(LSO) - Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích những điểm mới về tội "Buôn bán hàng giả" theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Qua đó đưa ra một số hạn chế còn tồn tại và việc hoàn thiện pháp luật là vấn đề cần tiếp tục được đặt ra.
1. Tội buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Tội "Buôn bán hàng giả" đã được quy định trong các văn bản luật trước đây và được hoàn thiện hơn trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Về khái niệm như thế nào là hàng giả vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 do Chính phủ ban hành, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (Nghị định số 185 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2015). Tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015)[1] quy định về hàng giả theo hình thức liệt kê bao gồm:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng kí;
b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;”
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng kí lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
h) Tem, nhãn, bao bì giả”.
Trên đây là những quy định cơ bản nhất về hàng giả và cũng là những đặc điểm để nhận biết hàng giả. Nhưng nhìn chung, các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định toàn diện, tổng quát nhất về khái niệm hàng giả.
Hàng giả là đối tượng của hành vi buôn bán hàng giả. Mức độ nguy hiểm của hành vi này đối với nền kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ngày càng nghiêm trọng, chính vì vậy kể từ khi Pháp lệnh năm 1982 được ban hành, sau đó là BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 ra đời và hiện nay là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội buôn bán hàng giả được quy định ngày càng hoàn thiện và cụ thể hơn và tùy từng trường hợp bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội "sản xuất, buôn bán hàng giả" và 01 khung quy định các mức phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau [2]:
* Đối với cá nhân phạm tội, điều luật quy định xử phạt như sau:
- Khung 1 quy định phạt tiền từ100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này. Bao gồm các trường hợp: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.0000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Khung 2 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Buôn bán qua biên giới; Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với các trường hợp sau đây: Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên; Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; đ) Làm chết 02 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Khung 4 quy định hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
* Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, điều luật quy định xử phạt:
- Khung 5 quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội này, cụ thể:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Theo quy định như trên, tên gọi của Điều 192 dễ khiến cho chúng ta nhầm tưởng điều luật này chỉ quy định một tội danh nhưng thực chất đó là hai tội danh “Tội sản xuất hàng giả” và “Tội buôn bán hàng giả”. Bởi hai tội này có cấu thành tội phạm tương tự nhau; tính chất của các hành vi phạm tội này đều là gian dối để đánh lừa người tiêu dùng khiến cho họ nhầm lẫn các hàng hóa giả với hàng hóa thật; hậu quả của hai hành vi phạm tội tác động trực tiếp đến nền sản xuất kinh tế nói chung, chính sách quản lý thị trường và lợi ích của người tiêu dùng nói riêng … Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích những điểm mới về tội buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Qua đó đưa ra một số hạn chế còn tồn tại và việc hoàn thiện pháp luật là vấn đề cần tiếp tục được đặt ra.
So với Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có những sửa đổi, bổ sung quan trọng phù hợp với thực tiễn xét xử đó là:
- Thứ nhất, về hình phạt: Nếu khoản 1 Điều 156 BLHS 1999 chỉ quy định hình phạt tù từ 06 (tháng) đến năm năm thì BLHS 2015 ngoài hình phạt tù còn quy định thêm hình phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1000.000.000 đồng.
- Thứ hai, về dấu hiệu định lượng số tiền thu lợi bất chính: Dấu hiệu định lượng số tiền thu lợi bất chính theo quy định của BLHS 1999 chưa quy định rõ mà chỉ quy định một cách chung chung “Thu lợi bất chính lớn”, cách quy định như vậy dễ gây ra nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất. BLHS 2015 đã quy định cụ thể hơn như tình tiết định khung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 “Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tại điểm e khoản 2 “Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
- Thứ ba, về các tình tiết được bổ sung mới: BLHS 2015 đã bãi bỏ tình tiết định khung “Gây hậu quả rất nghiêm trọng” trong BLHS 1999 và bổ sung các tình tiết định khung mới như “Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; buôn bán qua biên giới.
Quy định của BLHS 2015 cho thấy mức độ nguy hiểm của hành vi buôn bán hàng giả ngày càng cao, không chỉ đối tài sản, vật chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người. Những quy định cụ thể trên sẽ giúp cho Tòa án dễ dàng xác định hành vi phạm tội cũng như định khung hình phạt; xóa bỏ sự vướng mắc bấy lâu nay khi áp dụng tình tiết định tính khi tuyên án, tránh được sự tùy tiện của những người áp dụng pháp luật; phù hợp trình độ dân trí nước ta. Tuy nhiên, cách quy định số tiền thu lợi bất chính, thiệt hại về tài sản là một con số cụ thể dễ dẫn tới việc pháp luật bị “lạc hậu”, cần phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.
- Thứ tư, về chủ thể chịu trách nhiệm hình sự: Pháp luật hình sự Việt Nam từ trước tới nay luôn áp dụng nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, BLHS 2015 được xây dựng và ban hành, một vấn đề hoàn toàn mới được đưa ra thảo luận và thống nhất quy định trong bộ luật này đó là trách nhiệm hình sự của pháp nhân. BLHS 2015 dành 01 Chương XI để quy định việc áp dụng pháp luật hình sự, điều kiện, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đối với các tội phạm về kinh tế, trong đó có tội buôn bán hàng giả, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng được đặt ra bởi tình hình diễn biến tội phạm ngày càng phức tạp, nhiều vụ án có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội do pháp nhân thực hiện.
Khoản 5 Điều 192 quy định “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Đối với tội "Buôn bán hàng giả", việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là hợp lý. Bởi vì: Nhiều pháp nhân kinh doanh buôn bán hàng hóa hiện nay vì lợi ích tập thể, lợi ích pháp nhân mà bất chấp thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, thu lợi bất chính. Nếu chỉ xử lý hình sự đối với người đại diện, người được ủy quyền hoặc những nhân viên thừa hành thực hiện thì sẽ bỏ lọt tội phạm, trái với nguyên tắc công bằng trong pháp luật hình sự. Có thể việc kí kết hợp đồng buôn bán là do người đại diện thực hiện, vận chuyển, trao đổi hàng giả là do người của pháp nhân tiến hành nhưng đó là vì lợi ích của pháp nhân, lợi ích chung của tất cả nhân viên.
2. Tội buôn bán hàng giả nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn áp dụng
Những khó khăn, vướng mắc khi xét xử các vụ án về tội "Buôn bán hàng giả" quy định trong các Bộ luật trước đây đã được hoàn thiện hơn tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và đạt nhiều kết quả tích cực trong xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật. Bên cạnh đó, việc tồn tại những hạn chế là điều không tránh khỏi, tác giả xin đưa ra một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, sự phân định không rõ ràng giữa tội danh “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Tội sản xuất hàng giả” và “Tội buôn bán hàng giả”. BLHS quy định hai tội danh trong cùng một điều luật bởi hai hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có cùng đặc điểm về cấu thành tội phạm cũng như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp thực tế, BLHS quy định gộp chung như vậy khiến việc định tội danh cho hành vi phạm tội của một người thiếu sự chính xác.
Thứ hai, vấn đề xác định “Tội buôn bán hàng giả” và “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là hành vi chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, xuất xứ hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam. Hàng hóa xâm phạm quyền SHCN chính là đối tượng của các dạng hành vi trái phép trên. Sản phẩm bị coi là hàng hóa xâm phạm quyền SHCN khi một chủ thể không phải chủ sở hữu, không phải là người có quyền sử dụng hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa ... đang trong thời hạn bảo hộ mà thực hiện những hành vi xâm phạm như trên để sản xuất ra các sản phẩm, lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán hàng hóa xâm phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giữa hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHCN có một bộ phận bị trùng nhau. Đó là trường hợp hàng giả về hình thức và hàng xâm phạm quyền SHCN đối với kiểu dáng công nghiệp và các đối tượng chỉ dẫn thương mại như: nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý … Sự phân định ranh giới giữa hai đối tượng này trên thực tế có một ý nghĩa rất to lớn. Có thể đưa ra một ví dụ như sau: Công ty T. sản xuất nước uống tăng lực có nhãn hiệu “Redbull và hình” đã được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Một công ty A của Việt Nam cũng sản xuất nước uống tăng lực và gắn lên sản phẩm của mình nhãn hiệu “Redbull” và hình hai con bò húc nhau. Với cách trình bày bao bì sản phẩm hoàn toàn giống với cách trình bày bao bì sản phẩm nước uống tăng lực của Công ty T..
Trong trường hợp này nếu sản phẩm nước uống tăng lực của Công ty A bị coi là hàng giả thì họ sẽ bị xử lý về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Tuy nhiên, nếu sản phẩm của Công ty A bị coi là hàng xâm phạm quyền SHCN thì họ sẽ bị xử lý theo một tội danh khác, đó là “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Và lẽ đương nhiên, Tòa án áp dụng hình phạt được nhà làm luật quy định tại hai điều luật tương ứng trên có sự khác nhau hoàn toàn [3].
Thứ ba, về hình phạt: Người phạm tội thuộc tình tiết định khung theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 192 “Làm chết 02 (hai) người trở lên” thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Theo quan điểm của tác giả, hình phạt như vậy vẫn còn nhẹ chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm. Buôn bán hàng giả với số lượng lớn làm chết nhiều người cũng có thể hiểu là cố ý làm chết người một cách gián tiếp. Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn có sự khoan hồng đối với hành vi phạm tội, người phạm tội nhưng trong những trường hợp đặc biệt khác cũng cần có ngoại lệ, như đối với trường hợp tác giả đã trình bày.
Áp dụng Pháp luật để quyết định hình phạt theo tinh thần cải cách tư pháp đó là hạn chế đến mức thấp nhất áp dụng hình phạt tù có thời hạn và tăng cường các hình phạt khác mà vẫn đảm bảo tính răn đe, giáo dục người phạm tội tích cực cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội. Trong trường hợp phạm tội buôn bán hàng giả thuộc tình tiết định khung hình phạt làm chết 02 (hai) người trở lên theo quy định như điểm c khoản 3 Điều 192 Bộ luật hình sự ngoài áp dụng hình phạt tù như điều luật quy định thì có thể tăng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền quy định tại khoản 4 ở mức cao hơn điều luật quy định.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích trên đây, nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, tác giả kiến nghị:
Thứ nhất, về khái niệm “hàng giả”. Mặc dù, tội buôn bán hàng giả đã được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam từ rất lâu; tuy nhiên, đối tượng “hàng giả” chỉ được các văn bản đưa ra theo hình thức liệt kê các dấu hiệu để nhận biết hàng giả chứ không có khái niệm cụ thể. Do đó, qua tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu luật học, các bài viết đăng trên Tạp chí luật học, Tạp chí Tòa án nhân dân, Tạp chí kiểm sát……Có thể xây dựng khái niệm hàng giả như sau: “Hàng giả là tất cả các loại hàng hóa được sản xuất trái pháp luật dựa trên các hàng hóa đã có trên thị trường, có những đặc điểm, tính chất, kiểu dáng và các thông tin dấu hiệu của hàng thật nhưng không đủ tiêu chuẩn chất lượng quy định, gây nhầm lẫn với hàng hóa đang được bảo hộ nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng và thu lợi bất chính”.
Thứ hai, về đối tượng tác động của tội buôn bán hàng giả. BLHS năm 2015 cũng như BLHS năm 1999 đã tách đối tượng hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và phân bón, giống cây trồng, vật nuôi … Tại BLHS 2015 lần lượt là đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 193, 194, 195, do tính chất nguy hiểm của những loại hàng hóa đó đối với sức khỏe, tính mạng của con người cũng như nền sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, BLHS 2015 lại không quy định cụ thể đối với đối tượng là “vật liệu xây dựng” là một trong những tình tiết định khung tăng nặng là không hợp lý. Bởi vì, tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như lương thực, thực phẩm; không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống cây trồng … nhưng vật liệu xây dựng giả khi đưa vào xây dựng các công trình đường sá, cầu cống, nhà cao tầng, đập thủy điện sẽ tiềm tàng nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng của con người, tài sản của người dân cũng như ngân sách nhà nước và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng.
Chính vì vậy, đối với trường hợp buôn bán vật liệu xây dựng giả mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ áp dụng khoản 1 Điều 192 để xử lý người phạm tội. Nếu hành vi phạm tội đã gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì áp dụng khoản 2, khoản 3 tương ứng của Điều 192 để định khung hình phạt đối với bị cáo.
Thứ ba, quy định về hình phạt. Tội buôn bán hàng giả thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Mục đích đấu tranh phòng chống loại tội phạm này là giữ vững sự ổn định về kinh tế, khắc phục những thiệt hại mà hành vi phạm tội gây ra; do đó, đường lối xử lý đối với các tội phạm về kinh tế nói chung, tội buôn bán hàng giả nói riêng khá mềm dẻo, chủ yếu nhằm mục đích tạo điều kiện để giáo dục người phạm tội nên thường áp dụng các hình phạt tù có thời hạn, cải tạo không giam giữ, phạt tiền.
So với Bộ luật Hình sự năm 1999, BLHS 2015 đã có sửa đổi, bổ sung mới đó là ngoài hình phạt tù còn quy định hình phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với tội buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, như tác giả đã phân tích ở trên, đối với tình tiết định khung hình phạt “Làm chết 02 người trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 192 áp dụng hình phạt tù từ 07 đến 15 năm là còn nhẹ so với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm. Đối với trường hợp này nên chăng quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung theo quy định ở khoản 4 Điều 192 Bộ luật hình sự ở mức cao hơn so với mức điều luật đã quy định là từ “20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
[1] Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. [2] Xem Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). [3] Đọc bài viết “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo BLHS 2015” tại trang web: http://ttpc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=5f4dcdbc-6a37-479f-9f85-38b21b5e98eb |
PHÙNG VĂN HOÀNG Tòa án quân sự khu vực, Quân khu 1 |