Kêu cứu vì người nhà được mời “ở lại” Công an quận
Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của bà Đ.T.N.T. (trú tại huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thạnh tạm giữ bà Đ.T.Th. (chị gái bà T.) từ 8h ngày 28/6/2023 mà không có văn bản nào gửi cho gia đình thông báo về việc tạm giam, tạm giữ. Bà T. đã liên hệ với Công An quận Bình Thạnh và được các cán bộ điều tra cho biết bà Th. tự nguyện “ở lại” trụ sở Côn an để phối hợp điều tra. Nhận thấy có những dấu hiệu bất thường bà T. đã làm đơn khiếu nại, kêu cứu gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.
Giấy biên nhận, nhận đơn tố cáo của bà T. gửi Công an quận Bình Thạnh.
Ngày 03/7/2023, Công an quận Bình Thạnh đã tiếp nhận đơn tố cáo của bà T. yêu cầu chấm dứt hành vi giữ người trái pháp luật đối với bà Th. và xem xét xử lý trách nhiệm đối với hành vi giữ người trái pháp luật (nếu có).
Một thông báo “4 không”
Cũng theo bà T. đến ngày 12/7/2023 (sau 15 ngày) kể từ ngày chị gái bà được mời “ở lại” tại trụ sở Công an quận Bình Thạnh để phối hợp điều tra thì gia đình bà mới nhận được một văn bản “4 không”: Không ghi số số; không đề ngày; không có căn cứ; cũng không có thời hạn tạm giam… của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thạnh thông báo về việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bà Th. từ ngày 12/7/2023.
Thông báo về việc áp dụng biện pháp tạm giam của Công an quận Bình Thạnh.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Xuân Lai, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để bảo đảm cho công tác kiểm sát giam giữ, tránh vi phạm quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, khoản 3 Điều 86 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định, trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện Kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Thẩm quyền ra lệnh tạm giữ cũng được quy định tại khoản 2 Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về văn bản tố tụng bao gồm: Lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất. Theo quy định này văn bản tố tụng phải ghi rõ: Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng; Căn cứ ban hành văn bản tố tụng; Nội dung của văn bản tố tụng; Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.
Tham chiếu các quy định của pháp luật thì văn bản thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bình Thạnh gửi cho gia đình bà T. là thông báo áp dụng biện pháp tạm giam gửi gia đình người bị tạm giam, theo mẫu của Thông tư số 119/2021/TT-BCA và là một văn bản được quy định tại Điều 132 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, thông báo này không ghi đủ các thông tin như số văn bản, ngày tháng, căn cứ ban hành văn bản… là vi phạm các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
Luật sư Bùi Xuân Lai cũng cho rằng, pháp luật không có quy định về việc tự nguyện xin ở lại trụ sở Công an để phối hợp điều tra. Trường hợp bà Th. được mời “ở lại” cơ quan Công An gần 15 ngày mà không có bất kỳ một lệnh tạm giam tạm giữ là có dấu hiệu giữ người trái luật rất cần được các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ.
TẢ THANH THIÊN
Hoàn thiện quy định pháp luật về chế định ‘Phòng vệ chính đáng’