/ Đời sống - Xã hội
/ Thủ tướng: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông giải quyết khó khăn, mất thời gian

Thủ tướng: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông giải quyết khó khăn, mất thời gian

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý nhắc đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đôngvà công tác xử lý 12 dự án thua lỗ ngành công thương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ. Ảnh: Internet

Cụ thể, tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 8/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại quá trình phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, để có được kết quả tốt trong phòng chống dịch có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là có đối sách đúng, kịp thời, quyết liệt và hành động sớm.

"Thế giới tin tưởng và thậm chí ca ngợi Việt Nam, nhất là trong thành tựu phòng chống đại dịch Covid-19"- Thủ tướng nói và cho biết, các giải pháp để phục hồi nền kinh tế đã được triển khai khẩn trương khi dịch cơ bản được kiểm soát.

Thủ tướng biểu dương, đánh giá rất cao hàng loạt tỉnh thành như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… tuyên bố không giảm chỉ tiêu tăng trưởng và sự quyết tâm này sẽ lan tỏa, thêm động lực phấn đấu cho các địa phương khác.

Trước các ý kiến của đại biểu về ách tắc trong đầu tư công, Thủ tướng cho biết vừa qua lãnh đạo Chính phủ đã có thư gửi đến bí thư, chủ tịch các tỉnh thành và nhiều Bộ trưởng yêu cầu tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề đầu tư công tại địa phương mình, ngành mình.

Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ trình ra Quốc hội cơ chế "năm nay bộ nào, địa phương nào không giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác", đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại của nền kinh tế, trong đó có 12 dự án thua lỗ mà rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu. Theo Thủ tướng, để giải quyết tồn tại của 12 dự án là không dễ dàng và những khuyết điểm trong dự án thua lỗ có phần do chưa có kinh nghiệm kinh tế thị trường.

"Chúng ta cùng phải chịu trách nhiệm, mấy dự án Nhà máy Ethanol, dự án ngành dầu khí để lại không khắc phục nổi. Rồi dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được ngay, khó khắc phục, chậm khắc phục. Việc này cần có thời gian để giải quyết", Thủ tướng nói và lưu ý việc khắc phục các dự án thua lỗ phải chặt chẽ, đúng pháp luật.

Dẫn ví dụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng cho biết, giải quyết cũng rất khó khăn, mất thời gian. “Các đồng chí biết an toàn quan trọng nhất thì họ chẳng bàn giao hồ sơ an toàn cho mình. Nói qua, nói lại, thảo luận đi, thảo luận lại. Một số phái đoàn ở Bắc Kinh cũng tới thảo luận. Sắp tới đây cũng có thể bàn dứt điểm được”, Thủ tướng thông tin, và cho biết cố gắng trước Đại hội Đảng, tàu đường sắt có thể chạy được thì “may mắn”.

Thủ tướng cũng lưu ý, việc khắc phục những tồn tại cũng phải chặt chẽ, đúng pháp luật. “Đừng để mất cán bộ rồi giờ tiếp tục mất cán bộ nữa do sơ suất vận dụng pháp luật”, Thủ tướng nói, đồng thời cho biết, những vi phạm trong nhiệm kỳ qua đã được xử lý nghiêm, với gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý.

“Cái giá phải trả lớn như thế, không phải ít. Nói như vậy để thấy Đảng ta nghiêm túc, Chính phủ nhìn thẳng sự thật, Quốc hội nhìn thấy tất cả vấn đề này. Chúng ta yêu cầu xử lý tốt hơn, nhanh hơn, nhưng làm sao đảm bảo hệ thống an toàn. Không vì xử lý ấy mà đổ nhào cả vấn đề lớn”, Thủ tướng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đang trả lời báo chí. Ảnh: Internet

Cũng liên quan đến vấn đề đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay Hà Nội đang tích cực vào cuộc cùng Bộ GTVT với mong muốn đưa dự án vào hoạt động trước tháng 10/2020.

Khi được trả lời về vấn đề Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu phía Việt Nam chi thêm 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng) để chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông), Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, bản thân không hề rõ về việc này, vì chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Ông Huệ nhận định đó là trao đổi giữa Tổng thầu Trung Quốc và Bộ GTVT.

Thêm đó, đánh giá về độ an toàn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, được biết, có 13 chứng chỉ an toàn thì dự án đã đạt được 12, chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế thì mới có thể đánh giá được. Theo đó, ngay khi dự án chạy được thì tư vấn của Pháp mới có thể thực hiện đánh giá.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá về khúc mắc lớn nhất đó là việc thiếu các chuyên gia phía Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Được biết, đây là vướng mắc không chỉ của riêng dự án này mà của tất cả các dự án có chuyên gia nước ngoài làm việc.

Ông cho biết thêm, ngay khi các chuyên gia đến, Hà Nội sẽ bố trí nơi cách ly tập trung theo đúng quy định, hết thời gian cách ly nếu kết quả kiểm tra dịch tễ tốt thì các chuyên gia sẽ trở lại làm việc bình thường.

Không chỉ vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chia sẻ việc vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.

Đối với TP. Hà Nội, ông Huệ khẳng định vai trò của dự án, theo đó, Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Hà Nội vẫn sẽ tiếp nhận và vận hành dự án. Sau này, tất cả vốn đầu tư, nợ nần của dự án là do Hà Nội tiếp nhận và có nghĩa vụ trả nợ.

Được biết, Hà Nội có một Tổng Công ty đường sắt, đơn vị này sẽ là nơi chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành dự án. Tuy nhiên, do dự án chậm tiến độ nên để càng lâu thì giữ chân được đội ngũ lao động này cũng rất khó khăn.

Theo lời chia sẻ của Bí thư Thành ủy, việc dự án khai thác sớm được ngày nào thì sẽ càng tốt cho Hà Nội ngày đó. Nhận thấy được lợi thế này, Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ GTVT, lập Tổ công tác liên ngành để “gỡ” vướng dự án. Lãnh đạo Tổ công tác phía Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Hà Nội là Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng.

Cùng với đó, Tổ công tác sẽ trình phương án tổng thể lên Bộ GTVT, việc gì liên quan tới Hà Nội thì Hà Nội sẽ giải quyết, việc gì vượt thẩm quyền sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhắc đến thời điểm chốt dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Huệ nhận định: "Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phấn đấu đưa dự án vào vận hành trong năm 2020. Bản thân Hà Nội mong muốn dự án hoàn thành, khai thác càng sớm càng tốt và trước tháng 10 càng tốt. Hiện Tổ công tác giữa Bộ GTVT và Hà Nội chưa có báo cáo cuối cùng về tiến độ dự án này".

Tuy nhiên, việc vẫn còn đó, hiện công việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn rất nhiều, nhưng mới chỉ có 4 nhân sự của Tổng thầu Trung Quốc có mặt tại dự án.

Hà Nội đã gửi văn bản tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để làm thủ tục cho 150 nhân sự của Tổng thầu Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Ngay thời điểm này, lý giải cho câu hỏi đến khi nào thì Tổng thầu Trung Quốc sẽ có mặt tại Việt Nam, ông Huệ cho biết, hiện Hà Nội đã làm các thủ tục cần thiết, nhưng vẫn chưa có thông tin cuối cùng về việc này.

Cùng với thông tin Hà Nội sắp tới sẽ triển khai một số dự án đường sắt đô thị mới, nhưng trong khi các dự án hiện tại đều đang chậm và chưa có dấu hiệu khả quan thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Hà Nội có thể tránh những vấn đề tương tự.

Ông Huệ nhận định, hành động nói về việc đầu tư các dự án khác quá sớm, cần tập trung để hoàn thành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

"Theo kinh nghiệm, tôi nghĩ cốt lõi là phải chuẩn bị đầu tư hết sức kỹ lưỡng thì triển khai mới thông suốt, hiệu quả được", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

LÂM HOÀNG

/kien-giang-xem-xet-can-nhac-lay-y-kien-cu-tri-ve-viec-thanh-lap-thanh-pho-phu-quoc.html