Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết ghế massage đang bán tại Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng, với các chiêu trò quảng cáo lấp lửng, khách hàng dễ nhầm tưởng đó là hàng Nhật, Hàn, từ đó lạc vào “ma trận” giá. Đáng chú ý, dù mỗi máy massage được bán ra với giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng nhưng hiếm khi nơi bán xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) hoặc ghi không đúng giá trị giao dịch thật khiến Nhà nước có thể thất thu thuế rất cao…
Trước vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 06/9, ngành thuế đang rà soát, phân loại các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ghế massage và những mặt hàng tương tự trên địa bàn quản lý có dấu hiệu rủi ro bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất và thực hiện thanh tra, kiểm tra ngay. Theo đó, Tổng cục Thuế phối hợp với các ngành liên quan (Quản lý thị trường, Công thương, Tài chính, Hải quan...) để tăng cường các biện pháp quản lý đối với các mặt hàng trên.
Đối với việc quản lý hải quan về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage, Bộ Tài chính cho biết sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu để làm rõ việc khai báo về xuất xứ, nhãn hàng hóa mặt hàng ghế massage nhập khẩu. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp gian lận về xuất xứ, nhãn hàng hóa theo quy định.
Ngoài ra, đối với tình trạng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế, Tổng cục Thuế cho rằng đây là các chi nhánh, văn phòng đại diện và các địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có trụ sở chính ở tỉnh ngoài các địa điểm kinh doanh trên. Việc xuất hóa đơn, kê khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp chủ yếu tập trung tại trụ sở chính...
PV
Nhiều chính sách mới về lao động - bảo hiểm có hiệu lực trong tháng 9