Vài nét về Đoàn luật sư Paris

09/01/2018 00:36 | 6 năm trước

LSVNO - Vào giai đoạn Cách mạng Pháp năm 1789, các đoàn luật sư bị giải tán và mãi đến năm 1810 mới được khôi phục lại. Theo lệnh của Hoàng đế Napoleon, người có thẩm quyền chỉ định ban chủ nhiệm đ...

LSVNO - Vào giai đoạn Cách mạng Pháp năm 1789, các đoàn luật sư bị giải tán và mãi đến năm 1810 mới được khôi phục lại. Theo lệnh của Hoàng đế Napoleon, người có thẩm quyền chỉ định ban chủ nhiệm đoàn luật sư là chưởng lý (như chánh án tòa án cấp phúc thẩm ngày nay).

Lịch sử hình thành

Luật sư là một nghề được pháp luật công nhận và có từ rất lâu đời ở nước Pháp, có lẽ là bắt đầu từ thế kỷ XIII, người làm nghề luật sư phải tuyên thệ và ghi tên mình vào một danh sách chính thức của luật sư theo đơn vị hành chính (thường là cấp tỉnh). Theo một tài liệu còn được lưu giữ tại trụ sở Đoàn luật sư Paris thì danh sách luật sư Paris vào năm 1340 có 51 luật sư.

Rất lâu sau đó, vào khoảng thế kỷ XV, các đoàn luật sư bắt đầu được thành lập, tập hợp những người được đào tạo cơ bản trong ngành luật học, muốn làm việc trong các cơ quan của nhà nước hoặc muốn trở thành thẩm phán tại các cấp tòa án.

Đến thế kỷ XVI, tổ chức đoàn thể của luật sư được chính thức thành lập với sự tham gia của những người hành nghề luật sư, tổ chức này hoàn toàn độc lập với Nhà nước Pháp và độc lập với tòa án. Người đứng đầu đoàn luật sư được gọi là “Batonnier”. Trong tiếng Pháp chữ Batonne có nghĩa là cây gậy, Batonnier là người cầm gậy, ám chỉ đến người vác quyền trượng trong các lễ thánh tổ của nghề luật sư, với ý nghĩa là người chỉ huy, người lãnh đạo đoàn luật sư.

Vào giai đoạn Cách mạng Pháp năm 1789, các đoàn luật sư bị giải tán và mãi đến năm 1810 mới được khôi phục lại. Theo lệnh của Hoàng đế Napoleon, người có thẩm quyền chỉ định ban chủ nhiệm đoàn luật sư là chưởng lý (như chánh án tòa án cấp phúc thẩm ngày nay).

Đến năm 1830, tức là 20 năm sau khi được thành lập lại, Đoàn luật sư Paris cùng với các đoàn luật sư khác trên khắp nước Pháp mới trở thành một tổ chức nghề nghiệp độc lập, hoàn toàn tách khỏi sự kiểm soát của chính quyền, và Đoàn luật sư Paris đã chọn ngày 24/12/1810 - là ngày khôi phục luật sư Paris sau Cách mạng Pháp năm 1789 - làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn.

Đến năm 1830, Đoàn luật sư Paris cùng với các đoàn luật sư khác trên khắp nước Pháp mới trở thành một tổ chức nghề nghiệp độc lập. Ảnh minh họa

Trụ sở

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ở Pháp, mỗi đơn vị hành chính có tòa án cấp phúc thẩm thì có một đoàn luật sư, và cũng theo truyền thống từ xưa, trụ sở đoàn luật sư luôn được bố trí trong trụ sở của tòa án cấp phúc thẩm. Trụ sở Đoàn luật sư Paris có địa chỉ:

Ordre des Avocats à la Cour de Paris

10 bd du Palais, Galerie Marchande

75001 Paris.

Chức năng nhiệm vụ

Là một tổ chức nghề nghiệp độc lập, được Nhà nước ủy quyền để thực hiện các dịch vụ công, Đoàn luật sư Paris đồng thời là tổ chức đại diện và bảo vệ các lợi ích chung của những người hành nghề luật sư ở Paris, bảo vệ lợi ích của những người khiếu kiện, cụ thể như:

- Tổ chức và quản lý việc hành nghề luật sư, quản lý danh sách các luật sư và đồng hành với tất cả các luật sư thuộc Đoàn trong quá trình hành nghề.

- Giám sát và bảo đảm việc tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và xem xét việc kỷ luật đối với luật sư khi có vi phạm.

- Hỗ trợ các hoạt động thường ngày của luật sư, quản lý quỹ Carpa[1].

- Củng cố hệ thống tài liệu, thông tin, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, thu nộp bảo hiểm nghề nghiệp luật sư và các hỗ trợ khác về quản lý văn phòng…

Ngoài những nhiệm vụ với luật sư, Đoàn luật sư còn có những nhiệm vụ đối với những người khiếu kiện như:

- Điều hòa các quan hệ giữa luật sư với khách hàng, giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa khách hàng với luật sư, giữa luật sư với luật sư và giữa luật sư với khách hàng.

- Giúp tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý.

- Hỗ trợ việc bảo vệ lợi ích của người khiếu kiện…

Ban chủ nhiệm

 Thành viên ban chủ nhiệm phụ thuộc vào số lượng luật sư của đoàn luật sư. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Paris có 42 thành viên, là Ban Chủ nhiệm có số lượng thành viên đông nhất trong tất cả các đoàn luật sư ở nước Pháp trên tổng số luật sư ở Paris là 29.000 người.

Thành viên Ban Chủ nhiệm do Đại hội toàn thể bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm và có thể ứng cử lại một lần khi hết nhiệm kỳ. Đối với những người muốn ứng cử lần thứ 2 sẽ thực hiện theo một quy chế riêng.

Hàng năm, Đoàn luật sư tổ chức đại hội để bầu lại 1/3 số thành viên Ban Chủ nhiệm.

Theo quy định của Luật Luật sư ban hành năm 1971, ban chủ nhiệm đoàn luật sư là cơ quan điều hành của đoàn luật sư, có thẩm quyền xử lý mọi vấn đề liên quan đến hoạt động hành nghề của luật sư, xử lý kỷ luật khi luật sư có vi phạm; đại diện và bảo vệ quyền hành nghề cho luật sư, ban hành nội quy đoàn luật sư phù hợp với điều lệ mẫu do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành và quản lý danh sách luật sư của đoàn.

Ban chủ nhiệm lãnh đạo tập thể dựa trên biểu quyết theo đa số.

 Ảnh minh họa.

Chủ nhiệm

Chủ nhiệm đoàn luật sư do đại hội đoàn luật sư trực tiếp bầu ra, với nhiệm kỳ 2 năm. Riêng ở Paris, giữa nhiệm kỳ của Chủ nhiệm đương nhiệm, Đại hội Đoàn luật sư giữa nhiệm kỳ sẽ bầu ra người kế tục chức vụ Chủ nhiệm của Chủ nhiệm đương nhiệm - gọi là Dauphine - là người sẽ thay thế khi Chủ nhiệm hết nhiệm kỳ,  Dauphine có quy chế riêng do nội quy Đoàn luật sư quy định.

Chủ nhiệm đoàn luật sư có nhiệm vụ, quyền hạn riêng theo quy định của Luật Luật sư. Chủ nhiệm không phải là cấp trên hay cấp dưới của ban chủ nhiệm. Chủ nhiệm có trách nhiệm: chủ trì tất cả các phiên họp của ban chủ nhiệm; quản lý, điều hành tất cả các phòng, ban của đoàn luật sư; đại diện cho đoàn luật sư; đưa ra ý kiến (giải thích hoặc xử lý) các vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp luật sư; thành lập các ban giúp việc trong các vấn đề thường xuyên hoặc sự vụ.

Hội đồng kỷ luật

Hội đồng kỷ luật được thành lập và hoạt động độc lập với ban chủ nhiệm. Nhiều đoàn luật sư có thể thành lập một hội đồng kỷ luật theo đề xuất của Liên đoàn Luật sư, gọi là hội đồng kỷ luật luật sư vùng.

Theo quy định của Luật Luật sư năm 1971, sửa đổi bổ sung năm 2004 thì: khi có dấu hiệu vi phạm quy tắc nghề nghiệp, chủ nhiệm đoàn luật sư hoặc người được chủ nhiệm ủy quyền sẽ tiến hành việc điều tra hành vi vi phạm ấy. Giai đoạn này không nằm trong quy trình kỷ luật, mà chỉ là một hoạt động điều tra trinh sát và có thể được tiến hành bí mật.

Sau khi tiến hành việc điều tra và nhận thấy rằng, hành vi vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật, chủ nhiệm đoàn luật sư có thể quyết định không đưa ra hội đồng kỷ luật mà chỉ nhắc nhở đối với luật sư có hành vi vi phạm ấy. Việc nhắc nhở này không bị xem là một hình thức kỷ luật.

Nếu hành vi vi phạm là nghiêm trọng, chủ nhiệm đoàn luật sư có thể quyết định đưa sự việc ra trước hội đồng kỷ luật. Quyết định này tương đương với quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can trong vụ án hình sự. Nếu vụ việc do công tố viên yêu cầu điều tra, thì công tố viên cũng có quyền đưa sự việc ra trước hội đồng kỷ luật, nhưng phải thông báo trước cho chủ nhiệm đoàn luật sư.

Quyết định đưa một luật sư ra hội đồng kỷ luật do chủ nhiệm đoàn luật sư hay do công tố viên, đều phải được gửi tới luật sư bị xem xét kỷ luật và hội đồng kỷ luật đoàn luật sư.

Khi nhận được quyết định đưa luật sư ra hội đồng kỷ luật, hội đồng kỷ luật sẽ chỉ định báo cáo viên, báo cáo viên có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc (tương tự giai đoạn điều tra trong vụ án hình sự), các bên liên quan sẽ được đối chất và nội dung trình bày của các bên sẽ được ghi thành biên bản, trên cơ sở hồ sơ thu thập được, báo cáo viên sẽ có bản kết luận đối với vụ việc. Bản kết luận của báo cáo viên cùng với các tài liệu thu thập được sẽ được lưu vào hồ sơ và gửi cho luật sư bị xem xét kỷ luật nếu có yêu cầu, đồng thời gửi đến hội đồng kỷ luật. Thời gian thẩm tra của báo cáo viên là 4 tháng, có thể gia hạn thêm nhưng không quá 2 tháng.

Hội đồng kỷ luật sẽ ấn định ngày họp và triệu tập các bên. Phiên họp xử lý kỷ luật là công khai, trừ trường hợp hội đồng quyết định phải họp kín theo yêu cầu của một trong các bên liên quan, hoặc khi xét thấy việc công khai có thể gây hại cho đời sống riêng tư của những người liên quan.

Tại phiên họp xét kỷ luật, luật sư bị xem xét kỷ luật được trình bày sự việc, có quyền yêu cầu luật sư đồng nghiệp tham gia bảo vệ và có quyền nói lời nói sau cùng.

Sau phiên họp, hội đồng kỷ luật sẽ tiến hành nghị án và ấn định ngày ra quyết định. Thời gian kể từ khi quyết định đưa ra hội đồng kỷ luật cho đến khi ra quyết định kỷ luật là không quá 8 tháng.

Quyết định kỷ luật có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị, người có thẩm quyền kháng nghị là chủ nhiệm đoàn luật sư hoặc công tố viên và tòa án cấp phúc thẩm trong hệ thống tòa án Nhà nước sẽ xem xét đối với kháng cáo hoặc kháng nghị đó.

Điều cần lưu ý là tòa án cấp phúc thẩm không được quyền tăng nặng hình thức kỷ luật đối với luật sư nếu không có kháng nghị.

Kháng nghị tăng nặng hình thức kỷ luật chỉ được coi là hợp lệ nếu đã được thông báo bằng văn bản cho luật sư bị xử lý kỷ luật.

Quyết định phúc thẩm có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đến Tòa án tối cao.

Không chỉ Đoàn luật sư Paris, gần như tất cả các đoàn luật sư ở nhiều quốc gia khác mà tôi từng biết, hội đồng kỷ luật chỉ làm nhiệm vụ xem xét kỷ luật chứ không làm nhiệm vụ khen thưởng.

Luật sư Tạ Quang Tòng

 

[1] Quỹ CARPA là một tài khoản tiền gửi, được mở tại ngân hàng, do Đoàn luật sư quản lý. Khách hàng sau khi ký kết hợp đồng với luật sư sẽ chuyển số tiền mà hợp đồng đã quy định vào quỹ CARPA. Luật sư thực hiện nhiệm vụ cho khách hàng chỉ được rút tiền khi đã có biên bản thanh ký hợp đồng xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng với khách hàng.

Qũy CARPA giúp quản lý tiền của khách hàng khi hợp đồng dịch vụ pháp lý chưa được thực hiện xong, đồng thời giúp cho việc quản lý doanh thu của tất cả các luật sư.