Về cụm từ 'chuyển tài sản' trong khái niệm di chúc

28/03/2021 02:20 | 3 năm trước

(LSVN) - Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 nêu khái niệm về di chúc như sau: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vậy cụm từ “chuyển tài sản” trong khái niệm về di chúc nên hiểu như thế nào cho đúng?

Hiện nay có 02 quan điểm tương ứng với 02 cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất: Đó là chuyển “quyền sở hữu” cho người khác sau khi chết. Theo cách hiểu này thì người được hưởng di sản theo di chúc có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt phần di sản được hưởng này. Tuy nhiên,nếu theo cách hiểu này mà vận dụng vào trong trường hợp di chúc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng là không hợp lý. Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:“Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì  phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng…”.

Theo quy định này thì di sản thừa kế dùng vào việc thờ cúng không thuộc sở hữu riêng của bất cứ ai, không được chia và không được chuyển dịch (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…), hay nói cách khác là không có quyền “định đoạt”, không có đầy đủ các quyền trong quyền sở hữu. Nếu như vậy thì cụm từ “người lập di chúc” tại Điều 645có thật sự phù hợp, có mâu thuẫn?Có nên sửa đổi thành “người có di sản”.

Cách hiểu thứ hai: “Chuyển tài sản” phải được hiểu một cách rộng và linh hoạt, đối từng trường hợp cụ thể thì phải hiểu đúng nội hàm của cụm từ này, không phải “chuyển tài sản” trong khái niệm về di chúc trong mọi trường hợp là chuyển quyền sở hữu. Theo Điều 645 Bộ luật Dân sự thì “di sản dùng vào việc thờ cúng” là do “người lập di chúc” và được thể hiện trong “di chúc”, tuy nhiên đó chỉ là chuyển quyền chiếm hữu và quyền sử dụng chứ không chuyển quyền định đoạt.

Chính vì vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng mới có đặc thù riêng là không thuộc sở hữu riêng của bất cứ ai, không được chia và không được chuyển dịch. Ngoài ra trên thực tế, có những di chúc không để lại phần di sản thờ cúng, nhưng người lập di chúc chỉ cho người được hưởng di sản được quyền quản lý, sử dụng, khai thác hoa lợi, lợi tức mà không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp… Người viết cho rằng cách hiểu này là phù hợp bởi đối với di sản sử dụng vào việc thờ cúng, chỉ khi hạn chế quyền định đoạt mới bảođảm được mục đích thờ cúng (bảođảm tồn tại di sản) và không hạn chế quyền tự do định đoạt đối với di sản của người có di sản. Cách hiểu này cho thấy sự thống nhất về khái niệm “di chúc” tại Điều 624 với quy định “di sản dùng vào việc thờ cúng” tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015.

Một quan điểm riêng với mục đích làm sáng tỏ quy định của pháp luật, rất mong bạn đọc cho ý kiến đóng góp.

Luật gia PHÙNG NGUYỄN HOÀNG
Công ty luật TNHH Bách Lâm

Đề nghị truy tố nguyên Tổng giám đốc VEAM gây thất thoát hơn 135 tỉ đồng