/ Luật sư - Bạn đọc
/ 'Siêu trộm nhí' 12 tuổi đột nhập nhà dân lấy hơn 200 triệu đồng liệu có thể bị xử lý hình sự?

'Siêu trộm nhí' 12 tuổi đột nhập nhà dân lấy hơn 200 triệu đồng liệu có thể bị xử lý hình sự?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ xem xét cháu bé này đã thuộc trường hợp thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự hay chưa để áp dụng biện pháp hành chính theo quy định pháp luật.

L.T.T. cùng tang vật bị bắt.

Ngày 23/5, Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP. Rạch Giá và Công an phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với L.T.T. (sinh ngày 17/2/2009), tạm trú phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá về hành vi trộm cắp tài sản.

Tại cơ quan công an, T. khai nhận, do cần tiền chơi game và tiêu xài nên vào trưa ngày 21/5, T. đã đột nhập vào nhà của một người dân ở khu phố 5, phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) lấy trộm nhiều dây chuyền vàng, đôi bông tai, nhẫn, vàng miếng (loại 24K và Bạch kim), khoảng 10 triệu đồng tiền mặt, 1.000 đô la Mỹ, 500 đô la tiền Úc (ước tính tổng giá trị tài sản khoảng hơn 200 triệu đồng). T. mang theo khối tài sản nhanh chân tẩu thoát ra ngoài rồi đi xe ôm về nhà trọ cất giấu vàng.

Sau đó, T. lấy tiền, một ít vàng và đôla trong số tài sản vừa trộm được đem đến thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất bán cho một người đàn ông được 16,2 triệu đồng. T. mang tiền đi đánh bạc và thua hết. Đến rạng sáng 22/5, T. đang trên đường về nhà trọ thì bị trinh sát bắt giữ.

T. còn thừa nhận đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản từ năm 8 tuổi. Cho đến nay "siêu trộm nhí" này đã đột nhập vào hàng chục nhà dân, lấy trộm nhiều tài sản có giá trị đem bán lấy tiền đánh bạc, chơi game.

Hiện Công an thành phố Rạch Giá đã thu hồi số vàng mà T. đã lấy trộm để trao trả lại cho bị hại.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, là hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản lại chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (chưa đủ 14 tuổi) nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của đối tượng này có sự giúp sức, xúi giục của người lớn hay không để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người nào đủ năng lực để chịu trách hình sự (đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi dân sự) mà lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ không xử lý hình sự mà xử lý bằng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng.

Luật sư Cường phân tích rõ, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ không được xác định là tội phạm. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Như vậy, với thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì đối tượng trộm cắp số lượng lớn vàng trị giá đến 200.000.000 đồng này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trộm cắp tài sản". Tuy nhiên, sẽ có thể áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng để tập trung cải tạo, giáo dục đứa trẻ này.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của đối tượng này có sự tiếp tay, giúp sức, xúi giục hoặc chỉ đạo của người lớn hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bố, mẹ, anh hoặc người khác từ đủ 14 tuổi mà giúp sức, xúi giục hoặc chủ mưu trong vụ trộm này thì sẽ xử lý người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra sẽ trả lại tài sản cho gia đình của nạn nhân, đồng thời sẽ làm rõ ngoài cháu bé thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì có ai xúi giục, giúp sức hay không? Có ai vi phạm pháp luật về hành vi tiêu thụ hoặc chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có hay không? Nếu có hành vi đồng phạm về tội "Trộm cắp tài sản" hoặc hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì người nào vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.

Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, các đối tượng bị đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm:

- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Theo quy định trên, trẻ vị thành niên từ 12 tới dưới 18 tuổi có hành vi vi phạm pháp luật cần được giáo dục đặc biệt khi chưa cần thiết áp dụng hình phạt sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng.

Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều 92 trên của Luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ xem xét cháu bé này đã thuộc trường hợp thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự hay chưa để áp dụng biện pháp hành chính theo Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu trên.

Có thể thấy, T. có nhiều hành vi vi phạm pháp luật đến mức nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên do T. này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời môi trường gia đình rất phức tạp, sẽ không tốt cho sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ. Bởi vậy, thủ tục đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp có thể được áp dụng trong tình huống này để đảm bảo đứa trẻ có môi trường giáo dục tốt hơn, có cơ hội phát triển và hình thành nhân cách để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

PHƯƠNG HOA

Bất cập trong vấn đề giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh và đề xuất hoàn thiện

Lê Minh Hoàng