/ Kinh tế - Pháp luật
/ Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

11/11/2022 07:28 |

(LSVN) - Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 451 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, chiếm 90,56 %.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 sau khi tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội gồm 05 Điều, 04 Phụ lục.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 451 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 90,56 %.

Như vậy Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, thu NSNN năm 2022 vượt dự toán khá lớn cho thấy công tác dự báo còn chưa sát với tình hình thực tế, đề nghị cần đánh giá lại khả năng thu NSNN cho phù hợp. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm để đánh giá tình hình thu ngân sách tích cực hơn, làm căn cứ xây dựng dự toán thu NSNN năm sau sát với tình hình thực tế. 

Tiếp thu ý kiến cho rằng, cơ cấu tăng thu NSNN chưa bền vững; tăng thu nội địa thấp, tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, từ dầu thô, trong khi thu từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hụt thu lớn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách, tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng các giải pháp thực hiện giai đoạn 2021-2025, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sớm phê duyệt, điều chỉnh đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện. Nội dung này thể hiện tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chuyển nguồn lớn. Đề nghị giảm vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến năm 2023 để phù hợp với khả năng giải ngân. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quyết liệt triển khai, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, xin Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2023 nguồn kinh phí còn dư, chưa giải ngân hết của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với tình trạng nhiều địa phương, bộ, ngành đề nghị được trả lại vốn ODA, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ hơn trong việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện, nghiên cứu chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan. 

Về dự toán NSNN năm 2023, một số ý kiến cho rằng, dự toán tổng thu cân đối NSNN được xây dựng chỉ tương đương với ước thực hiện năm 2022 (chỉ tăng khoảng 0,4%) là chưa phù hợp với tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%, lạm phát khoảng 4% và đề nghị dự toán thu năm 2023 ở mức cao hơn để có nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, giảm bội chi NSNN. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, giải trình như sau: Trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tổ rủi ro, như sự biến động khó lường của giá dầu, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng gần đây, để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia, tránh rủi ro khi dự toán thu không đạt, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chi NSNN. Đồng thời bảo đảm kịp thời phân bổ, giao dự toán năm 2023, tránh xáo trộn quá lớn dự toán thu của các địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ như phương án Chính phủ trình.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị trường hợp thu ngân sách trung ương năm 2023 vượt so với dự toán, đề nghị Chính phủ báo cáo UBTVQH phân bổ theo hướng bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định và ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước. Nội dung này thể hiện cụ thể tại khoản 2 Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết.

Đối với ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 01/01/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương; có ý kiến đề nghị tăng 12,5% chi cho đối tượng trợ cấp hàng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nếu áp dụng tăng lương từ 01/01/2023 đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và Tết âm lịch. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Hơn nữa, tại Kết luận số 42-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ 01/7/2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo đúng tinh thần Kết luận số 42-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương và đúng theo Tờ trình Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị, để bảo đảm tính công bằng và hợp lý, cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị. Theo đó, năm 2021, để bảo đảm mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội mới được điều chỉnh tăng 33,3% từ mức 270.000 đồng/tháng lên mức 360.000 đồng/tháng. Mặt khác, hệ số hỗ trợ thực hưởng từ 1-3 lần mức bảo trợ xã hội đối với từng đối tượng cụ thể, không áp dụng chung mức 360.000 đồng/tháng cho các đối tượng, theo đó đã góp phần hỗ trợ cho các đối tượng này.

Theo phương án Chính phủ trình, mức trợ cấp cho người có công tăng 20,8%, theo đó mức chuẩn trợ cấp sẽ được điều chỉnh từ 1.624.000 đồng lên mức khoảng 1.961.800 đồng. Người có công là những người đã hy sinh cho đất nước trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các cơ quan có liên quan, cấp có thẩm quyền và chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tăng mức chuẩn trợ cấp cho người có công không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình ý kiến đại biểu nêu về thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; việc thay thế, bổ sung dự án mới vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023.

DUY ANH

Sửa ngay các bất cập liên quan tới đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Loan B T Thanh