/ Hoạt động Luật sư
/ Thêm vòng quay cùng bánh xe tri thức

Thêm vòng quay cùng bánh xe tri thức

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Lần đầu tiên đến Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tôi thực sự ấn tượng với dòng chữ “Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức” được viết trên thành chiếc xe lưu động chứa đầy sách lăn bánh thường xuyên tới các vùng sâu, vùng xa của Thư viện. Cũng từ dòng chữ đặc biệt thu hút này, một chương trình hỏi đáp pháp luật cho người khuyết tật dưới dạng sách nói kỹ thuật số, sách in và sách chữ nổi của nhóm Luật sư chúng tôi ra đời…

Sự lan tỏa của những tấm lòng

Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh là một trong những thư viện công lớn nhất của thành phố, phục vụ nhu cầu đọc cho mọi tầng lớp người Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Năm 1999, được sự hỗ trợ của Quỹ FORCE (Hà Lan), Thư viện đã tổ chức một dịch vụ mới - “Thư viện cho người khiếm thị”, với mong muốn hỗ trợ tối đa thông tin cho người khiếm thị, bù đắp sự thiếu hụt trầm trọng về các loại tài liệu ở dạng thay thế. Vì nhu cầu cấp thiết này, Thư viện đã thành lập một bộ phận chuyên sản xuất các sản phẩm thông tin phục vụ người khiếm thị bao gồm sách nói kỹ thuật số, sách hình minh họa nổi, sách chữ nổi. Thư viện đến với bạn đọc qua các hình thức này và các chuyến đi lưu động về các trường phổ thông chuyên biệt; các mái ấm, nhà mở nuôi dạy trẻ em khuyết tật.

Tặng sách cho Thư viện.

Năm 2015, Dự án của FORCE của Hà Lan kết thúc. Vì hiệu quả của dự án, Chương trình “Bánh xe tri thức” vẫn tiếp tục lăn bánh cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các cộng tác viên. Thời gian trước giãn cách vì dịch bệnh, mỗi ngày đều có các tình nguyện viên đến đọc sách để ghi âm. Từ những tác phẩm văn học giảng dạy trong nhà trường, đến sách về tâm sinh lý của trẻ, sách tiếng Việt, tiếng Anh… sách dùng cho người Khơ me, Ê đê… đều được các tình nguyện viên nhận đọc… Tình nguyện viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau: họ là bác sĩ, giáo viên, cán bộ hải quan, nhà báo, cán bộ thuế và nhiều ngành nghề khác, miễn là có giọng đọc chuẩn. Đặc biệt còn có các vị khách người nước ngoài cùng tham gia. Điển hình như ông William Tucker (Mỹ) làm ở Thư viện Quốc hội Mỹ (đã nghỉ hưu) và ông Takashima Yuichi (Nhật Bản), Phó Tổng giám đốc Công ty Mitsuba cũng đến đọc... Hoạt động xã hội thiện nguyện này đã vượt qua khuôn khổ của một thư viện. Sức lan tỏa của nó ngày một rộng khắp…

Luật sư đọc sách tại phòng ghi âm của Thư viện.

Nhận thấy mảng sách pháp luật cho người khuyết tật còn thiếu, nhóm Luật sư chúng tôi thuộc Chi bộ 9, Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh bắt đầu tham gia bằng bộ tài liệu hỏi đáp pháp luật cho người khuyết tật bằng dạng thức sách nói kỹ thuật số, sách in và sách chữ nổi. Bộ tài liệu đầu tiên là “Hỏi - đáp pháp luật cho người khuyết tật”. Dựa trên Luật Người khuyết tật, các thông tư, nghị định, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động… chúng tôi soạn những câu hỏi - đáp sao cho thật ngắn gọn và dễ hiểu. Đặc biệt trong bộ tài liệu này còn có phần dành riêng cho người khiếm thị với những câu hỏi như: Người khiếm thị có quyền tự mình đi khởi kiện không; có được coi là đủ năng lực hành vi dân sự không; có quyền tự mình ra tòa để thực hiện quyền ly hôn không; có quyền làm chứng tại tòa không; người khiếm thị bị lạm dụng về lao động, thân thể thì cần phản ánh đến cơ quan nào…

Trong quá trình chúng tôi thực hiện ghi âm bộ tài liệu này, các nhân viên của Phòng Khiếm thị (cũng là người khiếm thị) đều nhận xét bộ tài liệu sẽ rất bổ ích đối với người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng.

Để những câu hỏi - đáp pháp luật sát với thực tế hơn, chúng tôi đã cùng Thư viện trực tiếp đến Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu; Cơ sở bảo trợ Bừng Sáng; Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng để tư vấn cho các em. Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em để chương trình sách nói của chúng tôi được thiết thực, hữu ích hơn.

Tư vấn tại Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Những hỏi - đáp ngoài sách vở

Tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, dành riêng cho trẻ em mù đa tật, từ bậc mẫu giáo đến cấp phổ thông trung học, các em đã đặt rất nhiều câu hỏi, thể hiện những bức xúc: vì sao trợ cấp của bạn nhiều hơn của em? Người khiếm thị có quyền đi lại tự do không? Người đi đường cố tình va vào mình thì họ có bị phạt không?... Các câu hỏi này đều được Luật sư Trần Bình Luận và Luật sư Cấn Đắc Vị trả lời ngắn gọn, dễ hiểu: Mức trợ cấp khác nhau là căn cứ vào mức độ khuyết tật; Người khuyết tật đều có quyền tự do đi lại trên mọi phương tiện xe, tàu, máy bay và luôn được nhân viên của các phương tiện đó hỗ trợ.

Nghe Luật sư trả lời, cả hội trường gần một trăm em ồ lên tỏ vẻ thích thú. Với các câu hỏi như: Khi đi học bị bạn ăn hiếp, thì phải làm thế nào? Các cô chú Luật sư có bảo vệ con không? Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào nhẹ nhàng hướng dẫn: Khi bị bạn ăn hiếp, các con góp ý với bạn trước, bạn không sửa thì mách cô giáo. Nếu bị người khác sàm sỡ, các con phải la to lên cho nhiều người biết. Khi mức độ bị xâm hại nghiêm trọng thì phải mạnh dạn nói với cha mẹ và thầy cô. Trường hợp có tranh chấp, tố cáo thì cha mẹ, thầy cô nên đưa các con đến các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước để được giúp đỡ. Các cô, chú Luật sư luôn sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ các con.

Các Luật sư sau buổi tư vấn.

Có lẽ điều lắng đọng nhất trong buổi tư vấn đối với các em là tâm sự, chia sẻ của Luật sư trẻ nhất đoàn, Bùi Minh Nghĩa: “Tại sao người khiếm thị ra đường phải dùng gậy? Đơn giản là người bị cận phải đeo kính, người khiếm thị phải dùng gậy để định hướng và là một tín hiệu để người khác giúp đỡ hoặc nhường đường. Ngày trước đi học, các bạn khác lớn hết rồi mà chú vẫn lẹt đẹt một mét rưỡi, chú bị bạn bè chê nhiều nhưng chú không buồn vì chú nghĩ mình là người tốt, mình có quyền tự hào về mình. Các con may mắn hơn nhiều bạn khác vì được đi học, có bạn bè. Ta có thể mù về đôi mắt nhưng không mù về tâm hồn. Ai cũng có niềm tự hào của riêng mình để vươn lên trong cuộc sống… Các con có biết Luật sư là nghề gì không? Một số em lớn trả lời: Luật sư là người biện hộ. Vậy có ai muốn trở thành Luật sư nào? Có các cánh tay giơ lên thật cao.

Niềm vui được đọc sách nổi do các Luật sư tặng.

Sau buổi tư vấn trực tiếp tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, chúng tôi đến Cơ sở bảo trợ khiếm thị Bừng Sáng (Hội dòng Mến thánh giá Thủ Đức), do sơ Nguyễn Thị Hoàng phụ trách. Nơi đây chăm sóc 35 trẻ nội trú và 15 trẻ ở ngoài đến học. Các em là trẻ mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm cấp một thì do các sơ dạy, cấp hai mời thầy cô ở ngoài, lên cấp ba, các em học chung ở các trường trong quận để hòa nhập. Tại cơ sở này, nhóm Luật sư chúng tôi chia nhau tư vấn cho từng em, giải đáp bất cứ điều gì các em hỏi. Luật sư nữ thì hướng dẫn các em gái về cách ứng phó khi bị sàm sỡ, lạm dụng; tâm tình, hỏi han các em về gia đình, bạn bè. Ở cơ sở bảo trợ này, sự hiểu biết về pháp luật của các em khá tốt. Các em biết phân biệt hành vi nào sai, hành vi nào đúng, đâu là chuẩn mực đạo đức, là quy định pháp luật. Thú vị hơn là các em còn quan tâm đến cả quyền tác giả trên không gian mạng… Tư vấn dưới dạng tâm tình được các em rất thích. Kết thúc buổi tư vấn là giao lưu văn nghệ. Sơ Nguyễn Thị Hoàng phát biểu: “Các Luật sư đến tư vấn, chúng tôi rất ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên cơ sở chúng tôi được đón tiếp các Luật sư”. Sơ Hoàng hỏi các em: Hôm nay các em có vui không? Rất vui ạ, chưa bao giờ vui như thế! Các em có muốn các Luật sư đến nữa không? Tất cả đồng thanh: Có ạ!

Trung tâm bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, do Sơ Bùi Thị Thu Thủy phụ trách. Ở đây có 93 học sinh vừa nội trú, vừa ở ngoài đến học. Khi đưa cuốn sách chữ nổi “Hỏi - đáp pháp luật cho người khuyết tật” cho các em đọc, chúng tôi hỏi: Các em có thích sách chữ nổi không? Có em trả lời “thích”, vì có thể đọc đi đọc lại ngay chỗ cần tìm. Em khác nói “rất thích”, nhưng sách chữ nổi thuộc dạng hỏi đáp pháp luật như thế này rất hiếm. Em cũng mạnh dạn góp ý: Khi trả lời, các Luật sư nên tránh một số từ ngữ chuyên về luật, cần giải thích đơn giản, dễ hiểu hơn. Có em lại mong muốn có một câu lạc bộ tiếng Anh hoặc một trung tâm tiếng Anh dành riêng cho người khiếm thị. Chúng em còn rất cần các bộ sách tham khảo, tài liệu, mô hình dành riêng cho người khiếm thị nữa. Người khiếm thị rất cần tri thức để bước ra thế giới…

Gần gũi khi tư vấn.

Qua những buổi đi tư vấn trực tiếp và nghe các em đánh giá về tài liệu hỏi - đáp pháp luật được cung cấp, chúng tôi đã có thêm kinh nghiệm thực tế để làm các bộ tài liệu tiếp theo như Luật Cư trú, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Lao động… được tốt hơn.

Đưa pháp luật đến với người khuyết tật, một trong những đối tượng được giới Luật sư nói riêng và cả xã hội nói chung đặc biệt quan tâm, trợ giúp; nghĩa cử của những tình nguyện viên và nhóm Luật sư thiện nguyện chúng tôi đã góp phần không nhỏ vào “Vòng quay cùng bánh xe tri thức”, một hoạt động rất có ý nghĩa của Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh:

“Tôi hết sức xúc động trước tấm lòng của những Luật sư đảng viên Chi bộ 9, Đảng bộ Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đối với những người khuyết tật. Thương họ thì ai cũng thương, nhưng hành động mới khó, hành động có hiệu quả lại càng khó. Giúp những người mù đọc sách bằng sách nói, và giúp họ tiếp cận kiến thức pháp luật bằng sách nói, là sự hỗ trợ thiết thực với họ. Công việc này thể hiện lòng nhân ái của người Luật sư, và cũng đúng thiên chức của Luật sư. Là Bí thư Đảng bộ, tôi xin cám ơn các Luật sư đảng viên Chi bộ 9 và sẽ vận động toàn Đảng bộ học tập điển hình này”.

Luật sư NGUYỄN THỊ BÍCH LOAN

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Thông báo về việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư đợt 1 năm 2021

Lê Minh Hoàng