Trần Nhân Tông - Thơ ngắn tình sâu

28/05/2019 22:04 | 4 năm trước

LSVNO - Đây là bài thơ vua Trần Nhân Tông viết nhân việc tặng bánh cho Trương Hiển Khanh, nhân ngày Hàn thực (ăn lạnh) mồng 03 tháng 3 (lịch âm).

LSVNO - Đây là bài thơ vua Trần Nhân Tông viết nhân việc tặng bánh cho Trương Hiển Khanh, nhân ngày Hàn thực (ăn lạnh) mồng 03 tháng 3 (lịch âm).

Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính

Giá chi vũ bãi thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An Nam.

Dịch nghĩa.

Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh

Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba.

Bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm,

Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.

Dịch thơ.

Bản dịch của Trần Lê Văn:

Múa giá chi rồi, thử áo xuân,

Hôm nay, hàn thực, buổi thanh thần.

Bánh rau đầy đặn như hồng ngọc,

Nước Việt, tục nay theo cổ nhân.

Bản dịch của Vũ Bình Lục:

Múa giá chi, thử áo xuân,

Gặp ngày ăn lạnh, thêm phần vui chung.

Bánh rau như ngọc đầy mâm,

An Nam tục cũ người dân vẫn dùng.

Trương Hiển Khanh là sứ thần nhà Nguyên sang nước ta. Thơ Trần Thái Tông (Trần Cảnh) cũng có bài “Tống Bắc sứ Trương Hiển Khanh”. Ông Trương Hiển Khanh sang sứ nước ta ít nhất là ba lần, sống ở Đại Việt khá lâu, nên rất hiểu phong tục tập quán của người Đại Việt.

Vả chăng, Đại Việt ta trước đó chỉ là một trong hàng trăm tộc Việt (Bách Việt) của nước Nam Việt rộng lớn thời nhà Triệu (Triệu Đà - Triệu Vũ Đế) mà thôi. Ở thời kỳ Trung đại, nước ta cũng dùng chữ Hán làm văn tự chính thống, nên việc giao lưu với người phương Bắc khá dễ dàng. Vả chăng, ngài Trương Hiển Khanh cũng có lẽ là người trong Bách Việt mà đất đai của tổ tiên chính là vùng phía Nam núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ra tới bán đải Hải Nam thuộc Trung Quốc bây giờ), trong đó có Đại Việt ta…

Đây là bài thơ vua Trần Nhân Tông viết nhân việc tặng bánh cho Trương Hiển Khanh, nhân ngày Hàn thực (ăn lạnh) mồng 3 tháng 3 (Lịch Âm). Thực ra, ngày 03 tháng 3 thường gọi là “Tết” Hàn thực (ăn đồ lạnh), bắt nguồn từ câu chuyện về Giới Tử Thôi, một vị trung thần khai quốc của nước Tấn đời vua Tấn Văn Công, thời kỳ Chiến Quốc bên Tàu.

Thời kỳ lưu vong, công tử Trùng Nhĩ chạy trốn ra nước ngoài, đói khát, hoạn nạn, vô cùng vất vả. Giới Tử Thôi có lần phải tự xẻo thịt đùi của mình nấu cháo cho Trùng Nhĩ. Hoạn nạn qua, công tử Trùng Nhĩ về nước, lên ngôi Hoàng đế nước Tấn (Tấn Văn Công).

Vua cho tìm Giới Tử Thôi về triều làm quan, cùng hưởng phú quý, nhưng ông Giới Tử Thôi kiên quyết không màng, rồi đem vợ con chạy trốn vào núi để khỏi bị làm phiền. Bí quá, Tấn Văn Công phải nghe theo cái mẹo vặt của một mưu sĩ, sai đốt rừng, cốt chỉ để Giới Tử Thôi thấy lửa mà buộc phải ra.

Tuy nhiên, Giới Tử Thôi đành chịu chết cháy, chứ không chịu về triều làm quan hưởng lộc. Tấn Văn Công thương xót quá, bèn ra lệnh cho toàn dân, lấy ngày Giới Tử Thôi chết cháy (03/3) là ngày Hàn thực (ăn đồ lạnh), không nhà nào được phép đốt lửa thổi cơm.

Thế nên, mọi nhà đều làm bánh từ trước để ăn. Tục này truyền sang nước ta và được tiếp nhận như một lẽ tự nhiên, đã trải bao đời, đến nay vẫn còn mà nào có mấy ai hiểu gốc rễ cội nguồn của nó.

Ở đời nhà Trần, nước An Nam phong tục còn đạm bạc lắm. Có tục đàn ông cởi trần, xăm hình kỳ quái trên thân thể, để khi xuống nước thì thủy quái nom thấy phải sợ. Thế nên:

Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba.

Theo các nhà nghiên cứu, múa giá chi có thể là một điệu múa đơn giản của người Đại Việt thời xưa. Múa hát rồi cùng nhau ăn uống. Múa giá chi, sách Việt âm thi tập chú rằng nó vốn là “thác bạc vũ”, chép lầm thành quen. Còn như “thử tấm áo ngày xuân” là gì vậy?

Có người đoán rằng đó có thể là một điệu múa cổ như múa giá chi chẳng hạn. Trộm nghĩ, đấy có thể cũng là một tục mặc áo mới nhân ngày đầu xuân chẳng hạn, chứ chưa chắc đã phải là tên một điệu múa.

Múa giá chi, có thể là người ta cởi trần để múa, sau nữa thì đến “mặc áo xuân”, rồi cùng nhau ăn bánh nhân ngày “tết” Hàn thực ? Mà bánh cũng là “Bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm”.

Bánh rau, đoán là thứ bánh làm bằng rau. Rau là nguyên liệu chủ đạo, ví như bánh cúc, làm bằng rau cúc chăng? Tác giả khẳng định: “Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay”.

Bài thơ giới thiệu vài chi tiết phong tục của người Việt cổ xưa, như một nét văn hóa dân gian mộc mạc, thuần phác mà đôn hậu. Bánh đem tặng vị sứ thần, không phải là cao lương mĩ vị gì, chỉ là thứ bánh làm bằng rau, nhưng đó là tấm lòng chân thật của nước chủ nhà, một nước có chủ quyền, độc lập, văn hóa phong tục tập quán riêng. Thâm ý của vua Trần Nhân Tông quả là cao diệu và sâu sắc lắm!

Lê Hoàng (theo Văn hiến)