/ Tin tức
/ Thương, nhớ Huế vô cùng!

Thương, nhớ Huế vô cùng!

09/02/2024 13:45 |11 tháng trước

(LSVN) - Mỗi năm nhìn cánh mai vàng nở, Tết đến Xuân về tôi lại bâng khuâng không sao ngủ được, thương nhớ Huế vô cùng. Nơi đó có mẹ, có em gái nhỏ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng cưu mang tôi. Nhớ về một tình yêu đẹp, người vợ chưa cưới, người đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, đang độ tuổi thanh xuân.

Đúng vào đêm Giao thừa tôi được lệnh chuyển một tài liệu mật xuống thành phố Huế cho T2, tại vị trí X gần chợ Đông Ba.

Đêm 30 mươi Tết thành phố Huế tấp nập đông vui. Hai bên bờ Sông Hương những đôi trai gái dắt tay nhau đi chơi Xuân. Thành phố về đêm rất đẹp. Cứ vài chục phút có 1 xe cảnh sát đi tuần bóp còi inh ỏi, xé tan không khí thanh bình. Dưới Sông Hương có nhiều chiếc ca nô lính trang bị súng ống đầy đủ chạy tuần tiễu. Mặc cho địch cấm không cho dân nổ pháo, sợ bị quân giải phóng tấn công như mùa Xuân 1968. Nhưng các ngõ phố vẫn có pháo nổ. Thỉnh thoảng, có những quả pháo bông vụt lên sáng lóe. Chỉ còn mấy phút nữa là giao thừa đến, cùng là thời điểm tôi gặp T2. Tiến chuông chùa, chuông nhà thờ bắt đầu điểm, báo hiệu lúc sang Xuân. Nhưng một phút! Hai phút tôi ruột gan như lửa đốt không thấy T2 đến. Tôi băn khoăn có phải T2 bị lộ không đến được. Hay là T2 đã gặp chuyện không hay. Tôi quyết định chờ thêm mấy phút nữa, không thấy sẽ thực hiện phương án 2.

Chợ Đông Ba (Huế). Ảnh: Hải Hưng.

Vừa lúc đó có chiếc xe Zeep màu trắng, mang biển số cảnh sát chạy tới điểm hẹn. Tại sao lại xe cảnh sát. Có phải T2 đã bị bắt, đầu thú đưa cảnh sát đến đây tóm mình không? Tôi mở khoá an toàn khẩu súng ngắn. Một cô gái trên xe bước xuống ăn mặc sang trọng, như con một đại gia, đeo chiếc kính Nhật loại đắt tiền ôm cả đôi mắt. Cô đưa mắt quan sát như đang chờ đợi ai. Qua cử chỉ tôi phán đoán cô gái không phải người của địch. Tôi bước lại gần từ tốn hỏi:

- Chào tiểu thư! Chúc tiểu thư sang năm mới mạnh giỏi!

Cô gái vui vẻ trả lời:

- Chào anh Hai! Sang năm mới em chúc anh Hai công thành danh toại!.

Đúng mật khẩu tôi mừng quá. Cô mời tôi lên xe. Tôi trao tài liệu cho cô gái. Cô bỏ bộ tóc giả và chiếc kính ra ôm chầm lấy tôi và khẽ thốt lên: Anh Hà, anh Hà! Mấy năm nay em tìm anh mãi!

Hai chúng tôi gặp nhau quá đột ngột. Lặng đi một lúc mới nói được: Lan (tên bí mật của cô gái) em! Chỉ nói được đến thế, đến giờ chúng tôi phải chia tay nhau. Tôi ôm Lan vào lòng. Tim Lan đập thình thịch, người run bắn. Tôi biết em xúc động lắm. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, tôi vội xuống xe.

Trên đường về đơn vị tôi nhớ Lan đến nôn nao. Lan một cơ sở của ta ở thành phố Huế. Tuy Lan còn trẻ tuổi nhưng có thâm niên, kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch. Có lần Lan được cử lên căn cứ học tập, tôi người trực tiếp dìu dắt em. Thế rồi, tình yêu cứ lớn lên trong hai đứa khi nào không rõ nữa. Hôm chia tay nhau, Lan về lại thành phố, em tặng tôi một bó hoa rừng và 1 lọn tóc thề, hẹn ngày đất nước thống nhất sẽ cưới nhau. Tôi lặng lẽ nắm lọn tóc Lan trao, nói với Lan: “ Trái tim anh chỉ có em”.

Cầu Tràng Tiền Huế được xem là biểu tượng của cố đô, mang đậm dấu ấn lịch sử qua bao thăng trầm của đất nước.

Chia tay Lan tôi tiếc thời gian không cho phép hai đứa gặp nhau được lâu hơn, nhưng vì nhiệm vụ đành chấp nhận.

Tôi vừa đi vừa nghĩ về Lan bỗng một tia chớp xanh lè trước mặt, đạn bắn chéo quanh mình. Mình bị phục kích rồi, tôi liền lăn mình xuống một rãnh nước gần đó tung 2 quả lựu đạn về phía địch. Lựu đạn nổ quân dịch bỏ chạy, tôi bồi thêm một quả nữa. Tranh thủ bọn địch đang rối loạn, khói lựu đạn bay mịt mù tôi thoát ra khỏi ổ phục kích, chạy được khoảng hơn 1 cây số thấy chân phải nặng như chì không sao bước được nữa, bả vai cũng ướt sũng. Lúc đó mới biết mình bị thương. Xé băng, băng vết thương, ngồi nấp trong lùm cây một lúc lấy lại sức, tôi quyết tâm bò về cơ sở. Trời lất phất mưa bay, gió mùa Đông Bắc thổi se lạnh, tôi cố bò, mồ hôi ra ướt đẫm. Đang bò thấy trước mặt như có hàng trăm con đom đóm, thế là tôi ngất đi. Khi tỉnh dậy thấy xung quanh tối mịt mù, như có ai đang bế mình. Đây có phải là nơi địch giam mình không? Nơi địch giam sao lại có người như bế mình. Tôi vừa đặt câu hỏi, vừa trả lời rồi mạnh dạn hỏi: “Đây ở đâu? Đây là hầm bí mật anh ạ! Tiếng một cô gái nhẹ nhàng trả lời”. Qua ngữ điệu tôi biết cô gái rất vui khi thấy tôi đã tỉnh. Nói xong tôi lại lịm đi không biết gì nữa. Tỉnh lại lần 2 tôi thấy trong miệng mình có sữa. Được ăn sữa tôi tỉnh dần lại, ngày 2 lần cô gái thận trọng rửa vết thương cho tôi.

Nằm dưới hầm bí mật không khí ngột ngạt quá, cộng với mùi hôi của vết thương rất khó chịu, một hôm tôi đánh liều nhấc nắp hầm bí mật lên, thở chút không trí trong lành, nghe cô gái nói với mẹ: “Tiền không còn mua thuốc cho anh ấy, con xin má bán chiếc nhẫn cưới của con đi”. Má nói lại: “Bán nhẫn mua thuốc nuôi bộ đội Cụ Hồ việc chi con phải hỏi”. Nói xong bà cụ đi ra vườn. Có lẽ cụ ra để nghe ngóng có bọn mật thám rình mò hay không?

Huế của hiện tại mang đầy đủ dáng vóc hiện đại nhưng vẫn lưu giữ nét cổ xưa.

Qua khe cửa tôi thấy cô gái vuốt mạnh bầu vú căng của mình cho sữa chảy vào chai, còn một ít cho con bú. Thiếu sữa thằng bé nhay vú mẹ trông thật đáng thương. Bà cụ từ ngoài vườn vào nói với cô gái: “Mẹ xem không có động tĩnh gì, con xuống thay băng cho anh ấy đi”. Cô gái trao con cho mẹ xuống hầm thay băng, điều trị cho tôi. Thay băng xong cho tôi uống sữa. Tôi một mực từ chối, nói ngọt không được, cô trách anh phụ tấm lòng tốt của mẹ con em!

Tôi nắm chặt tay cô gái xúc động nói: “Anh có lỗi! Anh xin lỗi cháu. Đã 2 tuần nay anh ăn mất phần sữa của cháu. Anh làm sao nuốt được khi con em thiếu sữa”.

Cô gái bật lên tiếng khóc, nước mắt rơi ướt đẫm cả ngực tôi. Tôi cảm mến một cô gái, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng cưu mang mình lúc gian nguy này. Tôi rồi nhẹ nhàng gọi: “Em”. Anh gọi gì ạ! Cô gái hỏi lại. Tôi nói: “Em bỏ qua cho anh. Gia đình em giúp anh đã lâu mà anh không hiểu hoàn cảnh nhà ta. Em kể cho anh nghe đi”. Cô gái đưa khăn lau khô hai dòng nước mắt kể: “Lần bố về thăm nhà tập kết ra Bắc, lúc đó má có thai em. Sinh em ra má đặt tên là Chung Thủy, để nói lên mặc dù sống dưới chế độ Mỹ - Ngụy vô cùng hà khắc, nhưng má một lòng, một dạ chung thủy với chồng. Má tần tảo nuôi em ăn học. Em đang học đại học y khoa năm thứ 5 thì một hôm bọn cảnh sát ập vào nhà bắt má đi. Chúng được bọn điệp ngầm báo má nuôi Cộng sản, tiếp tế cho Việt cộng. Bọn chúng tra khảo má đủ kiểu. Nhưng má chỉ trả lời: “Tôi chỉ làm việc chắt chiu nuôi con ăn học không biết tiếp tế cho ai cả”. Chúng đánh má thành thương rồi thả về. Từ đó em phải bỏ học về làm nuôi má. Năm ngoái em lấy chồng, rồi sinh cháu đặt tên là Trường Long. Trốn mãi không được Trường Long chưa đầy tháng anh ấy bị bắt đi lính. Vừa rồi em nhận tin anh ấy chết trong một trận giao tranh ở cao nguyên Trung phần. Nghe nói tôi thương cô gái vô cùng. Chiến tranh nghiệt ngã quá. Chiến tranh đã cướp đi hạnh phúc không biết bao gia đình trên đất nước này. Tôi hỏi cắt ngang lời Chung Thủy: “Sao em biết anh người đằng mình mà đem về”. Chung Thủy bảo: “Sáng mồng 1 Tết em về mừng tuổi nội sớm, đi cách nhà được một quãng thấy một người nằm bên mô đất, bê bết máu. Tối hôm qua nghe súng nổ, em đoán người của mình. Em lật cổ áo và cạp quần thấy có ký hiệu, thì chắc chắn người của mình. Sờ vào người đang còn nóng, tim còn đập, thế là em bế chạy một mạch về nhà. Vết thương của anh nặng, thuốc không đủ em lo lắm”. Tôi nắm chặt tay Chung Thủy thầm cảm ơn em! Em đã cứu anh! Chung Thủy nắm tay tôi thật chặt không nói câu gì.   

Sau 2 tháng Chung Thủy điều trị cho tôi, vết thương bắt đầu ra da non. Một hôm sau bữa cơm, tôi thấy bữa cơm khác thường, tươi hơn mọi hôm. Ăn xong má xúc động nói, hôm nay má con ta chia tay nhau, lúc nữa cơ sở đến đưa con về đơn vị. Con đi má và em chẳng có gì, chỉ có bộ quần áo và một ít đồ dùng hàng ngày. Nghe má nói mà cổ họng tôi cứng lại, muốn nói với má và em nhiều không sao nói được. Cơ sở đến tôi phải chia tay má và em. Chúng tôi thận trọng bước  đi trong bóng đêm, má và Chung Thủy đứng dõi theo.

Đất nước toàn thắng, Bắc – Nam sum họp một nhà tôi vội vàng từ thành phố Hồ Chí Minh ra gặp lại người yêu, người mình chịu nhiều ân nghĩa. Má vẫn ở chỗ cũ ngôi nhà lợp tôn hoen rỉ. Thấy tôi vào má ôm chầm, tôi ôm cháu Trường Long như con của mình. Trên bàn thờ có Bằng Tổ quốc ghi công đó là ba và Chung Thủy. Tôi thắp hương cho ba và Chủng Thủy mà trong lòng quặn thắt. Má kể với tôi: “Con đi được thời gian không lâu Chung Thủy đưa các chú đi trinh sát phi trường Phú Bài không may bị vướng mìn mất”. Tôi má và Trường Long ra nghĩa trang thắp hương cho Chung Thủy.

Chia tay má và Trường Long tôi về tìm gặp người yêu. Tôi dự định tranh thủ 2 đứa tổ chức lễ cưới, vì thời gian yêu nhau đã quá lâu. Em ở Huế, còn tôi vào hoạt động nội thành Sài Gòn.

Tìm được nhà em. Má của em một người mảnh mai, mái tóc bạc phơ ra đón. Nghe tôi giới thiệu má đứng lặng. Linh cảm báo cho tôi điều chẳng lành. Tôi vào nhà má bảo em hy sinh trong một trận phục địch trên đường thành phố Huế. Tôi lặng người  xin má lại bàn thờ đứng bên tấm hình của người vợ chưa cưới như chết lặng. Nước mắt chảy tôi nói để em hiểu tấm lòng: “Em ơi sao lại bỏ anh mà đi. Anh đã về, xót thương lắm”. Tôi nhớ em vô cùng. Tôi ở nhà chăm má một tuần rồi trở lại Sài Gòn. Má xem tôi như một đứa con rể. Mấy năm sau má cũng mất, tôi về chịu tang.

Mỗi năm cứ Tết đến Xuân về tôi cùng gia đình về Huế thắp hương cho 2 má, cho em Chung Thủy. Huế như quê hương thứ 2 của tôi, trong đó có những con người vô cùng yêu thương.

Tết năm nay người viết bài này vô cùng xúc động, nhân vật trong bài viết này không còn nữa. Vì vết thương trong chiến tranh đã làm anh hao kiệt sức khỏe. Anh đã ra đi cách đây mấy năm. Trước khi ra đi anh có nói với tôi mình không bao giờ quên Huế, quê hương thứ 2 của tôi. Chắc khi bài viết này được sử dụng hương hồn bạn tôi đang còn ở Huế.     

HẢI HƯNG

Nguyễn Hữu Trọng