(LSVN) - Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó quy định rõ tiếp tục tập trung nguồn lực cải cách tiền lương, BHXH.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2023 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng dự toán chi phải quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ.
Các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng dự toán chi NSNN phải tính đến việc tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII);
Ưu tiên nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở ở những nơi cần thiết, cấp bách. Ngoài ra, tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Chú trọng cải cách hành chính theo hướng hiện đại, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiết giảm chi phí.
Các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng dự toán chi NSNN phải đảm bảo nguyên tắc chung đó là đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, các luật có liên quan; các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách, chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.
HÀ ANH
Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa