Thực trạng và yêu cầu nâng cao chất lượng Luật sư

27/12/2023 16:35 | 4 tháng trước

(LSVN) - Bên cạnh những mặt tích cực, một số quy định của Luật Luật sư cũng như thực tiễn thi hành, áp dụng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập so với yêu cầu phát triển của đội ngũ Luật sư, có ảnh hưởng đến chất lượng Luật sư, cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và có giải pháp hoàn thiện.

1. Thực trạng phát triển đội ngũ Luật sư

Luật Luật sư năm 2006 đã được thi hành qua 16 năm, với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2012. Trong cùng giai đoạn thi hành Luật Luật sư, Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (“Chiến lược”) và Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” (“Đề án 123”) của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện.

Quá trình phát triển đội ngũ Luật sư Việt Nam chủ yếu được chia làm 2 giai đoạn: Trước và sau khi có Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đến nay.

Tiếp nối đà tăng trưởng kể từ sau khi có Pháp lệnh Luật sư năm 2001, kể từ khi có Luật Luật sư năm 2006, số lượng Luật sư cả nước đã tăng gấp 6 lần: Từ khoảng 3.000 Luật sư tăng lên gần 18.000 Luật sư [2], hành nghề tại hơn 5.000 tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) và khoảng gần 1.000 Luật sư đăng hành nghề với tư cách cá nhân trên phạm vi cả nước.

Số lượng Luật sư hiện nay cơ bản đã đạt được mục tiêu Chiến lược đề ra: Đến năm 2020 đạt từ 18.000 đến 20.000 Luật sư, mỗi năm phát triển 800 - 1.000 Luật sư. Số lượng Luật sư hành nghề chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế cũng cơ bản đạt mục tiêu của Đề án 123 (có khoảng 1.000 Luật sư, chuyên gia pháp luật) [3].

Cùng với việc gia tăng nhanh chóng về số lượng, theo đánh giá trong các Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư của Bộ Tư pháp, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chất lượng dịch vụ pháp lý đã được nâng cao.

Đánh giá thực trạng phát triển nghề luật sư ở Việt Nam khi so sánh với các nước phát triển, có một đặc điểm thường được nêu đó là tỷ lệ số Luật sư trên số dân còn thấp. Với 18.000 Luật sư trên dân số 101,7 triệu người, tỷ lệ số Luật sư trên số dân ở Việt Nam là 1/5.675. Trong khi đó, Nhật Bản có 44.691 Luật sư, đạt tỷ lệ 1/2.768 dân, gấp 2 lần Việt Nam, Hàn quốc có 32.750 Luật sư, đạt tỷ lệ 1/1.588, gấp 3,6 lần Việt Nam. Trong khi đó GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.316 USD, còn của Nhật Bản là 33.950 USD, gấp 7,9 lần Việt Nam), Hàn quốc là 33.147 USD, gấp 7,7 lần Việt Nam. Sự phát triển số lượng Luật sư còn phụ thuộc vào nhu cầu dịch vụ pháp lý, mà nhu cầu thì phải gắn liền với quy mô nền kinh tế. Như vậy, số lượng luật sư ở Việt Nam hiện nay không phải là ít nếu căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước. Hơn nữa, ngay cả khi số lượng Luật sư có tăng, cũng không thể bảo đảm nhu cầu về dịch vụ pháp lý của xã hội sẽ được đáp ứng thích đáng, nếu vấn đề chất lượng không được coi trọng. Ngược lại, chính sự gia tăng nhanh về số lượng Luật sư đang tạo ra thách thức về chất lượng dịch vụ pháp lý.

Tuy có sự gia tăng về số lượng nhưng chất lượng phát triển của đội ngũ Luật sư còn một số điểm hạn chế đáng lưu ý sau đây:

- Luật sư phân bố không đồng đều: Chủ yếu tập trung tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (chiếm trên 2/3 số lượng Luật sư cả nước) và các tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao. Ở các địa phương miền núi, địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có rất ít Luật sư, hiện có 13 tỉnh có ít hơn 30 Luật sư, một vài tỉnh chỉ có trên dưới 10 Luật sư như Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Kon Tum [4]. Như vậy, bên cạnh việc khuyến khích phát triển số lượng Luật sư tại các địa phương này, Nhà nước cần có các giải pháp khác tăng cường công tác trợ giúp pháp lý để nâng cao khả năng tiếp cận công lý của người dân.

- Hoạt động hành nghề luật sư còn phân tán, thiếu tập trung: Hầu hết các TCHNLS chỉ có 1 - 2 Luật sư. Rất ít TCHNLS có trên 10 Luật sư và mới chỉ có 4 TCHNLS quy mô trên 50 Luật sư [5]. Quy mô nhỏ phù hợp với sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý khi mà cá nhân vẫn là đối tượng khách hàng chính, còn dịch vụ pháp lý chủ yếu là tham gia tố tụng và tư vấn, hỗ trợ trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế, những chuyển biến của thị trường, sự gia tăng đối tượng khách hàng doanh nghiệp, số lượng, quy mô và tính chất phức tạp của các giao dịch... đang đòi hỏi dịch vụ pháp lý phải vừa có tính chuyên môn hóa cao, vừa có quy mô tập trung hơn.

- Tỷ lệ Luật sư tham gia hành nghề và TCHNLS thực tế hoạt động còn thấp: Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có không quá 70% số Luật sư hành nghề và không quá 50% TCHNLS thực tế hoạt động [6]. Còn rất nhiều Luật sư không sống bằng nghề luật sư hoặc coi nghề luật sư là nghề “tay trái”. Tình trạng này có ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư.

- Chất lượng hoạt động tập sự hành nghề luật sư (TSHNLS) rất đáng lưu ý. Phổ biến có tình trạng người TSHNLS chỉ đăng ký, nhưng không thực tế tập sự tại TCHNLS. Tình trạng này trước hết do ý thức của người TSHNLS không nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về TSHNLS, mặt khác do sự buông lỏng của Luật sư hướng dẫn và TCHNLS trong việc quản lý, hướng dẫn người TSHNLS, thiếu cơ chế giám sát có hiệu quả của các Đoàn luật sư. Hậu quả trực tiếp là mặc dù đã qua đào tạo nghề luật sư và qua thời gian TSHNLS, nhưng tỷ lệ đạt yêu cầu của kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS hiện nay chỉ trên dưới 50%, cho thấy nguyện vọng không đi đôi với việc đáp ứng yêu cầu để trở thành luật sư. Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số TSHNLS vì nhu cầu mưu sinh, do nôn nóng hoặc vì các lý do khác đã trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, thực hiện các hoạt động mà người TSHNLS không được phép làm, dẫn đến vi phạm quy định về TSHNLS, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho xã hội.

2. Thể chế về Luật sư và hành nghề luật sư liên quan chất lượng Luật sư

Quy định của Luật Luật sư, các văn bản thi hành, hướng dẫn Luật Luật sư liên quan đến tăng cường chất lượng Luật sư đã tương đối hoàn thiện, cụ thể là:

- Tiêu chuẩn Luật sư, điều kiện hành nghề luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian TSHNLS đã được quy định cụ thể, rõ ràng.

- Thủ tục, quy trình để trở thành Luật sư (đăng ký TSHNLS, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư...) đã được quy định cụ thể theo hướng minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không còn cơ chế “xin cho” như trước khi có Pháp lệnh Luật sư 2001.

- Các quy định đã hướng đến tăng cường chất lượng Luật sư: Thời gian đào tạo nghề luật sư 12 tháng; Thời gian TSHNLS 12 tháng, trong đó ít nhất 20 giờ mỗi tuần. Nghĩa vụ của Luật sư tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm 8 giờ. Điều kiện thành lập TCHNLS, Luật sư phải có ít nhất 2 năm hành nghề liên tục...

- Chế định TSHNLS được quy định tương đối chặt chẽ: Về phạm vi công việc người TSHNLS được thực hiện và không được thực hiện, về trách nhiệm theo dõi, giám sát, xử lý kỷ luật của Đoàn Luật sư đối với người TSHNLS, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, giám sát của luật sư hướng dẫn, của TCHNLS đối với người TSHNLS, việc kiểm tra kết quả TSHNLS...

- Các quy định của Luật Luật sư, các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định song phương và đa phương (Nghị định thư gia nhập WTO...) về mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện cho Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ pháp lý tại thị trường Việt Nam, tuy được đánh giá là khá mở, có mức độ “bảo hộ thị trường” cho ngành dịch vụ pháp lý trong nước thấp so với các nước trong khu vực, nhưng cũng tạo điều kiện nâng cao chất lượng Luật sư Việt Nam thông qua việc được đào tạo trong môi trường làm việc, hợp tác với Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh tác động từ quy định pháp luật, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam với vai trò là thiết chế tự quản thống nhất của Luật sư trên cả nước đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đội ngũ Luật sư thông qua một số hoạt động sau:

- Ban hành và triển khai thực hiện Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư (năm 2011 và 2019);

- Ban hành và triển khai thực hiện các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với luật sư, TSHNLS thống nhất từ các Đoàn luật sư địa phương đến Liên đoàn;

- Tổ chức và hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bắt buộc cho các Luật sư trên phạm vi cả nước theo quy định pháp luật. Đến nay, Liên đoàn và các Đoàn Luật sư đã tổ chức hơn 600 lớp bồi dưỡng cho hàng chục ngàn lượt Luật sư [7];

- Tổ chức các kỳ kiểm tra kết quả TSHNLS, qua đó chọn lọc những người đủ điều kiện gia nhập đội ngũ Luật sư. Tính từ năm 2014, Liên đoàn đã tổ chức 18 kỳ kiểm tra cho gần 18.000 lượt người TSHNLS tham gia [8].

3. Những yêu cầu nâng cao chất lượng Luật sư

3.1. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế...”. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan trong đó có Luật Luật sư để nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư và chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý.

3.2. Từ thực tiễn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước đòi hỏi việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng, được đáp ứng bằng một đội ngũ luật sư có phẩm chất và năng lực.

3.3. Nghề luật sư phải là một nghề chuyên nghiệp, Luật sư phải có đủ phẩm chất, đủ năng lực thì mới có khả năng góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Luật sư chuyên tâm vào hoạt động hành nghề chuyên nghiệp thì mới có đủ điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý.

Ngược lại, việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cũng giúp Luật sư giành được sự tín nhiệm của khách hàng, của cộng đồng xã hội, qua đó có điều kiện về kinh tế để duy trì hoạt động hành nghề chuyên nghiệp, tiếp tục trau dồi, nâng cao chất lượng nghề nghiệp.

4. Một số hạn chế, bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư nhằm nâng cao chất lượng Luật sư

Bên cạnh những mặt tích cực đã nêu, một số quy định của Luật Luật sư cũng như thực tiễn thi hành, áp dụng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập so với yêu cầu phát triển của đội ngũ Luật sư, có ảnh hưởng đến chất lượng Luật sư, cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và có giải pháp hoàn thiện:

4.1. Về tiêu chuẩn Luật sư, điều kiện hành nghề luật sư

Hiện nay, bên cạnh các quy định chung yêu cầu người có Bằng cử nhân luật muốn trở thành Luật sư phải được đào tạo nghề luật sư 12 tháng và TSHNLS 12 tháng, còn có quy định về các trường hợp được miễn đào tạo, miễn, giảm thời gian TSHNLS (Điều 13, Điều 16 Luật Luật sư) tạo ra rất nhiều ngoại lệ, bao gồm: Thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, giáo sư, phó giáo sư; tiến sỹ luật; thẩm tra viên, kiểm tra viên, chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật... nói chung là người đã từng là công chức trong các ngành tư pháp, pháp luật.

Không thể phủ nhận là các đối tượng được miễn, giảm đều có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về pháp luật. Tuy nhiên, quy định miễn, giảm chung này không phù hợp khi đối chiếu với yêu cầu về đào tạo nghề luật sư và TSHNLS, đòi hỏi người được đào tạo nghề, người TSHNLS ngoài kiến thức pháp luật còn phải được đào tạo, tập sự về các kỹ năng hành nghề luật sư và đạo đức nghề nghiệp luật sư, điều mà những đối tượng được miễn, giảm chưa được trang bị. Ở một số nước phát triển sở dĩ có sự liên thông nghề nghiệp giữa Luật sư, Thẩm phán, công tố viên vì họ được đào tạo chung nguồn và đáp ứng các điều kiện như nhau để trở thành Luật sư, Thẩm phán, công tố viên (ví dụ như ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, CHLB Đức...). Do đó, để nâng cao chất lượng Luật sư, cần nghiên cứu, rà soát lại các trường hợp miễn đào tạo, miễn, giảm thời gian TSHNLS theo hướng giảm bớt đối tượng được miễn, giảm và quy định phải tham gia đào tạo tối thiểu về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

4.2 Về chế định tập sự hành nghề luật sư

Chế định TSHNLS cần thiết được tiếp tục duy trì để có “bước đệm”, “giai đoạn quá độ” trước khi công nhận Luật sư. Tuy nhiên, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về TSHNLS để giai đoạn này có thực chất:

- Tình trạng phổ biến hiện nay là người TSHNLS chỉ đăng ký, nhưng không tập sự thực tế. Trong khi đó, yêu cầu tập sự là để trang bị kinh nghiệm thực tiễn cho người chuẩn bị trở thành luật sư. Khi sửa đổi Thông tư về TSHNLS, Bộ Tư pháp đã bổ sung yêu cầu người TSHNLS phải tập sự tối thiểu 20 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, quy định này cũng không phát huy được tác dụng hạn chế tình trạng tập sự “hình thức”. Để nâng cao chất lượng TSHNLS, cũng chính là chất lượng đầu vào của Luật sư, đã đến lúc cần tham khảo áp dụng kinh nghiệm quốc tế để quy định người TSHNLS cũng phải thực tế làm việc tại TCHNLS, tương tự như quy định Luật sư phải làm việc tại TCHNLS.

- Trong hoạt động TSHNLS, do việc tập sự diễn ra tại TCHNLS, nên phải lấy TCHNLS và Luật sư hướng dẫn làm trung tâm, không phải Đoàn Luật sư mặc dù việc đăng ký TSHNLS do Đoàn Luật sư thực hiện. Việc đăng ký TSHNLS cần được thực hiện theo thời gian nhận tập sự tại TCHNLS, không phải theo thời gian mà Đoàn Luật sư tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Việc này vừa không đúng quy định pháp luật, vừa không phù hợp thực tiễn.

- Về phạm vi công việc người TSHNLS được thực hiện, không được thực hiện, thời gian qua có rất nhiều ý kiến trong giới luật sư cho rằng cần mở rộng phạm vi các công việc người TSHNLS được thực hiện để tạo điều kiện cho họ được tiếp cận công việc thực tế, ví dụ như tham gia tố tụng tại Tòa án cấp huyện như Luật sư tập sự đã từng được làm trước khi có Luật Luật sư năm 2006. Cần nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật trên cơ sở cân nhắc hài hòa giữa yêu cầu tiếp cận công việc thực tế của người TSHNLS với yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho xã hội. Ít nhất, cần cho phép người TSHNLS được làm những công việc mà một người bình thường không có chuyên môn pháp lý cũng đang được làm đó là đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa, tất nhiên phải theo sự phân công của TCHNLS và Luật sư hướng dẫn.

- Cần bổ sung quy định về nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc đối với người TSHNLS, tương tự như quy định về bồi dưỡng bắt buộc đối với Luật sư.

4.3. Về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Luật sư

Quy định pháp luật hiện nay về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thường xuyên của Luật sư tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả, nhưng trên thực tế đã phát huy được tác dụng nâng cao chất lượng Luật sư. Nhờ có quy định này mà Liên đoàn Luật sư, các Đoàn Luật sư mới cơ sở pháp lý và điều kiện để bồi dưỡng thường xuyên nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề và đạo đức nghề nghiệp cho hàng chục ngàn lượt Luật sư từ năm 2015 đến nay. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thường xuyên của Luật sư, đồng thời cần có yêu cầu cụ thể, chặt chẽ hơn, theo đó ngoài bồi dưỡng kỹ năng hành nghề, kiến thức pháp luật là đương nhiên, cần chú trọng bồi dưỡng tư tưởng chính trị gắn với đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra, nên nghiên cứu bổ sung vào Luật Luật sư mới quy định về luật sư chuyên ngành để làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng và công nhận Luật sư chuyên ngành trong một số lĩnh vực hành nghề, nhằm tăng cường chất lượng chuyên sâu của đội ngũ Luật sư. Có thể tham khảo mô hình về chế định “Luật sư chuyên ngành” của CHLB Đức.

4.4. Về vấn đề mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý

Cần rà soát các quy định về hoạt động hành nghề của Luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài theo hướng tăng cường các điều kiện phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm chọn lọc các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài có uy tín, có đủ điều kiện hoạt động hành nghề tại Việt Nam để góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh, chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, TCHNLS trong nước, lành mạnh hóa thị trường dịch vụ pháp lý trong nước và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

(1) Tham luận tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12/2023.  

(2) Nguồn: Số liệu thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

(3) Báo Báo số 05/BC-BTP của Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020.

(4) Nguồn: Số liệu thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

(5) Nguồn: Báo cáo 05/BC–BTP, ngày 08/01/2021 của Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020.

(6) Theo Đề án tăng cưởng công tác quản lý nhà nước trong hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành theo Quyết định 5085/QĐ-UBND ngày 09/11/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

(7) Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

(8) Báo cáo sơ kết công tác kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật sư NGUYỄN HẢI NAM