/ Tích hợp văn bản mới
/ Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo

20/04/2021 08:56 |

(LSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Nghị định này gồm 05 chương 74 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021.

Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo ở Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này...

 Điều 66 Nghị định này quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân. Theo đó, chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 500.000 đồng.

Trạm trưởng, đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng thuộc Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng phòng, Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy; Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng An ninh kinh tế; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 10.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 20.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, đ và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 25.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ; Cục trưởng Cục An ninh kinh tế; Cục trưởng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 100.000.000 đồng trong lĩnh vực quảng cáo;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng, cụ thể:

1. Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

b) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này.

MINH HIỀN

Xóa án tích và việc cần làm để gỡ khó cho người dân

Lê Minh Hoàng