Tiếp cận pháp lý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

16/09/2020 04:00 | 3 năm trước

(LSO) - Nghị quyết số 88/2014/QH13 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội khóa 13 ban hành từ năm 2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 bổ sung Nghị quyết số 88/2014/QH13 ban hành từ năm 2017, nhưng chính thức được chuẩn bị thực hiện từ năm học 2020-2021 với việc dạy học theo các bộ sách giáo khoa mới bắt đầu từ lớp 1. Như vậy, dưới góc độ pháp lý, đã 6 năm trôi qua nhưng 2 Nghị quyết này mới thực sự được chuẩn bị vận hành bước đầu, theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 thì không thể muộn hơn. Đây là vấn đề thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội về những việc cần phải làm, về những thách thức và khó khăn khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

Ảnh minh họa.

Những yếu tố tạo tiền đề quyết định trong lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết là sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1, bắt đầu từ năm học 2020-2021. Đó là sự vào cuộc của “cả hệ thống chính trị”, nhất là Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục các cấp; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, như cách tiếp cận của Nghị quyết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giáo dục, thực tế cho thấy một số cấp ủy, địa phương, chính quyền, cơ sở giáo dục chưa quan tâm chỉ đạo, chưa thực hiện tốt công tác truyền thông. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới còn thiếu, chưa đồng bộ. Không ít giáo viên ngại đổi mới, thấy khó đổi mới. Với tỷ lệ quy định 1,5 giáo viên/lớp 1 của chương trình và sách giáo khoa mới thì tỉnh nào cũng không thể đủ giáo viên theo yêu cầu mới. Ngành giáo dục cho rằng nguồn kinh phí thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Hiện nay ngành giáo dục đang khẩn trương thực hiện các giải pháp như kiện toàn Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục các cấp; rà soát, sắp xếp lại các trường, điểm trường bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi; huy động các nguồn lực để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên… Cùng với rất nhiều nhiệm vụ trong kết thúc năm học 2019-2020 là những việc làm cấp thiết chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021.

Các nguồn tin trên các phương tiện truyền thông cho hay: 40.000 bản sách giáo khoa mẫu đã được cung ứng phục vụ cho việc lựa chọn sách giáo khoa, tuy nhiên vấn đề thẩm quyền, tiêu chí và quy trình lựa chọn sách vẫn đang gặp rất nhiều lúng túng. Vấn đề tập huấn giáo viên về chương trình, sách giáo khoa mới 2 đợt đang được triển khai. Sách giáo khoa mới các loại và phiên bản điện tử của sách giáo khoa mới cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Tính toán trên báo Dân trí điện tử cho rằng, với chương trình, sách giáo khoa mới thì đã giảm được hơn 300 giờ học/1 năm so với 1 năm học có tổng số 2.204 giờ. Cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới trong toàn quốc, thành phố Hồ Chí Minh đang quyết tâm để soạn một bộ sách giáo khoa để dùng riêng cho thành phố… Cùng với một số thông tin chung trên đây, để thực hiện có kết quả 2 Nghị quyết nói trên của Quốc hội thì có một số điểm tiếp cận dưới giác độ pháp lý cần được lưu ý và nhấn mạnh sau đây:

1. Việc ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 là kịp thời và đúng đắn, đổi mới chương trình, nội dung và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng và rất cần thiết, thâm chí cần luôn đặt ra yêu cầu đổi mới để cập nhật nội dung, bảo đảm chương trình và sách giáo khoa luôn thể hiện tính tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và sự biến đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại. Theo Luật Giáo dục thì chương trình và sách giáo khoa phổ thông nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; việc đổi mới chương trình, nội dung và sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải hướng tới việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông không phải là toàn bộ và cũng không phải là yếu tố duy nhất, quyết định nhất. Yếu tố trung tâm có ý nghĩa quyết định nhất vẫn là con người, trong nhà trường đó là quan hệ tương tác giữa thầy và trò. Một mặt, chương trình và sách giáo khoa mới muốn thực hiện được không thể không có người thực hiện trực tiếp là nhà giáo, đội ngũ nhà giáo. Thêm nữa, khoản 2 Điều 66 Luật Giáo dục đã xác định rõ: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục…”.

Vì vậy, đồng thời với việc đổi mới chương trình, nội dung và sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì ngay lập tức và việc ưu tiên hàng đầu là phải chăm sóc và có chính sách hợp lý để có đủ đội ngũ nhà giáo có chất lượng, trân trọng, được tôn vinh. Vấn đề không đơn giản chỉ là một vài lớp tập huấn chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới mà phải là sự quan tâm thực sự để có được đội ngũ nhà giáo với quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” theo Điều 61 của Hiến pháp, là cải thiện chính sách và thái độ của nhà nước và xã hội đối với nhà giáo; là không chỉ đòi hỏi ở nhà giáo về trách nhiệm và nghĩa vụ như hiện nay mà quan trọng hơn là phải tạo điều kiện tốt nhất để nhà giáo phát huy vai trò và quyền lao động trí tuệ của mình.

2. Điều 61 Hiến pháp 2013 và Điều 2 của Luật Giáo dục đã quy định rõ: mục tiêu của giáo dục là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Từ mục tiêu hiến định đó mà có các nội dung và hình thức giáo dục khác nhau, phù hợp với yêu cầu của cuộc sống và việc thực hiện cụ thể từng mục tiêu. Mục tiêu đã rõ nhưng các hình thức giáo dục thực hiện mục tiêu cần và phải rất đa dạng và ngày càng phong phú sinh động: giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên, dạy tập trung và trực tuyến, qua online, xuất hiện các trường chuyên, trường năng khiếu, các trường nội trú, bán trú, các hình thức học để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân và các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật, các chương trình đào tạo hướng nghiệp, học tập trung ở trường và học tại gia đình… Đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông không nên theo xu hướng của nhận thức đơn giản hóa, đồng nhất chương trình mà nên theo xu hướng cởi mở, đáp ứng nhiều loại chương trình hình thức giáo dục khác nhau.

Chẳng hạn có ý kiến đề nghị xóa bỏ hệ thống trường chuyên là chưa thực sự hiểu rõ yêu cầu thực hiện mục tiêu giáo dục. Vấn đề mở rộng các hình thức và phương pháp thực hiện mục tiêu không chỉ đặt ra đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp mà ngay cả giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; không chỉ đối với giáo dục trung học mà cả đối với giáo dục tiểu học, ngay từ lớp 1 được thực hiện từ năm học 2021-2022. Nghị quyết số 88/2014/QH13 xác định nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông như sau: “Mục tiêu giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời…

Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ…”.

3. Chương trình giáo dục nói chung và chương trình, sách khoa giáo dục phổ thông phải bảo đảm thực hiện cả 3 yêu cầu: nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thái độ. Chương trình, sách khoa giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 đã có chú ý đến cả 3 yêu cầu trên, nghĩa là không chỉ chú ý đến nội dung chương trình và sách giáo khoa mà còn chú ý đến cả phương pháp giáo dục phổ thông, phù hợp với từng cấp học, lớp học giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, vấn đề tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thái độ lại chủ yếu thuộc về phương pháp, không có lĩnh vực nào sinh động và đòi hỏi sáng tạo nhiều như lĩnh vực phương pháp. Chương trình, sách giáo khoa mới dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ có thể đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi về phương pháp, không thể có mô hình khuôn mẫu cứng nhắc về phương pháp giáo dục phổ thông, càng không thể áp đặt về phương pháp. Để truyền đạt kiến thức và rèn luyện kỹ năng, thái độ cho người học thì bản thân người dạy và những người làm giáo dục phải có tính chuyên nghiệp rất cao, trong đó bản thân họ phải có kỹ năng và thái độ chuẩn mực nghề nghiệp chuyên môn. Đã đến lúc phải thực sự coi giáo dục và nghề dạy học là một nghề chuyên môn cao, không phải ai cũng trở thành giáo viên được, ngoài nhiệt huyết và đạo đức, muốn trở thành nhà giáo phải có khả năng dạy học, thậm chí phải có năng khiếu dạy học. Quá trình thực hiện chương trình giáo dục và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới không thể không chú ý đến yếu tố này. Tiếp cận pháp lý cũng đòi hỏi phải tô đậm yếu tố sư phạm trong thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

4. Tiếp cận pháp lý trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chỉ có thể thành công trong một môi trường giáo dục thực sự phản ánh yêu cầu và đặc điểm của chính giáo dục và phát triển giáo dục phổ thông. Đặc trưng cơ bản nhất của giáo dục nói chung là lao động trí tuệ, lao động trí óc, đặc điểm này đúng đối với toàn bộ các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, kể cả đối với đào tạo nghề là “cầm tay chỉ việc” và kể cả đối với giáo dục mầm non nặng về chăm sóc nuôi dưỡng trẻ thì hoạt động giáo dục vẫn là hoạt động trí tuệ.

Đối với giáo dục đại học, chìa khóa thành công phải là “tự do học thuật” (academy freedom). Tự chủ đại học sẽ chẳng có mấy ý nghĩa nếu không đào tạo ra những con người lao đông trí tuệ sáng tạo, muốn vậy phải có môi trường tự do học thuật. Đối với giáo dục phổ thông thì môi trường giáo dục ấy phải là liberal education, có thể tạm dịch là “giáo dục khai phóng” nhắm tạo ra những con người tự do. Nhiều nhà quản lý ở Việt Nam hiện nay không thích sử dụng thuật ngữ này vì cho rằng đây là thuật ngữ của luật giáo dục thời “Việt Nam cộng hòa”, thực ra không phải như vậy. Khái niệm liberal education xuất hiện từ thời Trung cổ, gần hơn và phổ biến hơn nữa là trong thời kỳ khai sáng. Thuật ngữ này xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1907 với sự xuất hiện trường đại học Việt Nam đầu tiên của thời hiện đại. Hiệp hội các trường và viện đại học Hoa Kỳ (Association of American Colleges and Universities) cho rằng “giáo dục khai phóng” liberal education là “một triết lý giáo dục cung cấp cho các cá nhân một nền tảng kiến thức rộng, những kỹ năng có thể chuyển đổi được, một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị, đạo đức và sự can dự vào đời sống công dân…”.

Phạm vi của giáo dục khai phóng thường có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó. Những năm gần đây, giáo dục khai phóng được nhắc tới nhiều ở Việt Nam và có nhiều nhà khoa học, giáo dục học đã kiên trì với thuật ngữ này nhưng rất khó được tiếp thu bởi sức ỳ của tư tưởng và cơ chế tập trung quan liêu. Các trường phổ thông tư thục, quốc tế tại Việt Nam, cũng coi giáo dục khai phóng như là tư tưởng nền tảng trong hệ thống giáo dục của nhà trường. Có thể khẳng định rằng giáo dục phổ thông Việt Nam nói chung và việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nói riêng không thể thành công nếu không được đặt trong môi trường liberal education.

5. Quá trình thực hiện dự án chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang chú trọng nhiều đến trách nhiệm của nhà trường và đội ngũ các thầy, cô giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trực tiếp ở cơ sở với những yêu cầu về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, yêu cầu nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy. Tiếp cận pháp lý cho thấy để thực hiện được yêu cầu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong toàn bộ hệ thống thì sự đòi hỏi ấy phải đặt trước hết đối với cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và toàn bộ bộ máy nhà nước trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và trong sự nghiệp phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nhà nước và các cơ quan công quyền, các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục phải là chủ thể hàng đầu thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Phải hướng tới một bộ máy nhà nước công tâm, khách quan, từ bộ máy trọng tâm là “quản lý” sang một bộ máy phục vụ, một nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và để phát triển giáo dục.

Có thể nói trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng tìm tòi, tham khảo nhiều mô hình giáo dục của các quốc gia tiên tiến áp dụng vào Việt Nam nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn là do một phần vì tiếp thu chắp vá theo kiểu “đẽo cày giữa đường”, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và cơ chế quản lý giáo dục Việt Nam chậm đổi mới, chưa phù hợp cho việc áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, càng áp dụng nhiều mô hình thì càng làm cho nền giáo dục rối rắm, nhiều khi không có đường ra. Điều đó không chỉ để lại hậu quả chậm phát triển cho đất nước mà còn biến nhiều thế hệ thầy và trò thành “chuột bạch” với nhiều thử nghiệm, thực nghiệm, thí điểm. Sản phẩm của ngành giáo dục dù là con người nhưng cũng đã chỉ là những chương trình “thực nghiệm” quá nhiều và dài đến mức Chủ tịch Quốc hội phải ngạc nhiên nói trước Quốc hội rằng: thực nghiệm gì mà kéo dài đến hàng chục năm như vậy. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác nhanh chóng áp dụng thành công các mô hình giáo dục tiên tiến vì trong cơ chế quản lý nhà nước nói chung cũng như quản lý giáo dục nói riêng, các quốc gia đó chỉ tập trung quản lý vĩ mô, đường hướng chiến lược, hệ thống pháp luật, chủ yếu là kiến tạo phát triển chứ không nặng về chia ghế quản lý, “kiểm soát” và “chủ quản” như ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội quốc gia trong đó đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, phát huy được tối đa tính chủ động, năng lực sáng tạo của các cơ sở giáo dục và của người thầy trong “giáo dục khai phóng”, trong xây dựng chiến lược phát triển nhà trường; trong xây dựng nội dung, chương trình giáo dục và sách giáo khoa và trong đổi mới phương pháp dạy và học của thầy và trò.

Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã nêu rõ mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.” Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa là một trong những đột phá quan trọng, thực hiện thành công các nghị quyết này của Quốc hội sẽ tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, tuy nhiên việc triển khai thực hiện mới chỉ đang ở vạch xuất phát và có rất nhiều việc phải làm.

PGS. TS. LS. CHU HỒNG THANH
Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-luat-su-thuc-hien-tro-giup-phap-ly.html