/ Luật sư trực ban
/ Quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình thì chia thừa kế thế nào?

Quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình thì chia thừa kế thế nào?

20/04/2024 12:17 |

(LSVN) - Nếu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên hộ gia đình thì khi chia thừa kế sẽ chia như thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện nay thực tế tồn tại rất nhiều trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên hộ gia đình. Vì thế, khi phân chia di sản thừa kế khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình cần lưu ý nhiều vấn đề, nhất là khi xác định phần di sản nào sẽ được chia, việc xác định này ảnh hưởng trực tiếp đến phần thừa kế được hưởng và nghĩa vụ của các hàng thừa kế nếu có. Bởi vậy, chia thừa kế khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình khác so với trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của người chết, khắc ở chỗ phải xác định phần di sản trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình.

Điều kiện để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình

Tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”.

Còn tại khoản 29, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Theo quy định pháp luật về đất đai, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình sử dụng đất nếu có đủ các điều kiện sau:

- Thứ nhất: Có quan hệ hôn nhân (vợ, chồng), quan hệ huyết thống (cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại,...), quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi).

- Thứ hai: Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất (thời điểm nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế,...).

- Thứ ba: Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như cùng nhau đóng góp, tạo lập hoặc được tặng cho, thừa kế chung...

Tuy nhiên, trên thực tế để xác định giá trị “cùng nhau đóng góp, tạo lập khối tài sản chung” khá phức tạp, trong nhiều trường hợp không thể xác định được; hướng giải quyết trên thực tế khi đó phụ thuộc vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cấp (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình có nội dung dòng chữ “hộ ông” hoặc “hộ bà”. Thực tế xảy ra việc này là vì trước đây có nhiều địa phương ghi nội dung cấp Giấy chứng nhận cho “hộ ông”, “hộ bà” mà không cần đáp ứng đủ điều kiện trên.

Xác định phần di sản thừa kế khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình

Xác định di sản trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất của gia đình sử dụng đất rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của những người thừa kế. Nói cách khác, xác định di sản để chia thừa kế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phần di sản được hưởng là bao nhiêu và phần nghĩa vụ trong phạm vi di sản được hưởng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà mức độ khó dễ khi xác định là khác nhau; để xác định chính xác phải căn cứ vào 03 điều kiện đã nêu trên.

Ví dụ trường hợp sau: “Năm 2010 UBND huyện P. cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông N. với diện tích 800m2, nguồn gốc sử dụng đất do Nhà nước giao cho hộ gia đình, thời điểm giao năm 2000, khi đó hộ gia đình ông N gồm có 04 thành viên, gồm: ông N., bà L. (vợ ông N.) và anh K, chị G (con đẻ ông N.). Năm 2021, anh K. (con trai ông N.) kết hôn, đến năm 2023 ông N. chết”. Thì khi chia thừa kế phần di sản của ông N. để lại được xác định là 800m2, được chia đều cho 04 người, mỗi người được hưởng là 200m2; thời điểm cấp Giấy chứng nhận hộ gia đình ông N. có 04 thành viên đang sống chung, các thành viên có chung quyền sử dụng đất vì đất do Nhà nước giao cho hộ gia đình; vì giao chung nên dù con ông N. còn nhỏ thì vẫn có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ; riêng con dâu ông N. (vợ anh K.) không có chung quyền sử dụng đất với hộ gia đình ông N. vì không đáp ứng được các điều kiện trên. Vì thế, phần di sản trong ví dụ trường hợp trên là 200m2, khi chia thừa kế chỉ chia 200m2.

Sau khi xác định di sản thừa kế cần xem người để lại di sản có để lại di chúc hay không, nếu có di chúc hợp pháp thì chia theo di chúc, nếu không có di chúc thì chia theo pháp luật hoặc vừa chia theo di chúc, vừa chia theo pháp luật khi một phần di chúc không hợp pháp hoặc không định đoạt hết phần di sản là quyền sử dụng đất. 

TRẦN QUÝ

Thủ tục, trình tự giao đất, cho thuê đất đối với dự án lấn biển

Nguyễn Hoàng Lâm