/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết việc dân sự

Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết việc dân sự

30/03/2024 07:04 |

(LSVN) - Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, biện pháp khẩn cấp tạm thời luôn giữ vai trò rất quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quy định hiện hành về biện pháp khẩn cấp tạm thời đang gây ra một số khó khăn cho Tòa án khi giải quyết các yêu cầu dân sự. Bài viết nghiên cứu về các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, từ đó đưa ra giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả áp dụng đối với biện pháp này.

Ảnh minh họa.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) là biện pháp thường được Tòa án và trọng tài thương mại áp dụng khi giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại... Nếu việc áp dụng chính xác, phù hợp với tình huống cần phải áp dụng, biện pháp này mang lại hiệu quả rất lớn. Mặc dù vậy, từ thực tiễn triển khai các quy định của Bộ luật Dân sự về BPKCTT cho thấy đã nảy sinh một số bất cập và cần phải có sự điều chỉnh.

Các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và một số bất cập

Khác với quy định trong Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP về các BPKCTT của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004(1), Nghị quyết số 02/2020/ NQ-HĐTP(2) hiện nay đã có nhiều hướng dẫn mới về BPKCTT. Trong đó, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong những trường hợp như sau:(3)

Thứ nhất, để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự.

Đây là các trường hợp ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của đương sự. Việc áp dụng BPKCTT có ý nghĩa quan trọng để đương sự có thể bảo vệ tính mạng, sức khỏe hay tài sản của mình. Trường hợp này có thể xảy ra khi, “A gây thương tích cho B. Tòa án đang giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. B. cần tiền ngay để điều trị thương tích tại bệnh viện nên B yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT buộc A thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”(4).

Thứ hai, để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được.

“Việc xác định đúng chứng cứ luôn giữ vai trò quyết định”(5) để Tòa án có cơ sở xem xét, đánh giá và từ đó, giải quyết chính xác vụ án dân sự. Nếu đương sự có các hành vi gây cản trở đến việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy hay dù chỉ có nguy cơ bị tiêu hủy thì đều ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết vụ án dân sự. Chính vì vậy, áp dụng BPKCTT này có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu hủy hay tẩu tán chứng cứ. Trường hợp này thường xảy ra khi “A. khởi kiện tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề với B., A. yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, buộc B. giữ nguyên hiện trạng mốc giới ngăn cách đất, không được di dời”(6). Mục đích của BPKCTT này nhằm bảo vệ và giữ gìn toàn vẹn chứng cứ.

Thứ ba, để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời này hướng đến việc giữ gìn, bảo toàn tài sản đang liên quan trực tiếp đến tranh chấp giữa các đương sự. Hay đây chính là việc bảo vệ các tài sản đang tranh chấp để việc xét xử diễn ra dễ dàng, thuận lợi và bảo đảm cho quá trình thi hành án dân sự sau đó có thể thực hiện được. Điển hình như “trong vụ án ly hôn, người vợ đứng tên sổ tiết kiệm tại ngân hàng, người chồng yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phong tỏa tài khoản đứng tên người vợ để bảo đảm cho việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng”(7). Nếu không sử dụng BPKCTT này thì rất có thể người vợ sẽ rút hết số tiền tiết kiệm đang là đối tượng tranh chấp trực tiếp của vụ án.

Thứ tư, để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

So với hướng dẫn trong Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP, hiện nay, trường hợp này đã được pháp luật bổ sung thêm. Bởi lẽ, điểm d, mục 1.2 Nghị quyết số 02/2005/ NQ-HĐTP chỉ xác định: “Để bảo đảm việc thi hành án tức là làm cho chắc chắn các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án”. Còn hiện nay đã bổ sung thêm trường hợp áp dụng BPKCTT nhằm bảo đảm cho cả “việc giải quyết vụ án”. Đây là quy định khá hợp lý, phù hợp với các đòi hỏi của công tác xét xử và thi hành án dân sự tại Việt Nam hiện nay. Ví dụ minh hoạ cụ thể của trường hợp này: “A. là nguyên đơn, yêu cầu Tòa án buộc B. phải trả cho A. 01 tỉ đồng tiền vay, để bảo đảm cho việc thi hành án nên A. yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phong tỏa tài sản thuộc quyền sở hữu của B. là ngôi nhà X. trị giá 900 triệu đồng”(8).

Mặc dù các trường hợp áp dụng BPKCTT theo quy định của BLTTDS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn xét xử, tuy nhiên, pháp luật lại không cho phép Tòa án áp dụng BPKCTT khi giải quyết các yêu cầu dân sự. Hay điểm chưa thật sự hợp lý là Tòa án đã không còn được quyền áp dụng BPKCTT khi giải quyết các việc dân sự(9). Có lẽ, mục đích của việc giải quyết việc dân sự chỉ là để nhằm giải quyết sự thỏa thuận của các bên đương sự. Hay diễn đạt theo cách khác, đó là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đó là việc yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động(10), vì thế, không có sự mâu thuẫn hay xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên đương sự. Do đó, Tòa án có thể không cần phải áp dụng BPKCTT để bảo đảm cho việc giải quyết các yêu cầu của đương sự và thi hành án dân sự sau đó.

Tuy nhiên, từ thực tiễn giải quyết việc dân sự và đặc biệt là quá trình thực hiện nội dung của quyết định giải quyết việc dân sự sau đó cho thấy, quy định như vậy chưa thật sự hợp lý. Bởi trong những trường hợp nếu các bên đương sự không thật sự thiện chí và trung thực thì ngay khi tham gia giải quyết việc dân sự, các bên đương sự vẫn có thể lén lút tẩu tán hay che giấu tài sản là đối tượng thi hành án sau đó.

Ví dụ, trong quá trình giải quyết yêu cầu chia tài sản khi ly hôn, một trong các bên vợ/chồng có hành vi tẩu tán số tiền đang gửi tại ngân hàng; hay trong quá trình Tòa án giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thì chủ tịch hội đồng quản trị đang có dấu hiệu rút khoản tiền rất lớn của công ty gửi tại ngân hàng với mục đích cá nhân... Theo quy định hiện nay, cho dù có cơ sở cho thấy việc một trong các bên đương sự đang tham gia giải quyết việc dân sự có dấu hiệu tẩu tán tài sản nhưng bên đương sự còn lại và ngay cả Tòa án cũng không thể áp dụng BPKCTT, vô hình trung gây ra lỗ hổng pháp lý rất lớn để các chủ thể có mục đích gian dối lợi dụng khi giải quyết việc dân sự.

Tóm lại, việc pháp luật quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng các trường hợp áp dụng BPKCTT góp phần giúp cho việc tổ chức thực hiện diễn ra dễ dàng, thuận lợi. Tuy vậy, với quy định không áp dụng BPKCTT đối với thủ tục giải quyết việc dân sự lại đang gây ra các bất cập và rất cần phải xem xét lại.

Một số kiến nghị

Nghiên cứu cho thấy, “việc áp dụng BPKCTT đúng đắn, hợp lý, chính xác là cơ sở quan trọng cho việc bảo vệ bằng chứng cũng như bảo đảm cho quá trình thi hành án dân sự sau đó có thể triển khai thuận lợi, dễ dàng”(11). Nói cách khác, “việc áp dụng BPKCTT đúng đắn và kịp thời sẽ bảo đảm bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”(12). Tuy nhiên, từ những quy định mới về BPKCTT và đặc biệt là vướng mắc, bất cập khi pháp luật không cho phép áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết việc dân sự cho thấy cần xem xét các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc giải thích pháp luật tố tụng dân sự và chú trọng đến BPKCTT.

Trên thực tế, tại nhiều vùng nông thôn, hiện tượng người dân vay mượn tiền của nhau và có hành vi tẩu tán tài sản khi bị kiện tụng tại Tòa án diễn ra khá phổ biến. Có thể ngay khi bị kiện ra Tòa án, một số người vay tiền đã có ý định chuyển dịch những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người thân hoặc bán cho người khác. Do đó, việc áp dụng BPKCTT là vô cùng cần thiết và quan trọng. Mặc dù vậy, nhiều người khởi kiện lại không biết về BPKCTT nên không kịp đề nghị Tòa án áp dụng. Về phía Tòa án, do khối lượng vụ việc cần phải giải quyết hàng năm luôn rất lớn nên thẩm phán cũng không thể tập trung hoàn toàn thời gian để xem xét các căn cứ áp dụng BPKCTT ngay từ khi nhận đơn khởi kiện. Vì thế, hiệu quả giải quyết vụ án và thi hành án sau đó phụ thuộc rất lớn vào việc đề nghị áp dụng BPKCTT của người khởi kiện. Thực tiễn cho thấy, BPKCTT có thể được triển khai kịp thời và mang lại hiệu quả hay không phụ thuộc vào thời điểm yêu cầu của người khởi kiện. “Tính khẩn cấp của biện pháp này”(13) mang lại hiệu quả tức thời để bảo đảm cho việc giải quyết của Tòa án và thi hành án dân sự sau đó có thể thực hiện được. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật tố tụng dân sự và đặc biệt nhấn mạnh đến những loại quyền hạn quan trọng thường hay được sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, trong đó có BPKCTT. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải diễn ra thường xuyên, liên tục thì mới có thể tác động, ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của những chủ thể có thể sẽ phải tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự sau đó. Đó cũng là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết vụ việc dân sự và cả thi hành án dân sự.

Thứ hai, cần cho phép áp dụng BPKCTT đối với quá trình giải quyết việc dân sự.

Như đã nêu, hiện nay, Tòa án không còn quyền áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết việc dân sự. Có thể, do không phát sinh tranh chấp nên cũng không cần phải áp dụng đến BPKCTT khi giải quyết việc dân sự. Mặc dù vậy, “vì lợi ích của mình hoặc do thiếu thiện chí, nhiều người đã có hành vi tẩu tán tài sản…”(14) nên sự thiếu trung thực, lật lọng, thay đổi là điều không phải hiếm gặp đối với các bên đương sự khi giải quyết vụ việc dân sự. Ví dụ, người chồng hứa hẹn khi ly hôn thì tất cả tài sản chung của hai vợ chồng đều cho vợ nhưng trong quá trình giải quyết yêu cầu ly hôn thì người chồng lại có những hành vi tẩu tán tài sản chung đó. Thậm chí, còn có trường hợp người chồng ngụy tạo ra các giấy tờ vay mượn trong thời kỳ hôn nhân để yêu cầu Tòa án buộc người vợ phải trả nợ thay cho chồng. Vì thế, từ sự thỏa thuận nhất trí của các bên đương sự nhưng sau đó dẫn đến vi phạm thỏa thuận không phải là điều bất ngờ, mới lạ trong thực tiễn giải quyết tại Tòa án. Còn đối với pháp luật, theo tác giả, hiệu quả nhất phải là luôn có sự chủ động và linh hoạt để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự; việc quy định cho phép Tòa án có quyền áp dụng BPKCTT khi giải quyết việc dân sự vẫn rất hợp lý và cần thiết. Hay khi đương sự tham gia giải quyết việc dân sự nhận thấy có những căn cứ cho thấy cần phải ngăn chặn ngay lập tức hành vi gây thiệt hại đến tài sản là đối tượng thi hành án thì phải được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phù hợp.

Mặt khác, việc cho phép Tòa án áp dụng BPKCTT khi giải quyết việc dân sự còn có giá trị và hiệu quả quan trọng để Tòa án luôn có thể chủ động, linh hoạt sử dụng nếu thấy cần thiết. Ngay cả khi nhận thấy không cần phải áp dụng BPKCTT trong quá trình giải quyết việc dân sự thì việc quy định cho phép Tòa án áp dụng cũng không gây ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết việc dân sự. Bởi lẽ, việc quy định cho phép Tòa án sử dụng BPKCTT giống như việc trang bị thêm cho Tòa án những công cụ cần thiết và sử dụng hay không sử dụng hoàn toàn chủ động thuộc về Tòa án. Hơn thế nữa, việc cho phép Tòa án áp dụng BPKCTT đối với quá trình giải quyết việc dân sự cũng không gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, bởi việc Tòa án áp dụng hay không áp dụng đều được thực hiện dựa trên những cơ sở, căn cứ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nên phục hồi quy định cho phép Tòa án áp dụng BPKCTT khi giải quyết việc dân sự, bởi đây là quy định rất cần thiết và quan trọng góp phần giúp cho Tòa án có thể chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống và giúp cho quá trình giải quyết việc dân sự diễn ra thuận lợi, hiệu quả.

(1)    Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự.

(2)    Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự.

(3)    Hội đồng Thẩm phán, tlđd, khoản 1 Điều 2.

(4)    Hội đồng Thẩm phán, tlđd, điểm a khoản 1 Điều 2.

(5)    Nguyễn Vinh Hưng, Cần quy định tập quán là nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự, Tạp chí Kiểm sát, số 17, 2021, tr. 34 - 35.

(6)    Điểm b, khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP, tlđd.

(7)    Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tlđd, điểm c khoản 1 Điều 2.

(8)    Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tlđd, điểm d khoản 1 Điều 2.

(9)    Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tlđd, khoản 3, Điều 2.

(10)    Điều 361 của BLTTDS năm 2015.

(11)    Nguyễn Vinh Hưng (chủ biên), Việc dân sự: Lý luận - Thủ tục - Bình luận, Nxb Công an nhân dân, 2021, tr. 171.

(12)    Bùi Thị Thanh Hằng (chủ biên), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Khoa Luật - ĐHQGHN, Nxb ĐHQGHN, 2014, tr. 175.

(13)    Nguyễn Vinh Hưng (chủ biên), Pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, 2023, tr. 388.

(14)    Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, tr. 180.

TS NGUYỄN VINH HƯNG - THS TRẦN CÔNG THỊNH 

Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội

So sánh Hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Tây Ban Nha và Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lâm