(LSVN) - Khi tiếp nhận phản ứng tiêu cực của dư luận, cô X. đã thừa nhận hành vi sai trái của mình, tưởng rằng sự ăn năn hối lỗi này có thể được xã hội tạm bỏ qua nhưng ngay sau đó cô lại “biện minh” về việc 21 hoc sinh sử dụng 8 lon bia là… không sao!
Liên quan đến vụ việc cô giáo N.T.X, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A6, Trường THCS Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) không ngăn cản, trái lại còn uống bia cùng với học sinh và quay clip đăng lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận trong những ngày vừa qua.
Về mặt pháp lý, hành động khuyến khích người dưới 18 tuổi sử dụng đồ uống có còn của cô X. đã vi phạm cùng lúc nhiều quy định pháp luật, như: Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; Luật An ninh mạng…
Khi tiếp nhận phản ứng từ phía dư luận xã hội, cô X. đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, sau khi "nhận lỗi", cô giáo này lại “biện minh” rằng: "21 em chỉ có 8 lon bia, bia Hà Nội thì chỉ có 10-12 độ thôi, không làm cho các em say được, bởi vì tôi đã kiểm soát được các em. Đến giờ phút này chưa có phụ huynh nào nói cô đầu độc các em, cô xúi giục các em hay là cô ép buộc các em uống”.
Ở góc độ xã hội, dư luận thật sự "sốc" với cách giải thích này của cô giáo. Vốn dĩ là một người giảng dạy lâu năm, cô X. chắc đã trải qua các lớp tuyên truyền giáo dục pháp luật trong môi trường sư phạm, và cô cũng hiểu được rằng cổ vũ các em học sinh (dưới 18 tuổi) uống bia rượu là vi phạm pháp luật?.
Với trách nhiệm của một giáo viên, thay vì cổ vũ các học sinh uống bia, cô X. phải ngăn cản và chỉ ra những hệ lụy tiêu cực mà thức uống có cồn gây ra đối với độ tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, cô lại cho rằng với gần chục lon bia trên tổng số 21 học sinh sẽ “không đáng là bao” thì hoàn toàn không thể thuyết phục được dư luận. Với người trưởng thành, việc sử dụng rượu, bia vốn đã không được khuyến khích, huống hồ đây chỉ là những học sinh cấp 2.
Usinxki - Nhà giáo dục danh tiếng người Nga từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.
Với hành động của cô X. như vậy, liệu cô có còn đủ niềm tin đối với phụ huynh và dư luận khi đứng trên bục giảng?.
Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ dư luận không cảm thấy bất ngờ khi những "sự cố" xảy ra trong môi trường giáo dục nữa. Phải chăng, giáo dục của chúng ta đang có vấn đề khi càng tiến hành đổi mới lại càng lắm chuyện xảy ra?.
VŨ THỦY