/ Thư viện pháp luật
/ Sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ảnh minh họa. 

Bộ Tài chính cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW); Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế xã hội, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó tại khoản 1 Điều 3 đã quy định: “Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”. Theo đó, khi phê duyệt phương án tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, các đơn vị SNCL sẽ chưa thực hiện ngay việc chi trả thu nhập cho người lao động theo cơ chế tiền lương mới quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của các đơn vị SNCL, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm mục tiêu đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không đảm bảo được tính đầy đủ, khách quan, từ đó, ảnh hưởng đến việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về các khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép các đơn vị SNCL được tiếp tục thực hiện phương án tự chủ đã được duyệt đến hết năm 2022.

Mới đây, nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL. Mục đích dự thảo Nghị định được xây dựng và ban hành nhằm mục đích cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định được ban hành sẽ khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thời gian qua; tạo tiền đề thúc đẩy quá trình đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị SNCL, qua đó nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết thêm, việc xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hoạt động của các đơn vị SNCL trong các lĩnh vực khác nhau. Dự thảo cũng sẽ kế thừa các nội dung quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP còn phù hợp; đồng thời khắc phục tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

PV

Cảnh giác với hành vi giả danh Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nguyễn Mỹ Linh