Ảnh minh họa.
Tội phạm này được quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó:
1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" là tội phạm đã được quy định tại Điều 181a Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19/6/2009. Như vậy, không phải ngay từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1999 tội phạm này đã được quy định. Việc Quốc hội quy định tội phạm này nhằm đáp ứng tình hình kinh tế - xã hội thay đổi.
So với Điều 181a Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung sau:
- Bãi bỏ các tình tiết: “Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 181a Bộ luật Hình sự năm 1999, mà quy định các tình tiết: “Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng và gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên, được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Bãi bỏ tình tiết “thu lợi bất chính lớn” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 181a Bộ luật Hình sự năm 1999, mà quy định tình tiết “thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng" và “thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên” được quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Bổ sung tình tiết người phạm tội phải là người “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là tình tiết định tội quy định tại điểm c khoản 1 của điều luật.
- Về hình phạt, giảm mức thấp nhất của khung hình phạt tù quy định tại khoản 1 của điều luật xuống còn 03 tháng, thay vì 06 tháng như khoản 1 Điều 181a.
- Đặc biệt, Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội phạm này và được quy định tại khoản 4 của điều luật.
Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Đối với người phạm tội
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai có năng lực hành vi và đến một độ tuổi nhất định đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này (không có Điều 209).
Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, chủ thể của tội phạm này phải là những người tham gia vào hoạt động chứng khoán, thường là người làm việc trong các công ty chứng khoán mới có thể thực hiện hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Cũng như đối với các tội phạm khác mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại phải là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm này nếu chưa gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên, thì phải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến hoạt động chứng khoán.
Hoạt động chứng khoán là việc trao đổi, mua bán cổ phiếu chủ yếu được thực hiện trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán giúp chủ thể thiếu vốn huy động được vốn và chủ thể có vốn đầu tư sinh lời. Vì vậy, thị trường chứng khoán còn gọi là thị trường vốn. Nếu bị công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin thì sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành chứng khoán thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, mua quyền chọn bán, bản hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán.
Thị trường chứng khoán là một tập hợp bao gồm những người mua và người bán cổ phiếu (hay chứng khoán), đại diện cho quyền sở hữu của họ đối với một doanh nghiệp; chúng có thể bao gồm các cổ phiếu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đại chúng, hoặc những cổ phiếu được giao dịch một cách không công khai. Ví dụ: Cổ phần của một công ty tư nhân được bán cho các nhà đầu tư thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng. Những khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán hầu hết được thực hiện thông qua môi giới chứng khoán và nền tảng giao dịch điện tử.
Sàn giao dịch chứng khoán là nơi mà những người môi giới chứng khoán và nhà giao dịch có thể mua và bán cổ phần thông qua cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán.
Trong thị trường, có nhiều công ty lớn niêm yết cổ phiếu của họ trên một sàn giao dịch chứng khoán nào đó. Điều này giúp cho cổ phiếu của họ có tính thanh khoản cao hơn và do vậy, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Sàn giao dịch cũng đóng vai trò như một bên bảo lãnh cho giao dịch mua bán. Các cổ phiếu khác có thể được giao dịch “qua quầy” (OTC), có nghĩa thông qua đại lý. Một số công ty đủ lớn thậm chí còn niêm yết cổ phiếu của họ tại nhiều hơn một sàn giao dịch ở các quốc gia khác nhau để thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ
Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết