Nội dung không phù hợp
Như Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đề cập về những sai sót về từ ngữ và nội dung SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) sau chỉnh lý và tái bản, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Trước hết, về chủ trương biên soạn chương trình SGK cần phù hợp với tất cả các vùng miền và càng phù hợp với nhiều vùng miền thì mức độ phổ biến càng cao.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích, việc sử dụng ngôn từ như: “ba” - “bố”, “mẹ” - “má”, “gà con” - “gà nhí”,… trong giảng dạy từ ngữ của các vùng miền là điều cần động viên, ủng hộ. Ví dụ, như trong một bài trước đó tác giả sử dụng từ “bố” nhưng trong bài này lại sử dụng từ “ba”, khi giảng dạy cô giáo ở miền Bắc có thể giải thích rằng các bạn ở miền Nam gọi “bố” là “ba” và ngược lại. Điều này khiến cho ranh giới vùng miền được xóa nhòa và học sinh có thể hiểu được sự đa đạng về ngôn ngữ Tiếng Việt.
Nội dung, từ ngữ sử dụng trong SGK bị phản ánh không phù hợp, thống nhất.
"Tôi cũng hy vọng các bậc phụ huynh nên tiếp nhận và ủng hộ sự khác biệt về từ ngữ vì đây là một sự đổi mới theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1 thì chỉ nên để số lượng từ khác biệt như vậy ở một mức độ vừa phải, nếu không sẽ khiến cho các bé bị loạn ngôn ngữ…", Tiến sĩ Hương nhấn mạnh.
Còn nội dung phỏng theo các câu truyện ngụ ngôn trong SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) chỉnh lý và tái bản năm 2021, bà Hương cho rằng: "Đúng là những câu truyện trong SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1) rất có vấn đề… Ở độ tuổi từ 0 - 6 tuổi, trẻ chưa có khả năng logic, không thể tổng hợp thông tin và cũng không thể hiểu được ẩn ý của câu chuyện; thậm chí, từ 7 - 11 tuổi trẻ mới phát triển khả năng tư duy logic.
Chính vì vậy, việc đưa những câu chuyện không rõ ràng và sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa,… vào chương trình học của các bé lớp 1 là không phù hợp và điều đó cũng cho thấy tác giả của bộ sách này không hề hiểu trẻ em".
Bài đọc "Phố Lò Rèn" và "Nụ hôn của mẹ dễ gây hiểu nhầm với trẻ lớp 1.
Chuyên gia đánh giá, đối với SGK Tiếng Việt cho trẻ lớp 1, tác giả không nên sử dụng quá nhiều câu truyện ngụ ngôn. Bởi lẽ, truyện ngụ ngôn bao giờ cũng cần tư duy logic, những bài học, những điều muốn giáo dục trẻ là những ẩn ý đằng sau câu chữ. Ví dụ, đối với trẻ lớp 1 “bầu trời xanh” chỉ đơn giản có nghĩa là “bầu trời xanh”, nhưng ẩn ý đằng sau trong những câu truyện ngụ ngôn có thể là “tuổi trẻ”, “khát vọng”… Chính vì vậy, tác giả nên lựa chọn những câu truyện gần gũi, quen thuộc với trẻ, thể hiện đúng ý nghĩa chân thực nhất. Có thể là câu truyện các con giúp đỡ mẹ, một người giúp mẹ nhưng người còn lại thì không, câu truyện có ý nghĩa phê phán những đứa trẻ lười biếng, không ngoan…
Ngoài về từ ngữ, nội dung câu truyện còn chưa phù hợp với trẻ thì cuốn sách giáo khoa này còn sử dụng rất ít thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao, truyện cổ tích Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm
Trước thông tin SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1 (Tập 1), tái bản lần thứ nhất có chỉnh lí năm 2021 đã được chỉnh sửa nhưng vẫn còn nhiều nội dung sai sót, PGS. TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thiếu sót trong công tác quản lý ngành, và phải chịu trách nhiệm đến cùng về sai sót của cuốn SGK này trước Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân. Dù cho vấn đề đặt ra là tiếp tục sửa chữa một lần nữa hay thu hồi lại thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải đảm bảo chất lượng cuối cùng và phải đưa ra đưa ra được những phương án khắc phục hậu quả để đảm bảo được chất lượng giáo dục; không thể để tình trạng SGK cho học sinh Tiểu học nhất là sách cho học sinh lớp 1 bị sửa đi sửa lại một cách bừa bãi, sửa xong mà vẫn còn nhiều lỗi sai.
Chuột trượt ván... trên bờ biển và nội dung, hình minh họa bài đọc "Chó xù" trong SGK Tiếng Việt lớp 1 sau chỉnh lý.
"Do đó, để không còn những sai sót trầm trọng xảy ra trong tương lai, cần phải xử lý nghiêm minh từng cá nhân cụ thể chứ không phải xử lý, quy trách nhiệm một cách chung chung như hiện tại. Các thành viên trong ban soạn thảo cần nghiêm túc xem xét lại, làm thế nào cho chuẩn và phù hợp với học sinh Tiểu học nhất”, PGS. TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Đức Tiến, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: SGK là một tài liệu học tập quan trọng đối với các cấp học từ Tiểu học đến THPT, việc biên soạn sách có nội dung không chính xác sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một vài hay một nhóm cá nhân mà ảnh hưởng đến cộng đồng học sinh các cấp ở cấp độ vĩ mô (quốc gia).
Nội dung bài đọc trong SGK Tiếng Việt lớp 1.
Đặc biệt, đối tượng trong trường hợp cụ thể này là học sinh lớp 1, thì việc sai sót và có "nhiều sạn" như vậy là không thể chấp nhận được. Bởi vì, nhóm học sinh Tiểu học nói chung và các em lớp 1 nói riêng chưa đủ khả năng tư duy, phân tích, nhận biết đúng sai như người lớn. Theo thói quen của các em, cái gì cô giáo dạy, sách viết như vậy là đúng, không bàn cãi. Điều này sẽ gây khó khăn, lúng túng cho ko chỉ giáo viên dạy học ở trường, mà cả phụ huynh trong việc hướng dẫn con em mình học tập ở nhà.
"Trong những sai sót liên quan đến sách hiện nay, thì hầu hết các cuốn sách đều có lỗi ở các dạng khác nhau, như: Lỗi kỹ thuật, lỗi đánh máy, lỗi ngữ pháp trong câu và nặng hơn là lỗi sai về kiến thức hoặc nhầm lẫn về đối tượng (ảnh một đằng, nhưng chú thích lại một nẻo)... Tuy nhiên, những sách tôi đang đề cập ở trên là sách chuyên khảo, giáo trình cho sinh viên đại học,... sách dùng cho đối tượng đã có đầy đủ năng lực nhận thức, tư duy và tầm chuyên môn nhất định, để có thể nhận biết những lỗi "ngớ ngẩn" có tính kỹ thuật như vậy. Nhưng đối với một cuốn SGK dành cho học sinh nói chung và đặc biệt là học sinh lớp 1 thì không được phép có sai sót (kể cả nội dung lẫn kỹ thuật) trước khi xuất bản và áp dụng vào đào tạo. Nếu vội vàng đưa sách có sai sót vào giảng dạy và học tập là chúng ta có lỗi, có tội với các em học sinh", Tiến sĩ Tiến nêu quan điểm.
Gà trống và mèo được mô tả trong bài đọc.
Dưới góc độ phụ huynh, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nội dung SGK phải cung cấp kiến thức nền tảng, chuẩn mực, logic và có tính hệ thống, từ cơ bản đến nâng cao. Thông qua SGK, giáo viên sẽ truyền tải, giảng dạy, giúp học trò tiếp cận, hiểu và vận dụng tốt kiến thức vào đời sống. Nếu tri thức và giá trị trong SGK không chuẩn mực, có nội dung sai lệch, thì hậu quả không chỉ đối với người học mà còn đối với cả xã hội. Vì vậy, SGK phải đảm bảo tính đúng đắn đầu tiên, không được sai, sau đó phải đảm bảo tính khoa học, dân tộc và nhân văn.
Đồng thời, Luật sư Cường nhận định, trong các cấp học thì cấp Tiểu học mà cụ thể là lớp 1 là rất quan trọng, đây là cấp học đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên nền móng kiến thức cho các em, trong đó sách Tiếng Việt là quan trọng nhất, là tinh hoa ngôn ngữ của dân tộc. Chính vì vậy mà ngôn ngữ trong sách Tiếng Việt lớp 1 phải chuẩn mực, không được thô tục, phản giáo dục… Một cuốn sách mà lại nhận được nhiều ý kiến tiêu cực, phản hồi không tốt từ bậc phụ huynh, từ dư luận xã hội thì cần phải xem xét lại.
Nhóm PV
SGK Cánh Diều Tiếng Việt lớp 1: Vô số sai sót sau chỉnh lý và tái bản