(LSVN) - Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, khi nghị án Hội đồng xét xử phải xem xét các căn cứ, tiêu chí về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện để đưa ra phán quyết định là chấp nhận hoặc không chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Ảnh minh họa.
Thực tiễn giải quyết án hành chính cho thấy không ít bản án có sai sót, vi phạm nghiêm trọng về thủ tục cũng như nội dung bị Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm tuyên sửa, hủy án để giao về xét xử, giải quyết cho đúng thẩm quyền. Thực tế, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về các căn cứ, tiêu chí đánh giá hợp pháp quyết định hành chính bị kiện. Đặc biệt, quan điểm của Tòa án thiên về đánh giá nội dung mà chưa quan tâm đánh giá tính hợp pháp về mặt hình thức của quyết định hành chính bị kiện.
Thi hành Luật Tố tụng hành chính, VKSND Tối cao đã có nhiều hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm một số nội dung liên quan đến công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong lĩnh vực đất đai, đề nghị khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, cần chú ý đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo VKSND Tối cao, trong thực tế có tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân lại thụ lý giải quyết và ban hành quyết định (quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung giải quyết tranh chấp đất đai) là trái thẩm quyền. Đây là một trong những căn cứ để kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm,...
Tuy nhiên, qua thực tế giải quyết án hành chính, Tòa án chưa coi trọng việc xem xét tính hợp pháp về mặt hình thức của quyết định hành chính bị kiện. Trong trường hợp có vi phạm về hình thức văn bản (chỉ ra thông báo, kết luận không ban hành quyết định); vi phạm về chủ thể ban hành, ban hành quyết định hành chính không đúng thẩm quyền. Theo đó, Tòa án thường có những nhận định: Tuy người bị kiện ban hành quyết định không đúng thẩm quyền, nhưng không làm thay đổi bản chất nội dung của vụ việc, cần rút kinh nghiệm,... Từ đó bác yêu cầu khởi kiện, bác yêu cầu kháng cáo hoặc bác yêu cầu giám đốc thẩm.
Không thể hợp thức cho sai phạm của đối tượng bị kiện
Theo tác giả, những bản án hành chính nhận định và tuyên xử bác đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính ban hành trái thẩm quyền như vậy vô hình chung hợp thức hóa cho những sai sót của người bị kiện. Phán quyết định như vậy sẽ tạo điều kiện khiến cơ quan quản lý Nhà nước, người có thẩm quyền bị kiện chủ quan, tiếp tục “rút kinh nghiệm“ ban hành những quyết định vi phạm về thủ tục, thẩm quyền. Phán quyết như vậy thì làm sao đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong thi hành pháp luật nói chung, Luật Tố tụng hành chính, Luật Khiếu nại nói riêng?
Để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của các đương sự trong tố tụng hành chính, Tòa án khi xét xử cần phải xem xét đầy đủ các căn cứ, tiêu chí về hình thức cũng như nội dung theo kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Theo đó, cần chấm dứt những nhận định “quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện tuy đúng thẩm quyền, có vi phạm thủ tục, nhưng không làm thay đổi nội dung của vụ việc" để tuyên bác yêu cầu khởi kiện có căn cứ của người khởi kiện.
Khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về nghị án: "Khi nghị án, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính (nếu có) liên quan để quyết định về các vấn đề sau đây: a) Tính hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện; b) Tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính; c) Thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính; d) Mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và những người có liên quan; đ) Tính hợp pháp và có căn cứ của văn bản hành chính có liên quan (nếu có); e) Vấn đề bồi thường thiệt hại và vấn đề khác (nếu có)". |
Quan điểm chưa thống nhất
Mặc dù pháp luật đã quy định các căn cứ, tiêu chí để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trong vụ án hành chính nhưng hiện nay có một số quan điểm khác nhau về nội dung này.
Quan điểm 1: Khi xem xét tính hợp pháp quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trong vụ án hành chính thì Tòa án chỉ xem xét bắt buộc tính hợp pháp về mặt nội dung mà không cần bắt buộc xem xét tính hợp pháp về mặt hình thức của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện.
Theo quan điểm này thì Tòa án khi xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện chỉ chú trọng về nội dung, tức là việc áp dụng pháp luật chuyên ngành đối với đối tượng nào đó là có đúng hay không chứ không quan trọng về hình thức quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trong trường hợp áp dụng đúng pháp luật nội dung trong quyết định hành chính, hành vi hành chính nhưng lại vi phạm hình thức như: Hình thức văn bản sai mẫu, chủ thể ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính không đúng thẩm quyền,… thì họ cho rằng mặc dù là có sự vi phạm về mặt hình thức nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ việc nên đã bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện.
Ngoài ra, quan điểm này còn cho rằng nếu việc áp dụng quyết định hành chính là sai về mặt hình thức thì cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó có quyền thu hồi và áp dụng lại quyết định hành chính mới thay thế cho quyết định hành chính trước đó.
Quan điểm 2: Khi xem xét tính hợp pháp quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trong vụ án hành chính thì Tòa án cần phải xem xét bắt buộc tính hợp pháp về nội dung, hình thức và các căn cứ khác của quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Quan điểm này cho rằng để xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện trong vụ án hành chính thì Tòa án cần phải xem xét tất cả các tiêu chí, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Điều đó có nghĩa là Tòa án không chỉ xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính về mặt nội dung áp dụng pháp luật mà còn xem xét cả về mặt hình thức áp dụng, lý giải cho quan điểm này là:
Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định rõ Hội đồng xét xử phải xem xét các căn cứ, tiêu chí về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện để đưa ra phần quyết định là chấp nhận hoặc không chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Thứ hai, Tòa án không thể chỉ xem xét bắt buộc tính hợp pháp về mặt nội dung áp dụng của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện mà không xem xét về mặt hình thức. Bởi lẽ, nếu chúng ta chấp nhận sự sai sót về mặt hình thức, không quan trọng hình thức áp dụng thì sẽ tạo tiền đề và khuyến khích cơ quan quản lý Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó tiếp tục sai phạm, không thể hiện sự chính quy, trách nhiệm của người cán bộ, công chức trong công việc. Đồng thời sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với sự quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo quan điểm của tác giả, quan điểm hai là hợp lý, bởi lẽ việc xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện đã được quy định rõ về các căn cứ, tiêu chí tại khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Hơn nữa trong bối cảnh đất nước hiện nay thì mọi người đều chú trọng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương công vụ của người cán bộ, công chức Nhà nước. Do đó, khi giải quyết các vụ án hành chính thì Tòa án cần phải xem xét các căn cứ, tiêu chí theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Như vậy thì mới đảm bảo được quyền lợi của nhân dân, đảm bảo được lòng tin của nhân dân đối với sự quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng