/ Tư vấn
/ Thế nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng?

Thế nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng?

10/08/2022 23:25 |

(LSVN) - Tội phạm là gì? Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa.

Tội phạm là gì, có mấy loại tội phạm?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo Điều 8, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý.

Tội phạm xâm phạm đến các quyền, chế độ sau đây mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự:

- Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc;

- Xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức;

- Xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

- Xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, Điều 9, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã phân tội phạm thành 04 loại:

- Tội phạm ít nghiêm trọng;

- Tội phạm nghiêm trọng;

- Tội phạm rất nghiêm trọng;

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là gì?

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là một trong 04 loại tội phạm đã được nêu trên và đây là loại tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội nhất.

Theo điểm d, khoản 1, Điều 9, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định như sau:

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, dấu hiệu để xác định thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gồm:

- Có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn;

- Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là từ trên 15 - 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ví dụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:

Một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng điển hình được quy định tại Bộ luật Hình sự gồm:

- Tội "Giết người" tại khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Theo đó, Tội "Giết người" thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức phạt cao nhất là tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Giết 02 người trở lên;

+ Giết người dưới 16 tuổi;

+ Giết người đang thi hành công vụ hặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;…

- Tội "Hiếp dâm" quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 141, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Theo đó, Tội "Hiếp dâm" thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

+ Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

- Tội "Tham ô tài sản" quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 353, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Tội "Tham ô tài sản" thuộc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với mức phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 01 tỉ đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 05 tỉ đồng trở lên.

TRẦN VŨ

Thế nào là phạm tội quả tang?

Lê Minh Hoàng