1. Những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về dấu hiệu định tội của tội "Nhận hối lộ"
Tội "Nhận hối lộ" được quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015 có nhiều điểm mới về dấu hiệu định tội, về hình phạt, về kỹ thuật lập pháp so với quy định về tội "Nhận hối lộ" trong BLHS năm 1999. Trong đó, các nội dung mới cơ bản về yếu tố định tội gồm:
Một là, về chủ thể, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như yêu cầu của Công ước quốc tế về chống tham nhũng, BLHS năm 2015 đã có những bổ sung quan trọng. Cụ thể, khoản 1 Điều 352 BLHS năm 2015 quy định “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Với việc bổ sung dấu hiệu thực hiện “nhiệm vụ”, quy định này đã mở rộng phạm vi chủ thể của tội phạm về chức vụ bao gồm cả những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công vụ nhà nước giao và những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước. Khoản 6 Điều 354 BLHS năm 2015 cũng bổ sung quy định “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Theo đó, chủ thể thực hiện tội "Nhận hối lộ" “không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước (cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước…) mà còn có thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước”[1]. Bổ sung này “đã phản ánh được yêu cầu của thực tiễn và tương thích với công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”[2].
Hai là, quy định về bên thứ ba được hưởng lợi. Theo quy định về tội "Nhận hối lộ" trong BLHS năm 1999, “đối tượng được hưởng lợi từ tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác của hành vi hối lộ là chính bản thân người nhận hối lộ”[3]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng “kẽ hở” này để che giấu hành vi phạm tội của mình hoặc người có chức vụ, quyền hạn không nhận của hối lộ cho mình nhưng đồng ý để người đưa hối lộ chuyển của hối lộ cho bên thứ ba như người thân, tổ chức khác…. Mặt khác, theo quy định của Công ước quốc tế về chống tham nhũng, hành vi nhận hối lộ cũng bao gồm cả hành vi nhận lợi ích không chính đáng cho một người hoặc một tổ chức khác. Nhằm khắc phục những hạn chế này cũng như đáp ứng các yêu cầu của Công ước quốc tế về chống tham nhũng, BLHS năm 2015 đã mô tả hành vi nhận hối lộ là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (…) cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”. Với quy định này, hành vi nhận của hội lộ cho bên thứ ba được hưởng lợi (người hoặc tổ chức khác) cũng được coi là hành vi phạm tội "Nhận hối lộ".
Ba là, về của hối lộ: Theo quy định của Điều 279 BLHS năm 1999, của hối lộ được quy định bao gồm: tiền, tài sản, lợi ích vật chất. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, rất nhiều trường hợp lợi ích mà người có chức vụ, quyền hạn nhận được là lợi ích phi vật chất như tình dục, sự ca ngợi, tôn vinh một cách không chính đáng[4], việc làm[5]… xét về tính chất, việc người có chức vụ, quyền hạn nhận lợi ích vật chất hay phi vật chất từ người đưa hối lộ thì tính nguy hiểm của hành vi là như nhau, nhưng việc nhận lợi ích phi vật chất lại không được coi là phạm tội "Nhận hối lộ" là điều bất hợp lý. Hơn nữa, theo Công ước quốc tế về chống tham nhũng, phạm vi của hối lộ rất rộng, bao gồm mọi loại tài sản, vật chất hay phi vật chất, động sản hay bất động sản, hữu hình hay trừu tượng, và các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó[6]. Để khắc phục những hạn chế này, khoản 1 Điều 254 BLHS năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “lợi ích phi vật chất” vào tội danh này.
2. Những hạn chế, bất cập trong quy định của BLHS năm 2015 về dấu hiệu định tội của tội "Nhận hối lộ" và kiến nghị hoàn thiện
Bên cạnh những điểm mới nêu trên, quy định của BLHS năm 2015 về dấu hiệu định tội của tội "Nhận hối lộ" còn một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, quy định hành vi hối lộ trong lĩnh vực công và hối lộ trong lĩnh vực tư với cùng một tội danh, trong cùng một điều luật là chưa hợp lý, vì lý do sau: khách thể của hai hành vi này khác nhau, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cũng khác nhau. Cụ thể, nếu như quan hệ xã hội bị xâm hại bởi hành vi tham nhũng trong lĩnh vực công nói chung và hành vi nhận hối lộ trong lĩnh vực công nói riêng là những quan hệ xã hội đảm bảo cho hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức công[7], trật tự của nền công vụ, uy tín của hệ thống công quyền[8], thì quan hệ xã hội bị xâm hại bởi hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư là “quyền lợi của người chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đến sự tín nhiệm trong quan hệ lao động ở khu vực tư”[9]. Dưới góc độ kinh tế, hành vi hối lộ trong lĩnh vực tư sẽ “làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế”[10]. Vì vậy, pháp luật hình sự nhiều nước trên thế giới không quy định tội "Nhận hối lộ" trong lĩnh vực tư trong cùng điều luật với nhận hối lộ trong lĩnh vực công. Ở Pháp, tội phạm hối lộ trong khu vực tư bị xem là những hành vi vi phạm sự tín nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động[11]. Ở Đức, tội phạm hối lộ trong khu vực tư được quy định tại Chương 26 BLHS[12] (Điều 299 “Nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh” và Điều 300 “Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của nhận và đưa hối lộ trong giao dịch kinh doanh và lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ”). Hành vi nhận để/vì tạo lợi thế cho người khác khi mua hàng hoặc dịch vụ kinh doanh trong cạnh tranh theo cách thức không minh bạch với mục đích đưa hối lộ là nhằm cạnh tranh không lành mạnh[13]. Luật Hình sự Thụy Điển[14] quy định tội phạm hối lộ trong khu vực tư không chỉ để bảo vệ riêng lợi ích của người sử dụng lao động mà còn để bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng[15] và một số yếu tố quan trọng như “sự vận hành của nền kinh tế thị trường” hay “sự cạnh tranh mang tính lành mạnh”[16].
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước, chúng tôi cho rằng, BLHS năm 2015 cần thiết kế hai điều khác nhau quy định về tội "Nhận hối lộ" lĩnh vực công và tội "Nhận hối lộ" trong lĩnh vực tư.
Hai là, bất cập trong việc xác định người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Theo quy định của khoản 6 Điều 354 BLHS năm 2015, chủ thể thực hiện hành vi nhận hối lộ trong lĩnh vực tư là người có chức vụ, quyền hạn trong mọi doanh nghiệp ngoài nhà nước, và người có chức vụ, quyền hạn trong mọi tổ chức ngoài nhà nước. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện hành, chưa có một văn bản nào xác định những người được coi là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.
Trên diễn đàn khoa học có ý kiến cho rằng, người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp là “người có chức danh, chức vụ, có thực quyền (quyền quyết định toàn bộ hoặc một phần công việc nhất định tại doanh nghiệp), bao gồm người thành lập doanh nghiệp; người quản lý doanh nghiệp; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và những người làm việc trong ban kiểm soát của doanh nghiệp”[17]. Ý kiến khác lại cho rằng, “người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệpphải là những người được doanh nghiệp (…) tín nhiệm giao cho một nhiệm vụ hoặc nhân danh doanh nghiệp (…) giải quyết một công việc thuộc phạm vi hoạt động của họ.Quyền hạn mà những người này có được là do được ủy thác, được tín nhiệm bởi doanh nghiệp (…) đó. Như vậy, các chủ thể này có thể là người điều hành, quản lý ở bất kỳ một vị trí nào hoặc cũng có thể là người lao động tuy không có chức vụ nhưng được doanh nghiệp (…) ngoài nhà nước giao nhiệm vụ và chính nhiệm vụ này làm phát sinh quyền của họ”[18].
Theo quy định tại các điểm d, đ, khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp bao gồm “Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức” và “Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về người quản lý doanh nghiệp; theo đó, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, phạm vi chủ thể của tội "Nhận hối lộ" quá rộng và chưa thực sự hợp lý. Bởi lẽ, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp[19]. Do đó, hành vi nhận hối lộ của người quản lý doanh nghiệp tư nhân không hẳn sẽ luôn có tính nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền lợi của người chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đến sự tín nhiệm trong quan hệ lao động ở khu vực tư và cũng chưa hẳn sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, luật hình sự các nước này cũng quy định chủ thể của tội "Nhận hối lộ" trong lĩnh vực tư là những người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, họ có thể là người quản lý doanh nghiệp nhưng có những loại trừ nhất định, hoặc là nhân viên bình thường nhưng được giao thực hiện những nhiệm vụ nhất định trong một số lĩnh vực. Ví dụ, theo quy định của BLHS Pháp, người nhận hối lộ là người “nắm giữ hoặc thực hiện, trong bối cảnh của một hoạt động mang tính nghề nghiệp hoặc mang tính xã hội, bất kỳ một vị trí quản lý hoặc một công việc nào cho bất kỳ một người nào[20]. “Theo quy định đó người nhận hối lộ trong khu vực tư chỉ có thể là “nhân viên” hoặc “người điều hành”. Người đại diện hoặc giám đốc của công ty không thuộc phạm vi các chủ thể này”[21]. Theo quy định của BLHS Nga, chủ thể nhận hối lộ là người thực hiện chức năng quản lý tổ chức thương mại hoặc các tổ chức khác[22]. Luật Chống tham nhũng của Liên bang Nga chỉ rõ những chủ thể có hành vi tham nhũng trong kinh doanh bao gồm: Thành viên của Hội đồng quản trị, thành viên của Ban giám đốc, người đang thực hiện một công việc hoặc trách nhiệm thường xuyên hoặc tạm thời đối với những chức năng tổ chức, kỷ luật, hành chính, kinh tế của tổ chức.
Để khắc phục hạn chế nêu trên, Chúng tôi cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản xác định cụ thể người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Ba là, quy định của Điều 354 BLHS năm 2015 về bên thứ ba được hưởng lợi chưa thể hiện được tính vụ lợi của tội "Nhận hối lộ".
Điều 354 BLHS năm 2015 quy định: “…của hối lộ có thể cho một người khác hoặc tổ chức khác mà không nhất thiết phải cho chính người có chức vụ, quyền hạn. (…) Của hối lộ cũng có thể được người nhận sử dụng vào việc có tính chất chung như cho cơ sở chăm sóc người tàn tật hoặc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa…”[23].
Như vậy, việc nhận một lợi ích cho bên thứ ba được hưởng lợi, bất kể có vì động cơ vụ lợi hay không, bất kể có vì mục đích nhân đạo hay không, đều là hành vi phạm tội "Nhận hối lộ". Quy định này không phù hợp với định nghĩa về tham nhũng của Luật Phòng, chống tham nhũng[24]. Trong khi đó, xét về chức năng, BLHS có nhiệm vụ “phải tội phạm hóa các hành vi bị các luật khác xác định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”[25]. Để thực hiện nhiệm vụ này, BLHS “phải “theo” các luật khác để “phục vụ” các luật phòng, chống cũng như các luật chuyên ngành”[26]. Tức là, về nguyên tắc, các quy định của BLHS phải phù hợp với quy định tại các luật phòng, chống và các luật chuyên ngành khác. Nói cách khác, việc quy định bất kỳ bên thứ ba được hưởng lợi nào mà không có sự loại trừ để thấy được tính vụ lợi khiến cho phạm vi của hành vi nhận hối lộ quá rộng nhưng lại không hợp lý.
Đối chiếu với các tội danh khác trong BLHS năm 2015 cho thấy, một số tội quy định hành vi phạm tội có sự loại trừ nhất định. Ví dụ: điểm a khoản 1 Điều 240 - Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", quy định trường hợp loại trừ là, “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”; điểm a khoản 1 Điều 151 - Tội "Mua bán người dưới 16 tuổi", quy định trường hợp loại trừ là, “trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo”…
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi Điều 354 BLHS năm 2015 theo hướng bổ sung một số trường hợp loại trừ nhất định để thấy được tính vụ lợi của hành vi nhận hối lộ.
[1] TS. Nguyễn Văn Hương, Những điểm mới, những bất cập của quy định về các tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Tạp chí Luật học, số đặc biệt về Bộ luật Hình sự năm 2015, 2016, tr.61. [2] TS. Đào Lệ Thu, Đánh giá tính thống nhất giữa Luật Phòng, chống tham nhũng với các Bộ luật Hình sự (1999 và 2015), Kỷ yếu Hội thảo “Tính thống nhất giữa Bộ luật hình sự với các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam”, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2016, tr.54. [3] Nguyễn Văn Thuyết (chủ biên), Bình luận những điểm mới của Bộ luật Hình sự hiện hành, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018, tr.458. [4] TS. Nguyễn Văn Hương, Những điểm mới, những bất cập của quy định về các tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự năm 2015, Tạp chí Luật học, số đặc biệt về Bộ luật Hình sự năm 2015, 2016, tr.62. [5] Nguyễn Văn Thuyết (chủ biên), Bình luận những điểm mới của Bộ luật Hình sự hiện hành, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018, tr.458. [6] Điều 2 UNCAC. [7] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập II, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 361. [8] TS. Đào Lệ Thu, Hối lộ trong khu vực tư theo luật hình sự một số nước và đề xuất đối với việc áp dụng quy định về hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2018, tr.13 – 19. [9] TS. Đào Lệ Thu, Hối lộ trong khu vực tư theo luật hình sự một số nước và đề xuất đối với việc áp dụng quy định về hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2018, tr.13 – 19. [10] ThS. Lưu Thanh Hùng, Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư theo công ước UNCAC và hoàn thiện BLHS nước ta, xem http://tapchitoaan.vn/bai-viet/van-de-thoi-su/toi-pham-tham-nhung-trong-linh-vuc-tu-theo-cong-uoc-uncac-va-hoan-thien-blhs-nuoc-ta/rJ7ZSzauz.html. [11] Xem: Bonifassi S. (2003), “Country Report of France” trong sách: G. Heine, B. Huber and T. O. Rose (eds), Private Commercial Bribery - A Comparison of National and Supranational Legal Structures, Freiburg im Breisgau: ICC The World business organization, 2003, tr.92. [12] Bộ luật Hình sự Đức năm 1871. Bản sửa đổi, bổ sung mới nhất được sử dụng trong bài viết này xem trên https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_stgb/, truy cập ngày 01/12/2020. [13] TS. Đào Lệ Thu, Hối lộ trong khu vực tư theo luật hình sự một số nước và đề xuất đối với việc áp dụng quy định về hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2018, tr.13 – 19. [14] BLHS Thuỵ Điển ban hành năm 1962, có hiệu lực năm 1965. Bản sửa đổi, bổ sung mới nhất được sử dụng trong bài viết này xem trên https://www.government.se/4a8349/contentassets/7a2dcae0787e465e9a2431554b5eab03/the-swedish-criminal-code.pdf, truy cập ngày 01/12/2020. [15] TS. Đào Lệ Thu, Hối lộ trong khu vực tư theo luật hình sự một số nước và đề xuất đối với việc áp dụng quy định về hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2018, tr.13 – 19. [16] Lejonhufvud (2003), “Country Report of Sweden” trong sách: G. Heine, B. Huber and T. O. Rose (eds), Private Commercial Bribery - A Comparison of National and Supranational Legal Structures. Freiburg im Breisgau: ICC The World business organization, 2003, pp.410-411. [17] Nguyễn Văn Thuyết (chủ biên), Bình luận những điểm mới của Bộ luật Hình sự hiện hành, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018, tr.450. [18] TS. Đào Lệ Thu, Hối lộ trong khu vực tư theo luật hình sự một số nước và đề xuất đối với việc áp dụng quy định về hối lộ ở khu vực ngoài Nhà nước trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2018, tr.13 – 19. [19] Khoản 1, Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020. [20] Điều 445-2 BLHS Pháp. [21] TS. Đào Lệ Thu, Hối lộ trong khu vực tư theo luật hình sự một số nước và đề xuất đối với việc áp dụng quy định về hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước trong luật hình sự Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 16/2018, tr.13 – 19. [22] Điều 204 BLHS Nga. [23] GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần các tội phạm), quyển 2, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr.616. [24] Theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, tham nhũng được định nghĩa là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê (chủ biên), Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr.1130, vụ lợi là “mưu cầu lợi ích cho riêng mình”. [25] GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa và các tác giả khác, Bộ luật Hình sự năm 2015 với việc đáp ứng yêu cầu tội phạm hóa của các luật khác, Tạp chí Luật học, số đặc biệt về BLHS năm 2015, tr.36. [26] GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa và các tác giả khác, Tlđd, tr.37. |
Thạc sĩ ĐÀO PHƯƠNG THANH
Trường Đại học Luật Hà Nội
(Theo Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp)