Ngày 15/3/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, sự việc cô gái 24 tuổi qua thời gian quen biết một đối tượng trên mạng xã hội đã nhẹ dạ gửi video, hình ảnh nhạy cảm của mình cho anh ta. Sau đó nạn nhân đã liên tục bị đối tượng đe dọa tống tiền với tổng số tiền lên đến 35 triệu đồng. Chỉ đến khi nạn nhân trình báo cơ quan công an về sự việc trên thì hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” của nghi phạm mới chấm dứt.
Có thể nói, đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm quyền hình ảnh cá nhân trong thời gian qua mà dư luận rất quan tâm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân bị "lộ" thông tin, mà nó đã làm "bẩn" môi trường mạng xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của độc giả, nhất là giới trẻ.
Chế tài có nhẹ?
Về nguyên nhân, theo Th.S Nguyễn Anh Đức, Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, có nhiều động cơ khác nhau dẫn tới hành vi phát tán hình ảnh, băng hình hoặc những thông tin riêng tư, nhạy cảm của người khác trên các phương tiện truyền thông. Một số động cơ điển hình như để trả thù, để đe dọa nhằm ép nạn nhân phải thực hiện hoặc không được làm một việc nào đó, hoặc đơn giản chỉ nhằm khoe khoang thành tích thu thập thông tin… Những dạng hành vi này không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đó chỉ là việc chúng ta đang được chứng kiến ngày càng nhiều hơn.
“Những hiện tượng như vậy có thể xuất phát bởi các nguyên như sự mâu thuẫn giữa các bên, nhu cầu về tài sản, nhu cầu chứng minh năng lực bản thân, các chuẩn mực của xã hội được kiến thiết trước đó chưa kịp ứng phó với các hành vi, hiện tượng đang xuất hiện và lan tỏa rộng rãi trên môi trường số như hiện nay. Thậm chí, ở một số quốc gia phát triển sau, tình trạng quá tập trung vào các lợi ích kinh tế cũng khiến cho mối quan tâm về các vấn đề đạo đức, pháp lý trở nên “mờ nhạt” cả ở đời thực và trên không gian mạng", Th.S Anh Đức chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Trưởng VPLS SB Law, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay: Hiện nay, tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định tương đối đầy đủ về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của người khác mà chưa có sự đồng ý của người có hình ảnh thì người đó có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng VPLS Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá, quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam đã nêu được cơ bản vấn đề về hình ảnh của cá nhân đó là ai là người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Còn các hành vi tung ảnh, video nhạy cảm của người khác lên mạng có thể sẽ bị xử lý hình sự về “ Tội làm nhục người khác”, “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Bộ luật Hình sự năm 2015… nếu phù hợp với cấu thành của từng tội.
Tuy pháp luật đã quy định tương đối các vấn đề liên quan đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong pháp luật dân sự, hành chính và cả hình sự, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế khiến cho việc thực hiện không được như mong đợi.
“Trước hết, nội hàm của quyền riêng tư hầu như không thay đổi trong suốt mấy chục năm (qua ba, bốn lần sửa đổi Bộ luật Dân sự) nên chưa đáp ứng được với sự thay đổi về môi trường sinh hoạt của con người trên không gian mạng. Kế đến, bản thân pháp luật chưa chỉ rõ những giới hạn, ranh giới của việc truyền bá thông tin khiến cho một số trường hợp phát tán thông tin mà không biết là có vượt quá ranh giới, giới hạn hay không. Và do, pháp luật quy định chưa rõ và chưa khả thi về trách nhiệm, chế tài áp dụng đối với những chủ thể vận hành các phương tiện truyền thông”, Th.S Anh Đức nói.
Cần sớm làm "sạch" môi trường mạng
Để những video, hình ảnh nhạy cảm không còn “đất sống” trên không gian Internet, trước hết, các nhà cung cấp mạng xã hội cần hình thành nên cơ chế “duyệt” tin trước khi cho phép cá nhân phổ biến, lan truyền tin tức. Đặc biệt, đối với những sản phẩm truyền thông có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác thì nhà mạng phải từ chối đăng tải và báo cáo vi phạm này đối với chủ sở hữu video, hình ảnh nhạy cảm.
Đồng thời, trong lĩnh vực công nghệ-truyền thông, pháp luật cần có những quy định về việc thu thuế với các sản phẩm được đăng tải, cụ thể cần làm rõ động cơ, mục đích của việc đăng tải của chủ sở hữu để từ đó có thể miễn phí hoặc áp dụng mức thuế phù hợp. Trong trường hợp nếu sản phẩm truyền thông của tổ chức, cá nhân được “duyệt” đăng thì cần phải cung cấp thông tin cho nhà mạng để khi xảy ra tình trạng xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba thì việc truy xuất người đăng tải sẽ dễ dàng hơn.
Pháp luật hiện hành cần làm rõ cần làm rõ các quy định liên quan đến các quyền dân sự như: quyền riêng tư, quyền của cá nhân đối với hình ảnh và ranh giới trong việc xác định giữa các quyền. Từ đó cá nhân sẽ nhận diện được giữa hành vi được pháp luật cho phép và không được phép, Th.S Anh Đức đề xuất.
Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng vi phạm trên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tăng mức phạt tiền của cả biện pháp hành chính lẫn hình sự bởi lẽ việc xử phạt không chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả mà còn để răn đe, giáo dục và phòng ngừa những cá nhân khác.
Chính mỗi cá nhân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật cho bản thân để có các biện pháp ứng phó kịp thời khi có trường hợp xấu xảy ra. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự để mọi người hiểu được việc đăng tải ảnh, video nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội, trong một số trường hợp dù được người đó đồng ý đi chăng nữa thì vẫn bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Từ đó, sẽ giúp mọi người hiểu hơn về giới hạn trong việc sử dụng hình ảnh của người khác.
VŨ THỦY
Bắt giữ đối tượng tống tiền bằng video nhạy cảm sau 3 năm lẩn trốn