Thanh Hóa: Vụ án kéo dài gần 05 năm chưa có hồi kết do sử dụng tài liệu chứng thực trái quy định pháp luật làm chứng cứ buộc tội

28/05/2023 23:27 | 11 tháng trước

(LSVN) - Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại phường Đông Sơn từ năm 2015.

Trong các ngày 04 và 05/5/2023, TAND thị xã Bỉm Sơn đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa từ năm 2015.

Quang cảnh phiên tòa.

Tháng 12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thị xã Bỉm Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo nguồn tin báo tố giác tội phạm.

04 bị can gồm: Vũ Đức Cường, nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn; Dương Thị Hà, nguyên Công chức địa chính; Vũ Mạnh Quyến, nguyên Phó Bí thư Chi bộ khu phố Đông Thôn và Nguyễn Văn Kỳ, lao động tự do.

Đây là phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 bởi trước đó Bản án sơ thẩm lần 1 đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa và TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy vì việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ dẫn đến việc đánh giá chứng cứ không khách quan. Sau hơn một năm điều tra lại, Cơ quan điều tra Công an thị xã Bỉm Sơn vẫn kết luận các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn đề nghị truy tố về tội danh trên. Hội đồng xét xử TAND thị xã Bỉm Sơn sau 02 ngày xét xử đã nghị án kéo dài 05 ngày và tiếp tục tuyên các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, xử phạt Vũ Đức Cường 05 năm 09 tháng tù; Dương Thị Hà 05 năm 06 tháng tù; còn Vũ Mạnh Quyến 30 tháng tù và Nguyễn Văn Kỳ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Những người có quyền lợi, trách nhiệm tham gia tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, các bị cáo Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà yêu cầu thay đổi Kiểm Sát viên Trần Thị Hương Thảo vì cho rằng, bà Thảo đã tham gia giữ quyền công tố trong phiên tòa sơ thẩm lần đầu và đã bị Toà án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm hủy án nên việc bà Thảo tham gia phiên tòa lần này sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Cường cũng yêu cầu Tòa án triệu tập ông Khiếu Quang Cảnh và ông Hà Kim Cương là những người có đơn tố giác tội phạm nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn thể hiện: Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công văn chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Long Sơn.

Tháng 11/2014, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn ban hành quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm có 15 thành viên, sau đó được kiện toàn thành 18 thành viên do Vũ Đức Cường, nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Sơn là tổ trưởng; Trịnh Xuân Toán, Phó Ban quản lý dự án thị xã Bỉm Sơn là tổ phó; Dương Thị Hà cán bộ địa chính phường Đông Sơn là tổ viên. Trong quá trình thực hiện GPMB, tại xứ đồng đất Lốc ông Quang có hơn 35.000m2 đất đã san phẳng để trồng mía nên chưa xác định được chủ sử dụng đất cũng như diện tích cụ thể của từng hộ. Khi lập hồ sơ bồi thường, bị cáo Cường và Hà phát hiện tổng diện tích các hộ được bồi thường còn thiếu hơn 4.500m2 so với diện tích đất mà Công ty Long Sơn đã lấy và chi trả tiền. Hai bị cáo đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bồi thường còn thừa nên đã lập hồ sơ khống cho 04 hộ dân để “khớp” số liệu. Trong đó, hộ Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Thị Quế đã lập thành công với diện tích gần 4.300m2, tương ứng hơn 605.007.000 đồng. Quyến và Kỳ đã trực tiếp nhận hơn 370.000.000 đồng rồi sau đó chuyển lại toàn bộ cho bị cáo Hà. Còn hộ bà Quế không tới nhận tiền nên bị cáo Hà là người đã ký nhận hơn 220.000.000 đồng.

Sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn (VKSND) công bố Cáo trạng, Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà đều không đồng tình với nội dung bản Cáo trạng của VKSND thị xã Bỉm Sơn bởi mang nặng tính suy diễn chủ quan, quy chụp. Bị cáo Cường khẳng định trong thời gian làm Chủ tịch UBND phường Đông Sơn không hề xét duyệt nguồn gốc đất cho 03 hộ Quyến, Kỳ, Quế thuộc đối tượng được bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Cường chỉ ký vào danh sách 35 hộ và 12 hộ ngày 20/3/2015 trong đó không có tên 3 hộ này và đây chính là bản chính có dấu đỏ làm căn cứ để Ban quản lý dự án áp giá bồi thường. Còn biên bản xét duyệt nguồn gốc sử dụng đất ngày 19/5/2015, danh sách niêm yết và biên bản kết thúc niêm yết ngày 06/4/2015 của 49 hộ, cá nhân có diện tích đất canh tác tại xứ đồng Đất Lốc Ông Quang (trong đó có 03 hộ dân Quyến, Kỳ, Quế) có dấu hiệu giả mạo để buộc tội Cường. Tất cả những tài liệu này đều phải được in và ký thành 4 bản chính có dấu đỏ của UBND phường Đông Sơn gửi tới Ban quản lý dự án, Công ty Long Sơn và lưu tại UBND phường, còn một bản chuyển cho ông Trường trưởng thôn để niêm yết công khai tại nhà văn hóa nhưng Cơ quan điều tra không thu thập được bất cứ bản chính nào mà chỉ thu được bản phô tô nên Cường đề nghị trả hồ sơ để điều tra thu thập bản gốc của những tài liệu này theo đúng yêu cầu của bản án phúc thẩm.

Sau khi nghe các bị cáo trình bày ý kiến, Giám định viên tư pháp, Sở Tài chính Thanh Hóa ông Đào Xuân Cường đã phát biểu cho rằng: “Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát dùng Kết luận giám định số 15/KLGĐTP-TCKT ngày 15/08/2019 để xác định Công ty Long Sơn là bị hại là không có căn cứ vì bản án sơ thẩm năm 2020 và bản án phúc thẩm năm 2021 đã bị hủy và đã có kết luận giám định nguồn gốc đất của Sở TN-MT ngày 05/10/2022 nhưng Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định lại”.

Từ đó, ông Đào Xuân Cường đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định lại để xác định tư cách bị hại. Ông Cường còn  khẳng định tại phiên tòa rằng, ngay buổi chiều sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở Tài chính có văn bản đề nghị thu hồi Kết luận giám định số 15/KLGĐTP-TCKT ngày 15/08/2019 để thực hiện giám định lại, nhưng Hội đồng xét xử cũng bỏ qua nên vị đại diện Giám định viên Sở Tài chính đã không tham gia phiên tòa.

Các Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án nêu quan điểm

Nguyên chủ tịch UBND phường Đông Sơn liên tục kêu oan tại tòa.

Luật sư Trần Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Quốc Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo Cường tại phiên tòa cho rằng, đây là vụ án rất phức tạp kéo dài hơn 05 năm và đã bị Tòa án cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm hủy vì đánh giá chứng cứ không khách quan.

Tại phiên tòa thì những người cần triệu tập để thẩm tra làm rõ những tình tiết của vụ án thì đều vắng mặt. “Đặc biệt khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi được biết vụ án được khởi tố theo nguồn tin tố giác tội phạm của ông Khiếu Quang Cảnh. Trong đơn tố giác tội phạm, ông Cảnh đã tố cáo nhiều cá nhân trong đó có Vũ Đức Cường, Dương Thị Hà. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra lại chỉ khởi tố đối với Cường và Hà, còn các cá nhân khác không thấy nói đến. Trong đơn tố cáo và lời khai của ông Cảnh tại Cơ quan điều tra rất mâu thuẫn. Lúc đầu ông Cảnh cam kết hiện đang nắm giữ nhiều thông tin tài liệu liên quan đến nội dung tố giác tội phạm, nhưng sau đó ông Cảnh lại đổ hết cho ông Hà Kim Cương là người đã soạn đơn tố cáo và nhờ ông Cảnh ký đơn chứ ông Cảnh không hề biết gì về nội dung tố giác, tất cả là do ông Cương soạn và bảo ký. Khi Cơ quan điều tra lấy lời khai của ông Cảnh và ông Cương thì cả 02 người đều không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì về các nội dung tố giác tội phạm. Chúng tôi được Vũ Đức Cường cung cấp một file ghi âm cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông, Cường khẳng định trong đó có một người là Khiếu Quang Cảnh (Biệt danh là Cảnh kiện). Nội dung cuộc nói chuyện thể hiện người đàn ông tên Cảnh có quan hệ mật thiết với ông Hà Kim Cương và cho mình là người làm mâu thuẫn xã hội, can thiệp chỗ nào là chỗ ấy chết. Chuẩn bị bầu cử đánh những thằng nào, cho thằng nào ngồi ghế nào, ra sao là do mình…”, Luật sư cho rằng có mối liên hệ với việc ngụy tạo chứng cứ nhằm hạ bệ Cường nhưng rất tiếc Tòa án không triệu tập ông Khiếu Quang Cảnh và ông Hà Kim Cương đến Tòa.

Luật sư cho rằng, điểm mấu chốt của vụ án này là các tài liệu chứng cứ buộc tội, như: Biên bản xét duyệt nguồn gốc đất, Danh sách niêm yết công khai ngày 19/3/2015 (trong đó có 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế) và Biên bản kết thúc niêm yết công khai ngày 6/4/2015, đều là bản photocopy, không tìm được bản chính. Cơ quan điều tra chỉ thu thập tại nhà riêng của bị cáo Dương Thị Hà những tài liệu này nhưng là phô tô do ông Trần Văn Hán Chủ tịch UBND phường Đông Sơn ký Sao y bản chính (số chứng thực: 842 ngày 23/8/2016). Tuy nhiên, việc chứng thực của ông Hán có sai phạm bởi ngày 23/08/2016, ông Hán không hề chứng thực các văn bản nêu trên và trong sổ chứng thực tại phường Đông Sơn thể hiện số chứng thực 842 được xác định vào ngày 22/8/2016, ông Hán chứng thực cho bà Mai Thị Huệ bằng tốt nghiệp, CMND, Hộ khẩu, Khai sinh.

Sau khi bị trả lại điều tra thì Cơ quan điều tra còn thu được thêm các tài liệu trên được phô tô chứng thực bởi Phòng Tư pháp UBND thị xã Bỉm Sơn. Tuy nhiên, những tài liệu này không hề ghi số chứng thực và ngày, tháng năm chứng thực. Đặc biệt là không hề ghi thông tin trong sổ chứng thực và hồ sơ lưu trữ của Phòng Tư pháp UBND thị xã Bỉm Sơn từ năm 2015 đến nay. Điều đó khẳng định, các tài liệu trên không có giá trị bởi nó vi phạm nghiêm trọng Điều 20, Nghị định 23/2015/ND-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định về quy trình chứng thực, bởi theo quy định trên, cơ quan tổ chức khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, bắt buộc phải chụp lại bản chính sau đó thực hiện đối chiếu bản sao với bản chính, nếu thấy phù hợp thì phải ghi thông tin chứng thực vào sổ chứng thực.

Theo Luật sư, đây là những tài liệu cực kỳ quan trọng được Cơ quan tố tụng sử dụng làm căn cứ buộc tội Vũ Đức Cường nhưng lại không đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ quy định tại Điều 86 và khoản 1, Điều 108, Bộ luật Tố tụng hình sự, nên cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Tuy nhiên, sau hơn một năm điều tra lại, Cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn vẫn sử dụng các tài liệu này để buộc tội Cường. Luật sư cho rằng, bản danh sách 49 hộ, cá nhân được chi trả tiền GPMB đều được các bị cáo và những người liên quan khẳng định được lập thành 04 bản chính có dấu đỏ, trong đó: “01 bản gốc được lưu tại UBND phường Đông Sơn, 01 bản được gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn, 01 bản photo đóng dấu đỏ giao cho ông Trịnh Xuân Trường xóm trưởng công khai tại nhà văn hóa, và 01 bản đóng dấu đỏ được dán công khai niêm yết tại UBND phường Đông Sơn”. Vậy, tại sao lại không thu thập được bất kỳ một bản chính nào nên cần phải làm rõ nguyên nhân thất lạc.

Từ những quan điểm tranh luận tại phiên tòa, Luật sư Hùng khẳng định tất cả các bản sao biên bản xét duyệt, danh sách niêm yết công khai ngày 19/3/2015 và biên bản kết thúc niêm yết đối với 49 hộ dân do ông Trần Văn Hán, ông Đỗ Đức Thẩm và ông Phan Tuấn Anh ký chứng thực được Cơ quan điều tra thu thập được đều không có giá trị pháp lý nên không thể sử dụng những tài liệu này làm căn cứ để buộc tội Vũ Đức Cường. Việc Cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn vẫn tiếp tục sai lầm khi sử dụng những tài liệu không có giá trị pháp lý làm chứng cứ buộc tội là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định sự thật vụ án quy định tại Điều 15, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Ninh Hoàng Gia, Luật sư bào chữa cho Vũ Đức Cường, nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Sơn đưa ra các luận điểm, đề nghị như sau:

Thứ nhất, Cơ quan CSĐT thị xã Bỉm Sơn và Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bỉm Sơn tư duy sai quan hệ pháp lý dự án đây không phải dự án bồi thường mà là dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giữa các chủ thể có đủ năng lực hành vi dân sự và phải tự chịu trách nhiệm về việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch dân sự. Theo đó, các hộ dân có đất sẽ tự trao đổi, thỏa thuận về giá và ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Công ty Long Sơn. Cùng với đó đơn xin xác nhận nguồn gốc đất và danh sách đền bù ngày 15/7/2015 của 03 hộ dân không có chữ ký của ông Cường Chủ tịch UBND phường Đông Sơn thời điểm đó nên không thể buộc tội ông Cường.

Thứ hai, đến thời điểm hiện tại không có cơ quan có thẩm quyền kết luận được vị trí các thửa đất bị kê khai khống đó là của ai, loại đất gì, diện tích cụ thể… thì không thể xác định ai là người bị hại trong vụ án.

Thứ ba, chưa có cơ sở pháp lý xác định đây là đất dôi dư của UBND phường Đông Sơn. Tại kết luận ngày 05/10/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có nêu để xác định nguồn gốc đất phải dựa vào bản đồ số 299 để xác định vị trí tọa độ thửa đất. Cơ quan tố tụng vội quy kết “đất dôi dư” là vi phạm nghiêm trọng quyền thu thập đánh giá chứng cứ.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh khẳng định, vấn đề buộc tội đối với bị cáo Cường trong vụ án toàn bộ bản luận tội và cáo trạng của VKSND thị xã Bỉm Sơn là sự suy diễn hoàn toàn dựa trên lời khai mâu thuẫn của: Quyến, Kỳ, Quế.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh có sự bàn bạc, ăn chia của các bị cáo trong vụ án để làm rõ vai trò của từng bị cáo. Luật sư Ninh cũng cho rằng không thể dùng những lời khai gián tiếp của bên thứ ba để buộc tội, đây có thể là các bị cáo vu khống cho ông Cường. Vì ngoài các lời khai của 03 bị cáo trên không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh, ông Cường chỉ đạo bà Hà lập khống hồ sơ để nhận tiền đền bù từ Công ty Long Sơn.

Trụ sở TAND Thị xã Bỉm Sơn nơi diễn ra phiên tòa.

Luật sư cho rằng, Nhà máy xi măng Long Sơn là dự án tư nhân nên Công ty Long Sơn phải tự thỏa thuận với các hộ dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ban quản lý dự án thị xã Bỉm Sơn và UBND phường Đông Sơn chỉ hỗ trợ Công ty Long Sơn thực hiện dự án chứ không có chức năng GPMB. Hơn nữa, trong vụ án này không xác định được bị hại nên các bị cáo không phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài 05 ngày. Các bị cáo và dư luận mong chờ tòa án sẽ có phán quyết công bằng, phản ánh đúng diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND Thị xã Bỉm Sơn tuyên, một lần nữa khiến các bị cáo, những người tham dự phiên tòa và các Luật sư thất vọng. Được biết, sau khi bản án được tuyên thì các bị cáo đều có đơn kháng cáo tiếp tục kêu oan lên các cấp có thẩm quyền…

Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

THẾ TOÀN

Vụ án “Cố ý gây thương tích” tại Thanh Hóa: Bị cáo kiến nghị làm rõ một số nội dung trước phiên xét xử phúc thẩm lại

Từ khoá : lsvn.vn LSVN Thanh Hóa