay dây treo cao hơn 2m so với mặt sàn làm việc, địa hình đồi núi dốc trên 300; các công việc ở trong hố sâu hơn 5m; làm việc trong nhà tù hoặc trong bệnh viện tâm thần.
- Không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH.
- Việc giao kết hợp đồng lao động đối với người lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc cần phải được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể như sau: Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em; Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH.
- Hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi phải có các nội dung theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động năm 2019 và các nội dung sau: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi; Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình; Việc bảo đảm điều kiện học tập.
Hợp đồng lao động đối với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính trong trường hợp NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã; hoặc sở lao động - thương binh và xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của hộ gia đình, cá nhân, trong trường hợp NSDLĐ là hộ gia đình hoặc cá nhân.
Về sử dụng NLĐCTN, xuất phát từ đặc điểm riêng của NLĐCTN nên quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cũng có sự khác biệt giữa NLĐCTN và NLĐ đã thành niên. Thông qua đó, bảo đảm cho NLĐCTN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, hưởng thụ quyền lợi, nhất là quyền nghỉ ngơi, bảo đảm sự phát triển về thể lực, trí lực cũng như có điều kiện cho việc học tập, vui chơi giải trí, tham gia hoạt động xã hội. Theo đó, thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Đối với quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, pháp luật lao động Việt Nam quy định đầy đủ về điều kiện lao động, vệ sinh lao động, các biện pháp ngăn ngừa, loại bỏ yếu tố nguy hiểm, độc hại trong môi trường. Riêng đối với nhóm NLĐCTN, an toàn lao động, vệ sinh lao động còn thể hiện qua việc quy định những ngành, nghề được, không được sử dụng NLĐCTN, chế độ khám, theo dõi sức khỏe, trách nhiệm của NSDLĐ trong huấn luyện, trang bị phương tiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đây là công cụ để NSDLĐ thực hiện quyền quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng là cơ sở tạo cho NLĐ có ý thức tổ chức kỷ luật, bảo đảm thực hiện nghiêm túc HĐLĐ trên thực tế. Quy định về vấn đề này đối với NLĐCTN hiện nay cũng khá dầy đủ khi đã đề cập đến một số điểm riêng biệt đối với NLĐCTN như hình thức, mức độ, sự tham gia của đại diện NLĐCTN.
Về thanh tra, xử lý vi phạm: Cũng tương tự như đối với NLĐ đã thành niên, việc thanh tra, xử lý vi phạm của NSDLĐ đối với NLĐCTN là không thể thiếu. Dựa trên quy định của pháp luật, việc thanh tra, xử lý góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm liên quan, bảo vệ quyền, lợi ích và sự phát triển toàn diện của NLĐCTN.
Một số giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng người lao động chưa thành niên
Nhóm giải pháp hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, về hình thức của HĐLĐ. Theo quy định hiện hành, HĐLĐ giữa NSDLĐ và NLĐCTN được chia làm hai nhóm. Đối với NLĐ chưa đủ 15 tuổi thì HĐLĐ bắt buộc phải được lập dưới hình thức văn bản. Đối với NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì không cần thiết. Tôi cho rằng quy định như vậy chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, cho dù là người chưa đủ 15 tuổi hay người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi thì họ vẫn là “người chưa thành niên”, có nghĩa họ chưa có đầy đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, chưa có đủ sự phát triển về mọi mặt. Do đó, nếu HĐLĐ không được lập thành văn bản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Đồng thời, khi sử dụng NLĐ từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi, NSDLĐ vẫn cần có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cũng như tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 144 BLLĐ. Do đó, cần thiết phải lập HĐLĐ bằng văn bản đối với tất cả NLĐCTN.
Thứ hai, về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Thời giờ làm việc, BLLĐ năm 2019 vẫn giữ nguyên quy định về thời lượng là không quá 04 giờ/ngày và 20 tiếng/tuần đối với lao động dưới 15 tuổi. Đối với lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì được phép làm việc không quá 08 tiếng/ngày và 40 giờ/tuần. So với lao động thành niên, lao động chưa thành niên làm việc ít hơn 08 tiếng/tuần. Về làm thêm giờ, BLLĐ năm 2019 quy định lao động chưa thành niên từ đủ 15 đến 18 tuổi được làm thêm giờ và làm việc ban đêm một số công việc theo quy định pháp luật (khoản 2 Điều 146). Tôi cho rằng việc quy định như vậy là chưa phù hợp với tính chất là đối tượng lao động đặc thù, việc quy định thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi nhằm đảm bảo cho trẻ em có thời gian học tập, nghỉ ngơi để phát triển thể chất. Nếu cho phép NLĐCTN làm việc vào ban đêm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của họ theo hướng tiêu cực, mặc dù nếu làm ban đêm thì sẽ được nghỉ vào ban ngày.
Đồng thời, theo Khuyến nghị số 146 của ILO thì cấm làm thêm giờ đối với lao động trẻ em để đủ thời gian cho việc giáo dục, nghỉ ngơi và các hoạt động khác nên pháp luật Việt Nam chưa tương thích với công ước quốc tế về quy định này. Đối với thời giờ nghỉ ngơi, BLLĐ hiện hành chưa có quy định về thời giờ nghỉ ngơi riêng đối với NLĐCTN. Do đó, NLĐCTN vẫn thực hiện theo quy định chung đối với tất cả NLĐ. Điều này cũng chưa phù hợp và chưa tương thích với Công ướng của ILO. Do đó, cần bỏ quy định cho phép NLĐ từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi làm việc vào ban đêm. Bổ sung quy định về thời giờ nghỉ ngơi áp dụng riêng đối với NLĐCTN.
Thứ ba, danh mục ngành nghề bị cấm sử dụng NLĐCTN chưa đầy đủ. So với các Công ước 182, 138 của ILO thì danh mục ngành nghề bị cấm sử dụng NLĐCTN của Việt Nam là chưa đầy đủ. Thông tư số 09/2020 vẫn chưa quy định một số ngành nghề trong lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp được đánh giá là nguy hiểm do sử dụng thiết bị, máy móc thiếu tiêu chuẩn về an toàn lao động, bao gồm các yếu tố nặng nhọc, độc hại như cày, bừa… trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, tại Mục 35 Phụ lục III Thông tư số 09/2020 về Danh mục công việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên quy định các công việc trên tàu đi biển nhưng chưa giải thích có bao gồm công việc đánh bắt và chế biến hải sản hay không [2]. Bởi đây cũng được coi là công việc nặng nhọc và nguy hiểm với lao động chưa thành niên. Do đó, cần bổ sung hoàn thiện danh mục này.
Ngoài ra, hiện nay việc sử dụng NLĐCTN, thậm chí bóc lột NLĐCTN còn được trá hình, ẩn mình trong các hình thức khác như gameshow, làng nghề, hội hè, cuộc thi, giải đấu… Do đó, ở phạm vi lớn hơn, các cơ quan chức năng cần xây dựng hành lang pháp lý để giải quyết, quản lý vấn đề này; có giải pháp nhận diện và xử lý các hành vi nêu trên.
Nhóm giải pháp khác
Thứ nhất, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân. Vận động gia đình đưa trẻ em đến trường và xác định việc đi học, học nghề là cách tạo thu nhập ổn định và bền vững nhất. Tuyên truyền việc sử dụng lao động là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm. Vận động người dân tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác… các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ hai, tăng cường chức năng, vai trò kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng. Trong đó, phải chú trọng hiệu quả, minh bạch, cứng rắn trong công tác này, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực khó phát hiện, khó nhận diện như nông nghiệp, điện ảnh, nghề thủ công…
[1] Khánh Minh, Chấn chỉnh tình trạng sử dụng, lạm dụng lao động trẻ em, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/chan-chinh-tinh-trang-su-dung-lam-dung-lao-dong-tre-em-post295781.html [2] Khúc Thị Trang Nhung, Phạm Thị Hương Giang, Hoàn thiện pháp luật về sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử VKSNDTC, ngày 24/5/2022. |
VĂN LINH
Tòa án quân sự Khu vực Hải quân