Thế giới lần đầu ghi nhận hơn 100.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày, Úc phát hiện thuốc điều trị tiềm năng

05/04/2020 08:14 | 4 năm trước

(LSO) – Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1.217.000 người mắc bệnh và hơn 65.800 người tử vong.

Cho đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Internet

Đầu tiên là tín hiệu vui khi tại Úc, các thành quả chế tạo thuốc điều trị Covid-19 đang gặt hái được những thành công nhất định. Theo thông tin được biết, nhóm chuyên gia tại Đại học Monash, Úc phát hiện thuốc chống ký sinh trùng Ivermectin có thể ức chế sự nhân lên của nCoV trong phòng thí nghiệm.

Ivermectin là thuốc đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả trong việc điều trị nhiều bệnh khác. Ivermectin được sử dụng rộng rãi từ những năm 1980 nhằm điều trị chấy, ghẻ và một số bệnh khác do ký sinh trùng gây ra. Các bác sĩ cũng dùng loại thuốc này để chữa rosacea, căn bệnh khiến da mặt ửng đỏ.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới thực hiện trên các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, nghĩa là chưa chắc chắn hiệu quả với người nhiễm bệnh Covid-19. Một số nghiên cứu trong môi trường ống nghiệm trước đó cũng cho thấy Ivermectin hiệu quả với nhiều loại virus khác. Các nhà khoa học cần tìm hiểu thêm để xác định xem loại thuốc này có an toàn để điều trị Covid-19 hay không.

Trong khi đó, trong một diễn biến xấu, thế giới vừa trải qua ngày đầu tiên có hơn 100.000 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong một ngày.

Tại Đức, số ca tử vong do Covid-19 đã tăng lên thành 1.446, cơ quan kiểm soát dịch bệnh Robert Koch của nước này ngày 5/4 cho biết, nước này ghi nhận số ca mắc bệnh Covid-19 đã tăng nhanh với tốc độ chóng mặt, 96.108 ca. hiện nước này đang là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Tây Ban Nha và Italia.

Đối với Nga, dịch Covid-19 hiện tại đang là vấn đề đau đầu với chính quyền nước này, Thủ đô Moskva tiếp tục là địa phương đứng đầu toàn quốc về số ca nhiễm bệnh mới với 536 trường hợp, nâng tổng số trường hợp lên tới 3.548 trường hợp mắc bệnh Covid-19, trong đó đã có 30 ca tử vong.

Tại Anh, nhiều khả năng còn phải đợi từ 7 đến 10 ngày nữa trước khi biểu đồ dịch đi ngang và bắt đầu đi xuống, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu và là cố vấn cho chính phủ của ông Boris Johnson cho biết.

Ông Neil Ferguson, người đã vạch ra biểu đồ dịch bệnh giúp chính phủ Anh đưa ra các biện pháp ứng phó, nói với đài BBC rằng đường đi của biểu đồ sẽ rất quan trọng, và không rõ liệu nước Anh sẽ chứng kiến “một đường nằm ngang kéo dài, hay một đường đi xuống nhanh chóng như chúng ta hi vọng”.

“Chúng ta có một số dấu hiệu cho thấy nó hiện đang chậm lại”, ông Ferguson nói thêm, chỉ ra rằng nước Anh đã có ngày đầu tiên khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện giảm so với ngày trước đó.

Anh hiện đã chứng kiến hơn 4.000 ca tử vong do Covid-19 và biểu đồ dịch ở nước này đang đi theo một đường hướng gần giống với các nước như Tây Ban Nha và Italia, những nơi đang có số tử vong vượt quá 10.000 người.

Trong khi đó tại Tây Ban Nha, những tín hiệu tích cực đang rộ lên rõ rệt, nước này hiện nay ghi nhận 12.418 ca tử vong từ đầu đại dịch, cao thứ 2 thế giới chỉ sau Italia. Tới thời điểm hiện tại, số người tử vong vì Covid-19 tại đây đã giảm tới ngày thứ ba liên tiếp.

Theo số liệu từ Bộ Y tế nước này, hiện đang có 80.261 ca nhiễm vẫn đang được điều trị, tăng 1.488 ca so với ngày 4/4, cũng là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 17/3.

Các số liệu trên cho thấy nhiều khả năng Tây Ban Nha đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm nhất của dịch bệnh.

Tại Trung Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 5/4, Thanh tra Bộ Ngoại thương Trung Quốc Jiang Fan cho biết nước này sẽ không giới hạn số lượng trang thiết bị y tế gửi sang các nước đang chiến đấu chống lại đại dịch Covid-19.

Kể từ 1/3 đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu lượng trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá 1,4 tỉ USD (hơn 33.000 tỉ đồng), bao gồm 3,86 tỉ khẩu trang, 37 triệu bộ quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở, 2,8 triệu kit xét nghiệm, 8,4 triệu kính bảo hộ và 2,4 triệu nhiệt kế hồng ngoại – số liệu từ cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết.

Tại Ấn Độ, trong khu ổ chuột Dharavi ở thành phố Mumbai, khu ổ chuột lớn nhất châu Á, đã có thêm 2 người dương tính với Covid-19, đưa số người nhiễm ở đây lên thành 4 người. Khu ổ chuột này là nhà của khoảng 1 triệu người dân Ấn Độ, và có mật độ dân số cao gấp 30 lần thành phố New York – với khoảng 280.000 người/km2.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hôm 2/4 rằng chính phủ nước này đang cử 4.000 nhân viên y tế đến để xét nghiệm cho các người dân sống trong khu ổ chuột.

Hiện nay, Chính quyền nước này đã xác nhận có 2.032 ca nhiễm virus corona chủng mới tính đến 9h sáng ngày 5/4 (giờ địa phương) – Bộ Y tế nước này thông báo. Tổng cộng, nước này đã có 58 người chết do virus và 3 người đã bình phục, xuất viện.

Tại Mỹ, số người chết tại Mỹ vẫn “không phanh”, tính đến chiều ngày 5/4 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 311.637 ca nhiễm Covid-19, vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 8.454 người tử vong. Tại Bang New York vẫn là tâm dịch của nước Mỹ, với 114.174 ca nhiễm và 3.565 trường hợp tử vong.

Trước tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng số lượng trang thiết bị y tế thiết yếu như khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân và máy thở, Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để yêu cầu hãng sản xuất khẩu trang N95 lớn nhất thế giới 3M phải tăng cường sản lượng và giới hạn số lượng xuất khẩu sang nước ngoài.

Phản hồi trước yêu cầu này, 3M đã ra một tuyên bố cho biết hãng và các nhân viên đã và đang làm hết sức để sản xuất lượng khẩu trang N95 nhiều nhất có thể cho thị trường Mỹ, song khẳng định hãng này vẫn sẽ buộc phải tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài.

Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới tại Tokyo gia tăng kỷ lục, hơn 130 ca nhiễm Covid-19 mới đã được ghi nhận tại đây, theo đài NHK của nước này đưa tin hôm 5/4, trích lời các quan chức chính quyền địa phương.

Đây là mức tăng cao nhất trong số ca nhiễm trong một ngày ở thành phố này, đưa tổng số ca nhiễm ở thủ đô Nhật Bản lên trên 1.000 ca, NHK cho biết.

Chính quyền thành phố đã mạnh mẽ kêu gọi người dân ở nhà, khi thành phố 13 triệu dân này chứng kiến những mức tăng liên tục trong số ca nhiễm trong vài ngày qua, làm dấy lên lo ngại về một sự bùng phát ngoài tầm kiểm soát của dịch bệnh trong thành phố, như đã xảy ra ở nhiều siêu đô thị 'ổ dịch' khác trên thế giới.

Nhật Bản ghi nhận có 2.178 ca nhiễm, bao gồm 712 trường hợp liên quan đến du thuyền Diamond Princess. Ảnh: Internet

Hiện Nhật Bản ghi nhận có 2.178 ca nhiễm, bao gồm 712 trường hợp liên quan đến du thuyền Diamond Princess. Trong đó, 57 người đã tử vong, có 11 ca từ du thuyền, và hơn 200 người đã khỏi bệnh.

Lâm Hoàng

/nhat-ban-tang-cuong-san-xuat-thuoc-cho-ket-qua-hua-hen-trong-dieu-tri-benh-nhan-covid-19.html
Từ khoá : Covid-19