Ảnh minh họa.
Theo Điều 343 của Luật Gia Long: “Phàm kẻ nào đánh bạc ăn tiền thì đều bị xử phạt 80 trượng; những tiền của, đồ vật bắt được tại sòng bạc ấy đều đem sung công. Người đứng ra mở nhà chứa bạc ấy (tuy không dự vào hạng người đánh bạc) cũng bị xử cùng một tội y như là người đánh bạc, chỗ nhà đánh bạc ấy bị đem sung công. Nhưng phải có người nào phát hiện tố cáo và bắt được việc đánh bạc ngay tại trận, có tiền bạc đầy đủ thì mới được phép bắt tội. Nếu quan chức mà phạm tội đánh bạc thì bị xử gia nặng thêm 1 bậc. Nhưng nếu chỉ là việc ăn uống cùng nhau và đánh bài đề vui chơi thì không bắt tội".
Trong phần Giải thích, nhà làm luật đã nói rõ, quen nghề đánh bạc ắt là hại bỏ phế nghề nghiệp, làm tiêu hao về tiền của, khác gì là bọn vô công rồi nghề, con người hư nát, cho nên đặc biệt phải đặt ra điều luật này.
Phàm đánh bạc ăn tiền thì đều bị phạt 80 trượng, và cùng đánh bạc thì không chia ra thủ tòng. Lấy hết tất cả số tiền bạc đang bày ra ở hiện trường của sòng bạc đem cho vào kho của nhà nước.
Kẻ đứng ra mở sòng bạc tại nhà mình để cho bọn đánh bạc tụ tập đến sát phạt, thì dù y không ngối cùng đánh bạc với đám tụ tập đó thì cũng bị phạt 80 trượng và sòng bạc đem nhập vào tài sản của nhà nước.
Nếu chỉ nghe người tố giác về sòng bạc và không bắt được việc đánh bạc ngay tại trận thì không đủ bằng chứng để xử phạt, vì nếu làm như thế thì sẽ rơi vào bẫy của những kẻ vu oan giá họa nhằm hãm hại người khác.
Còn đối với quan chức mà đánh bạc thì làm sao nêu gương và răn trị người khác được? Cho nên phải tăng bậc tội, phạt 90 trượng đôi với quan chức phạm tội. Còn như trong khi tiệc tùng có đánh bài để vui chơi thì không bắt tội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành về tội “Đánh bạc” tại Điều 321 Bộ luật Hình sự, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng quy định độc lập tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”, theo đó, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
- Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
- Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
- Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
CẨM NGỌC
Pháp luật triều Nguyễn quy định về chế tài của điều kiện kết hôn