Ảnh minh họa.
Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Theo Điều 20 của dự thảo, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi đủ 75 tuổi, không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội. Riêng người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thì độ tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi. Định kỳ 3 năm, Chính phủ sẽ rà soát và đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội, báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước.
Liên quan đến quy định này, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận), 75 tuổi là cao so với độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi. Vì vậy, đại biểu đề nghị tính toán hạ độ tuổi này xuống cho phù hợp với thực trạng độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam hiện nay. Như vậy, chính sách này thực sự là mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.
Về điều kiện để được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, có những người đã thỏa mãn được 2 điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội như dự thảo nhưng lại có thu nhập rất cao từ các nguồn khác. Nguồn hỗ trợ có thể từ con cái hoặc là các nguồn thu nhập hợp pháp khác nhưng vẫn thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Mặc dù, người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có quyền từ chối hưởng nhưng quy định này không thu hẹp được đối tượng thuộc diện hưởng.
Từ những vấn đề trên, đại biểu kiến nghị chỉnh quy định thiết kế theo hướng là hạ điều kiện về độ tuổi bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay. Đồng thời, bổ sung thêm điều kiện không có nguồn thu nhập ổn định khác để phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, quy định trong dự thảo luật đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là người đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác, gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng. Quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo luật có nội dung tương tự chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng quy định tại luật Người cao tuổi năm 2009.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, theo Điều 17 luật Người cao tuổi 2009 trợ cấp xã hội hằng tháng này áp dụng cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 17 luật này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức hưởng hiện nay là 360.000 đồng. Còn lại, người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi trong luật Người cao tuổi năm 2009 phải có điều kiện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Có thể thấy quy định trên tại dự thảo luật là bước tiến trong bảo vệ, hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu. Tuy nhiên, cũng cần xét đến mức hưởng có lợi nhất cho chủ thể để đủ điều kiện áp dụng và cân đối chi phí từ ngân sách nhà nước.
MINH ANH