LSVNO - Hàng loạt những sai phạm về tài chính tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã được chỉ rõ trong kết luận thanh tra của Bộ Tài chính. Thế nhưng, kết luận mới chỉ dừng lại ở mức chỉ ra sai phạm. Điều mà dư luận quan tâm là ai phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm nghiêm trọng đó?
Xóa nợ nhiều tỷ đồng không đúng quy định (?)
Một số sai phạm nghiêm trọng của ACV được chỉ rõ, khiến dư luận cho rằng có nhiều dấu hiệu, bóng dáng của lợi ích nhóm.
Tại kết luận thanh tra số 72/KL – TTr ngày 22/01/2019 của Bộ Tài chính đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh, việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại ACV.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV với tổng tài sản tại thời điểm 31/12/29017 là 48.761 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 27.384 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả lên tới 21.778 tỷ đồng (nợ ngắn hạn 7.349 tỷ đồng, nợ dài hạn 14.408 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thu và thu nhập là 15.236 tỷ đồng; tổng chi phí là 9.892 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 5.343 tỷ đồng.
Tại 5 doanh nghiệp thanh tra, nợ phải thu thời điểm 31/12/2017 là hơn 8.020 tỷ đồng. Qua kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu.
Theo đó, ACV chưa kịp thời xử lý để thu hồi hơn 16.067 tỷ đồng, đây là khoản tiền đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu một số hạng mục đã dừng thi công.
Tại Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Sài Gòn, do ACV nắm giữ 48% vốn điều lệ thực hiện xóa nợ phải thu khó đòi chưa đúng quy định số tiền 26,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần hàng không Mê Kông (P8) được xóa nợ số tiền 5,5 tỷ đồng…
Với việc tự ý xóa nợ của ACV dư luận cho rằng đằng sau đó là những điều bất minh mà tại kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính chưa vạch rõ và chính từ những điều này mà vụ việc cần thiết phải chuyển sang Bộ Công an để điều tra làm rõ nhằm thể hiện rõ tinh thần phòng, chống tham nhũng.
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) do ACV nắm giữ 49, 07% vốn điều lệ, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tăng không đúng số tiền 2.318.554.720 đồng.
Hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định
Cụ thể, phát hiện 2/5 doanh nghiệp được thanh tra hạch toán nhà nước chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 6,1 tỷ đồng. Trong đó, tại ACV chiếm hơn 5,5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Tại kết luận cũng nêu rõ, chi phí khấu hao tăng không đúng dẫn đến xác định thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 là hơn 1,1 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) chi phí khấu hao hơn 574,5 triệu đồng. Nguyên nhân do Công ty áp dụng khung khấu hao chưa đúng quy định đối với tài sản “Mái hiên mở rộng nhà ga hàng hóa” dẫn đến việc hạch toán tăng không đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 178 triệu đồng và chi phí đầu tư, nâng cấp sửa chữa tài sản lớn cố định đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá nhưng Công ty lại hạch toán tăng chi phí số tiền hơn 445,7 triệu đồng, dẫn đến tăng không đúng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh số tiền hơn 396,4 triệu đồng.
Theo đó, ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 321 tỷ đồng, trong đó, chênh lệch thu chi hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) là hơn 24 tỷ đồng.
Trốn nghĩa vụ ngân sách nhà nước (NSNN) để trục lợi?
Theo Quyết định số 2499/QĐ-BGTVT và Quyết định số 2863/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do ACV làm chủ đầu tư, từ các nguồn vốn: Vốn từ nguồn ngân sách nhà nước dùng để thực hiện công tác đền bù; vốn từ phía ACV và ODA dùng để đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2.
Mặc dù tại thời điểm thanh tra, dự án đã được đưa vào sử dụng thế nhưng phía ACV chưa nộp vào Ngân sách nhà nước chi phí đền bù GPMB số tiền hơn 291 tỷ đồng. Phải chăng ACV đã dùng số tiền phải thực hiện nghĩa vụ với NSNN vào mục đích khách nhằm sinh lời, để bỏ túi, chia chác?
Đây mới chỉ là một số những sai phạm của ACV được nêu ra tại kết luận thanh tra của Bộ Tài chính. Nhưng điều mà dư luận quan tâm là những sai phạm đó đã “phình” như thế nào? Liệu sự việc có được làm rõ hay những bản kết luận thanh tra chỉ làm nền cho những sai phạm tồn tại? Và tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra sai phạm?
Phạm Sỹ