Ảnh minh họa.
Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Đinh Thị Hoàng Nhung, Công ty Luật TNHH Hnlaw & Partners cho hay, theo quy định tại khoản 10, khoản 11, Điều 16 Luật Công an Nhân dân 2018 về nhiệm vụ và quyền hạn của Công an Nhân dân thì Công an Nhân dân có quyền thực hiện quản lý về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Về thẩm quyền thanh tra
Căn cứ Điều 3 Nghị định 41/2014/NĐ-CP, Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong Công an Nhân dân:
“1. Hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước trong Công an Nhân dân, gồm:
a) Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi là Thanh tra Bộ);
b) Thanh tra Tổng cục;
c) Thanh tra Bộ Tư lệnh;
d) Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra Công an tỉnh). Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh);
đ) Thanh tra Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Thanh tra Công an huyện).”
Theo quy định tại Nghị định 41/2014/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam đều có thể bị thanh tra trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Về hình thức thanh tra
Điều 37 Luật Thanh tra 2010 quy định các hình thức thanh tra như sau:
“1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất.
2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
4. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.”
Theo Luật Thanh tra 2010 có các hình thức thanh tra như sau: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng Cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao.
Về quyết định thanh tra
Và Điều 44 Luật Thanh tra 2010 thì quyết định thanh tra phải rõ ràng bao gồm các nội dung sau:
“a) Căn cứ pháp lý để thanh tra;
b) Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra;
c) Thời hạn thanh tra;
d) Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thành viên khác của Đoàn thanh tra.
Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất”.
Thông thường đối với trường hợp thanh tra thường xuyên và thanh tra theo kế hoạch quyết định thanh tra phải được gửi đến doanh nghiệp trước 5 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Ngoại trừ, trường hợp thanh tra đột xuất cơ quan tiến hành thanh tra không cần báo trước cho doanh nghiệp biết.
Tuy nhiên, dù không cần báo trước cho doanh nghiệp nhưng khi thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất vẫn phải có quyết định thanh tra trong đó ghi rõ căn cứ ra quyết định thanh tra.
Về tần suất thanh tra
Căn cứ điểm d khoản 2 Mục II Nghị Quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020:
“Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng”.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong thanh tra
Cũng theo quy định tại Điều 13 Luật Thanh tra 2010 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thanh tra như sau:
“1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.
2. Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao.
3. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.
5. Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.
6. Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thanh tra nhà nước; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.
7. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra.
8. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
9. Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định hiện nay, mỗi doanh nghiệp chỉ phải bị thanh tra, kiểm tra 1 lần trong năm. Tuy nhiên, trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra không hạn chế số lần.
Như vậy, Công an kinh tế có thẩm quyền thanh, kiểm tra dưới hình thức thanh tra đột xuất mà không cần thông báo đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể tiến hành kiểm tra doanh nghiệp (đối tượng được thanh tra) đoàn kiểm tra phải đưa ra căn cứ rõ ràng và phải công bố quyết định thanh tra do người có thẩm quyền ký. Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Công an kinh tế xuất trình các giấy tờ trên theo quy định của pháp luật trước khi chấp hành quyết định và kết luận thanh tra.
VŨ QUÝ
Xác định hình phạt đối với pháp nhân thương mại như thế nào trong trường hợp phạm nhiều tội?