(LSVN) - Thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác là những thông tin thuộc bí mật riêng tư, bí mật cá nhân của người khác được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật khi người bị xâm phạm có yêu cầu.
Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền bí mật đời tư, như sau:
“...2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.
Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009 có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, gồm có hành vi: “Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.
Việc xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác gồm các hành vi sau:
+ Hành vi chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào: Chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính là làm cho thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính không đến với người nhận bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lén lút, gian dối, bội tín, công nhiên…
Cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu là lấy đi, nhưng tính chất chiếm đoạt ở đây khác chiếm đoạt tài sản ở chỗ, người phạm tội có thể lấy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính cho mình, nhưng cũng có thể chỉ lấy rồi vứt đi, mà không chiếm hữu sử dụng. Thư từ, điện tín có thể là để ngỏ hay dán kín; có thể là ở thùng thư, bưu điện hay ở nhà riêng, đang do mình có trách nhiệm chuyển giao hay lừa người khác nhận chuyển hộ rồi chiếm đoạt.
Hành vi xâm phạm an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác còn thể hiện như tịch thu trái phép thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác... Nếu chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính để dùng vào mục đích khác và hành vi dùng vào mục đích khác của người phạm tội lại cấu thành một tội phạm độc lập thì tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng nếu hành vi chiếm đoạt chỉ là phương tiện để thực hiện mục đích.
Ví dụ: chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính dùng vào mục đích gián điệp thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gián điệp”. Nếu chiếm đoạt thư của người khác rồi bóc ra xem thấy có nội dung mà người phạm tội dùng nó để lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Xâm phạm bí mật hoặc thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”, vừa bị truy cứu TNHS về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các văn bản mà người phạm tội chiếm đoạt không phải là văn bản được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính và không có nội dung, tính chất thư tín, điện tín thì không phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
+ Hành vi cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông: làm hư hỏng là không còn nguyên vẹn hoặc hỏng hoàn toàn thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác.
Hành vi này rất đa dạng về cách thức thực hiện như tiêu hủy, đốt, xé, xóa thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác. Thất lạc thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không hành động theo trình tự, không đưa những đối tượng trên đến địa điểm cần đến. Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không làm hư hỏng, ảnh hưởng đến hành trình, đường đi của thư tín nhưng lại sao chép, ghi lại nội dung của thông tin trong thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác.
+ Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật: là hành vi lén lút ghi lại nội dung cuộc nói chuyện giữa nhiều người với nhau mà không được sự đồng ý, cho phép của người bị ghi âm. Việc nghe hoặc ghi âm điện thoại liên quan đến quyền riêng tư của cá nhân về thông tin. Tuy nhiên cần lưu ý đây là trường hợp pháp luật quy định một cách rõ ràng trường hợp nào thì được nghe, trường hợp nào thì không được nghe chứ không tùy tiện áp đặt vào thực tế trong mọi trường hợp việc nghe hoặc ghi âm cuộc đàm thoại vì mọi mục đích đều là trái pháp luật.
+ Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật: Điều này thể hiện bằng hành vi tự ý lục lọi, xem xét và giữ thư tín, điện tín trong các trường hợp không được pháp luật cho phép.
+ Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác: Hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác qua mạng xã hội, sử dụng các dạng truyền tin bằng chữ, hình ảnh, âm thanh qua: Facebook, Zalo, Viber,...
Các hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện báo,... nêu trên phải là hành vi trái pháp luật. Khi xác định có phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hay không cần phải đối chiếu với các quy định về bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của các cơ quan chức năng chuyên ngành như: Tổng cục bưu điện, Tổng công ty viễn thông...
Hậu quả của hành vi này, trước hết làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật hoặc không đến được người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hoặc tinh thần cho người khác.
Bộ luật Hình sự 2015 không căn cứ vào thiệt hại do hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại,… gây ra để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội danh này mà chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm là tội phạm đã hoàn thành, những hậu quả khác do thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm chỉ có ý nghĩa trong việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội để quyết định hình phạt.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác xảy ra khá phổ biến ở nước ta hiện nay, nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm không đáng kể, nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do ý thức pháp luật chưa cao, chỉ khi nào do hành vi xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín gây ra hậu quả nghiêm trọng khác thì người có hành vi xâm phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
NGUYỄN THỊ YẾN HOA
Tòa án quân sự Quân khu 1
Hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép sẽ bị xử lý thế nào?
Góp ý dự thảo Thông tư: Cần bảo đảm quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại
(LSVN) - Việc xử lý đơn khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại (QĐGQKN) đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 44 Luật Khiếu nại thì người xử lý đơn không thụ lý, không chuyển đơn mà hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang lấy kiến đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Theo đó, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.
Chúng tôi nhận thấy nội dung dự thảo quy định theo hướng đảm bảo quyền khởi kiện vụ án hành chính của người khiếu nại, bởi theo các đạo luật về khiếu nại và tố tụng hành chính đều quy định người khiếu nại được quyền khởi kiện ra tòa hành chính trong bất cứ thời điểm nào, trước khi khiếu nại, sau khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần thứ hai, cụ thể:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) là trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra QĐHC hoặc cơ quan có người có HVHC hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính (TTHC)
- Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định tại Điều 28 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật TTHC.
- Hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai quy định tại Điều 37 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với QĐGQKN lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật TTHC.
Từ thực tiễn tham gia tranh tụng các vụ án hành chính, chúng tôi nhận thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại liên quan đến việc xác định thời điểm các QĐGQKN có hiệu lực để các cơ quan có thẩm quyền có căn cứ không thụ lý khiếu nại; Không thụ lý đơn khởi kiện đối với QĐGQKN đã có hiệu lực. Có như vậy, các QĐGQKN có hiệu lực pháp luật phải được thi hành ngay.
Theo Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định QĐGQKN có hiệu lực pháp luật trong các trường hợp sau:
- QĐGQKN lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
- QĐGQKN lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kếo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với QĐGQKN có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật TTHC. QĐGQKN có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.
Vấn đề đặt ra là: Khi nào QĐGQKN có hiệu lực pháp luật?
Theo các đạo luật về khiếu nại và tố tụng hành chính đều quy định người khiếu nại thực hiện quyền khởi kiện ra tòa hành chính trước khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần đầu, sau khi khiếu nại lần thứ hai với điều kiện tuân thủ thời hiệu, thời hạn khiếu nại,
Khoản 1, khoản 2 Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 đã quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại lầu đầu hoặc lần hai mà người khiếu nại không khiếu nại để xác định QĐGQKN có hiệu lực pháp luật thi hành ngay, là không phù hợp với trình tự thủ tục khiếu nại và khởi kiện, bởi dù hết thời hạn khiếu nại QĐGQKN lần đầu hoặc lần hai, người khiếu nại vẫn được quyền khởi kiện các QĐGQKN ra Tòa án nếu còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC.
Khoản 7 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại đã có QĐGQKN lần hai thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết” Do đó, dự thảo thông tư quy định không thụ lý, không quy định trả lại đơn, không chuyển đơn và hướng dẫn hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính là đảm bảo quyền khởi kiện của người khiếu nại.
Vì vậy, chúng tôi góp ý dự thảo thông tư nên có quy định hướng dẫn người khiếu nại khởi kiện QĐGQKN tại Tòa án có thẩm quyền trong trường hợp còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC.
Tương tự, việc xác định thời điểm quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực theo pháp luật đất đai cũng cần điều chỉnh cho phù hợp. Ngày 06/01/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/03/2017).
Tại khoản 58 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐCP bổ sung Điều 90a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thời hiệu giải quyết tranh chấp lần hai và hiệu lực thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, như sau:
“1.Sau khi nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của người có thẩm quyền mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết thì phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền.
Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.
2.Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành.”
Việc xác định thời điểm quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế, giải quyết khiếu kiện ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và các bên đương sự có liên quan.
Luật Đất đai 2013 đã quy định, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND có thẩm quyền, đương sự được quyền lựa chọn việc khiếu nại đến cơ quan giải quyết lần hai (thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường) hoặc khởi khởi kiện theo Luật TTHC.
Quy định về giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai được quy định tại Chương XIII (Điều 203, 204 Luật Đất đai 2013) và Chương IX Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo đó, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện QĐHC hoặc HVHC về quản lý đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại QĐHC, HVHC về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện QĐHC, HVHC về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về TTHC.
Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP, nếu không đồng ý quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu,đương sự phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không quá 45 ngày thì quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần hai có hiệu lực thi hành.
Trong khi đó các đạo Luật Khiếu nại 2011, Luật Đất đai năm 2013, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định đảm bảo quyền khởi kiện, đảm bảo quyền lựa chọn khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, kể cả quyết định giải quyết tranh chấp lần hai.
Thực tiễn xét xử các vụ khiếu kiện các QĐHC trong lĩnh vực quản lý đất đai, QĐGQKN cho thấy trường hợp không đồng ý với QĐGQKN lần hai, không đồng ý quyết định giải quyết tranh chấp lần hai, các bên đương sự tiếp tục khởi kiện đều được Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo Luật TTHC. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị quy định tại Nghị định 01/2017 và Điều 44 Luật Khiếu nại năm 2011 cần sửa đổi, bổ sung quy định xác định thời điểm QĐGQKN, quyết định giải quyết tranh chấp đất có hiệu lực để đảm bảo quyền khởi kiện đối với các QĐGQKN, đảm bảo việc thi hành các QĐGQKN, quyết định tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Hành vi mua bán lại, chuyển nhượng nhà ở xã hội trái phép sẽ bị xử lý thế nào?
Dừng toàn bộ chuyến bay chở khách giữa các địa phương giãn cách xã hội
(LSVN) - Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nói chung và đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội nói riêng.
Cục Hàng không Việt Nam vừa ra thông báo dừng hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động khai thác chuyến bay thương mại và di biến động, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nói chung và đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội nói riêng.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định chỉ ưu tiên chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Trường hợp cần thiết phải di chuyển, địa phương có người di chuyển phải thống nhất với địa phương nơi đến của chuyến bay và địa phương tiếp nhận (nếu khác với địa phương đến của chuyến bay) để kịp thời đón và tiếp nhận ngay tại sân bay, thực hiện xét nghiệm và cách ly theo quy định.
Riêng với đường bay trục Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, vào tháng Bảy, Bộ Giao thông Vận tải nhận được văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc kiểm soát hoạt động chuyến bay thương mại từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành phố khác trong tình hình dịch bệnh phức tạp.
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không triển khai áp dụng khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày “nhằm quyết tâm bảo vệ Thủ đô không bị diễn biến xấu, bảo vệ sự an toàn an ninh cho nhân dân” theo đề nghị của thành phố Hà Nội.
VĂN QUANG
Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện
Hướng dẫn mới về chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19
(LSVN) - Trường hợp người tham gia phòng, chống dịch thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP thì được hưởng một mức phụ cấp chống dịch cao nhất. Về số ngày hưởng, tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết (không bao gồm thời gian đi đường).
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 6401/BYT/KHTC về việc hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19. Theo đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch với nhiều biến chủng vi rút lây nhiễm nhanh và mạnh hơn. Toàn ngành y tế đang ra sức, nỗ lực cùng cả nước phòng, chống dịch. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã huy động nhiều đoàn cán bộ của các cơ sở y tế, cơ quan quản lý Nhà nước, học viên, sinh viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe, các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong thời gian qua.
Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của các cán bộ y tế, học viên, sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe. Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021.
Để giúp các đơn vị, địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính tại công văn số 8502/BTC-HCSN ngày 30/7/2021, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung về thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19.
Đối tượng gồm:
a, Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý được cử đi huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
b, Học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
c, Người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Chế độ phụ cấp chống dịch
Chế độ phụ cấp chống dịch trong thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được áp dụng như sau:
- Các đối tượng quy định tại điểm a mục 1 công văn này được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cánh ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
- Các đối tượng quy định tại điểm b, điểm c mục 1 công văn này: Được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2021; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.
Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP).
- Trường hợp người tham gia phòng, chống dịch thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP thì được hưởng một mức phụ cấp chống dịch cao nhất.
Về số ngày hưởng, tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết (không bao gồm thời gian đi đường).
Thời điểm áp dụng:
- Các đối tượng quy định tại điểm a, mục 1 công văn này: thời điểm áp dụng thực hiện theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ (thay thế nghị quyết số 37/NQ-CP).
- Các đối tượng quy định tại điểm b, điểm c mục 1 công văn này thời điểm áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Các đối tượng quy định tại điểm a mục 1 được hưởng chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trong thời gian đi công tác (hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Trường hợp địa phương bố trí chỗ ở thì cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi không phải chi trả kinh phí.
Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ, lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường).
Đối tượng tình nguyện viên là học viên, sinh viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đi lại (đưa, đón) do cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động tổ chức chuyến đi tập trung.
PHƯƠNG HOA
Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện