Quy định về việc Luật sư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam

01/11/2023 18:25 | 6 tháng trước

(LSVN) - Theo quy định Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012, nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài phải "có mặt thường xuyên tại Việt Nam" được hiểu như thế nào? Có phải chứng minh, báo cáo cho cơ quan quản lý thuộc Sở Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp về vấn đề này không? Bạn đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam hỏi?.

Ảnh minh họa. 

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Lương Tuấn Anh, Công ty Luật TNHH ABA Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết.

Luật sư nước ngoài có được hành nghề tại Việt Nam?

Căn cứ theo điều 74 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012, Luật sư nước ngoài có thể hành nghề tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

- Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;

- Cam kết tuân thủ Hiến pháp; pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Cam kết làm việc theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

- Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam; hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

Về hình thức hành nghề của Luật sư nước ngoài

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

- Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

- Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Phạm vi hành nghề của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một Luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.

Quyền và nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài

Quyền và nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 77 Luật Luật sư như sau:

(i) Luật sư nước ngoài có các quyền sau đây:

– Lựa chọn hình thức hành nghề tại Việt Nam theo quy định;

– Chuyển thu nhập từ hoạt động hành nghề ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(ii) Luật sư nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

– Nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật;

– Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư, nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Luật này; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

– Có mặt thường xuyên tại Việt Nam;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, căn cứ Điều 16 Nghị định 123/2013/NĐ-CP có quy định về thuê Luật sư nước ngoài làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư như sau: Tổ chức hành nghề luật sư có thể ký kết hợp đồng lao động thuê Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam làm việc cho tổ chức mình. Quyền và nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài làm thuê cho tổ chức hành nghề luật sư được thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với Luật Luật sư, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động thuê Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động kèm theo hợp đồng lao động. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuê Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.

Theo khoản 1 Điều 32 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định về hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau: Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm: Văn phòng luật sư; Công ty luật. Theo đó, Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam có thể làm việc tại công ty luật là tổ chức hành nghề luật sư.

Khoản 30 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy đinh về phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài như sau: Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một Luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.

Như vậy, Luật sư nước ngoài chỉ được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một Luật sư Việt Nam. Nếu không đáp ứng điều kiện này thì nội dung tư vấn pháp luật Việt Nam trong email gửi đến khách hàng dù có chữ ký, tên của Luật sư Việt Nam hỗ trợ cũng không đúng quy định. Công ty có thể để cho Luật sư Việt Nam tư vấn pháp luật Việt Nam cho khách hàng thay vì Luật sư nước ngoài.

PV

Đề xuất nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN