/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Về mô hình 'tài trợ của bên thứ ba' trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam qua pháp luật

Về mô hình 'tài trợ của bên thứ ba' trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam qua pháp luật

31/05/2024 06:07 |

(LSVN) - Tài trợ của bên thứ ba (Third Party Funding - TPF) được xem như một phương tiện tài chính mới, thu hút sự quan tâm đặc biệt và rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết phân tích thực trạng hoạt động TPF tại Việt Nam, kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới, qua đó đề xuất xây dựng các quy định pháp luật Việt Nam về mô hình tài trợ bên thứ ba trong tố tụng trọng tài thương mại.

Ảnh minh họa.

Khái quát về tài trợ bên thứ ba trong tố tụng trọng tài thương mại

Mô hình “tài trợ của bên thứ ba” (TPF) là một cơ chế tài chính hỗ trợ tranh tụng ngày càng phổ biến trong lĩnh vực trọng tài thương mại những năm gần đây. Tính đến năm 2021, thị trường tài trợ cho tố tụng được ước tính vào khoảng 17 tỉ USD(1). Mô hình này được nhiều quốc gia điển hình như Hong Kong, Trung Quốc, Singapore, Anh, Úc tập trung phát triển, và được coi là công cụ hỗ trợ các bên “tiếp cận công lý”. Ngoài ra, nhiều trung tâm trọng tài, hiệp hội nghề nghiệp cũng đã đặt ra những bộ quy tắc, hướng dẫn liên quan đến hoạt động TPF để bắt kịp với xu hướng thời đại, ví dụ như Trung tâm Trọng tài quốc tế Hong Kong (HKIAC), Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC)...

Sự xuất hiện của TPF có tác động lớn đến lợi ích của các bên tham gia tố tụng, là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện cơ chế tố tụng trọng tài thế giới, kích thích, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Chi phí cho các thủ tụng tố tụng trọng tài thường khá tốn kém, không thể đoán trước và thường kéo dài lại mang tính rủi ro cao. Việc nhận nguồn tài chính khác từ bên ngoài có thể là lựa chọn duy nhất để bên nhận tài trợ “tiếp cận công lý”. Bên cạnh đó, đây còn là một cách để bên nhận tài trợ duy trì ổn định về mặt tài chính khi tham gia tố tụng. TPF cũng có thể trở thành một cách để cân đối bảng kế toán của một số công ty lớn thường xuyên bị kiện do tính chất kinh doanh(2). Mặc khác, nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các khoản đầu tư không phụ thuộc vào thị trường tài chính, giá cổ phiếu hoặc định giá công ty, họ tài trợ chi phí để hưởng tỉ lệ phần trăm của phần thu được nếu bên nhận tài trợ thắng kiện. Vì vậy, các nhà tài trợ sẽ phải tiến hành thẩm định và phân tích pháp lý để đánh giá được mức độ khả thi trước khi quyết định tài trợ cho vụ việc. Điều này có thể hỗ trợ bên nhận tài trợ định hình chiến lược của mình và chuẩn bị yêu cầu bồi thường có cơ sở, thậm chí có thể được quyết định ở giai đoạn tiền xét xử thông qua giải quyết.

Sau khi nghiên cứu các định nghĩa về cơ chế tài trợ bên thứ ba của nhiều học giả, hiệp hội, trung tâm trọng tài và pháp luật một số quốc gia(3), nhóm tác giả đề xuất khái niệm về tài trợ của bên thứ ba như sau: “Tài trợ của bên thứ ba là nguồn tài trợ bằng tiền hoặc tài sản khác của cá nhân hoặc pháp nhân không phải là một bên tranh chấp nhưng có ký kết thỏa thuận tài trợ với một bên tranh chấp để tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng cho các vụ kiện nhằm mục đích phi lợi nhuận hoặc đổi lấy thù lao hay lợi ích khác phụ thuộc một phần hoặc toàn bộ vào kết quả tranh chấp”.

Thực trạng về hoạt động TPF trong tố tụng thương mại tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề về tài trợ của bên thứ ba chưa được ghi nhận tại bất kỳ văn bản pháp luật nào và cũng không có bất kỳ quy định nào đề cập trực tiếp vấn đề “tài trợ của bên thứ ba” trong hoạt động tố tụng (kể cả đối với tòa án và trọng tài). Dù chưa có cơ chế pháp lý cụ thể cho mô hình TPF nhưng các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên đã chú trọng đến các vấn đề liên quan về chủ thể của quan hệ tài trợ, lợi ích của nhà tài trợ, công bố thông tin về nhà tài trợ, điển hình như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo quy định tại Điều 3.28, Mục B, Chương III của EVIPA(4), “tài trợ bên thứ ba” là khi một thể nhân hoặc pháp nhân không tham gia vào tranh chấp ký kết một thỏa thuận tài trợ với bên nhận tài trợ. Trong thỏa thuận này, nhà tài trợ có thể chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng, thường bằng thù lao hoặc trợ cấp. Các lợi ích cho nhà đầu tư phụ thuộc vào kết quả của tranh chấp và thỏa thuận tài trợ. Liên quan đến công bố thông tin, theo Điều 3.37, Mục B, Chương III của EVIPA, bên nhận tài trợ phải thông báo cho chánh án hoặc hội đồng xét xử về tồn tại và nội dung của thỏa thuận tài trợ, kèm theo tên và địa chỉ của nhà tài trợ. Nếu yêu cầu khởi kiện chưa được gửi đi, thông báo cần đi kèm với yêu cầu khởi kiện. Nếu yêu cầu khởi kiện đã được gửi, thông báo phải gửi ngay sau khi thỏa thuận tài trợ được ký kết. Như vậy, EVIPA đã bảo vệ các nhà đầu tư khi tham gia mô hình TPF, đồng thời mở ra cơ hội cho việc quản lý tài trợ từ bên thứ ba tại Việt Nam.

Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài thương mại ở Việt Nam vẫn chưa được công nhận rộng rãi do thiếu khung pháp lý điều chỉnh. Tuy nhiên, các trường hợp thực tiễn đã được ghi nhận, cho thấy mô hình này ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Mặc dù không có quy định pháp luật cụ thể, các vụ việc liên quan đến mô hình TPF được thừa nhận tính hợp pháp khi xét xử, ví dụ như vụ Luật gia Đặng Đình Thịnh được tòa tuyên nhận hơn 113 tỉ đồng đã thể hiện sự thừa nhận tính hợp pháp của thỏa thuận mang bản chất tài trợ của bên thứ ba và những hạn chế trong giải quyết tranh chấp khi chưa có sự ghi nhận hoạt động TPF tại Việt Nam(5). Phán quyết của tòa án là cơ sở tiền lệ giúp cho các hội đồng trọng tài xem xét và đưa ra các phán quyết tương tự. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tranh chấp vẫn gặp nhiều bất cập, dẫn đến mất thời gian và chi phí đáng kể. Trong quá trình hội nhập toàn cầu sâu rộng, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp thương mại, trong đó có trọng tài. Tài trợ từ bên thứ ba mang lại cơ hội cho các bên chuyển gánh nặng chi phí của quy trình trọng tài, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về bảo mật thông tin và công bố thông tin. Có những động lực mạnh mẽ đằng sau sự phát triển của mô hình TPF, đặc biệt là khi tranh chấp thương mại ở nước ta ngày càng phức tạp. Tóm lại, Việt Nam cần xây dựng cơ chế pháp lý đầy đủ và rõ ràng để điều chỉnh quan hệ tài trợ của bên thứ ba đang phát sinh trong thực tiễn, qua đó phát huy được những lợi ích cũng như khắc phục các hạn chế mà mô hình này đem lại.

Bài học kinh nghiệm từ quy định pháp luật của một số nước

Việt Nam hiện chưa có quy định nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề tài trợ của bên thứ ba trong trọng tài thương mại. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan như quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Luật Thương mại năm 2005…, mô hình TPF hoàn toàn có cơ sở để phát triển(6). Đồng thời, một số hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng đã đặt ra những quy định về TPF, từ đó gợi mở cho việc nội luật hóa vấn đề này ở nước ta. Thực tiễn cũng cho thấy, tại Việt Nam, nhiều trường hợp các bên tham gia tố tụng có những thỏa thuận mang bản chất tài trợ của bên thứ ba. Việc chưa có các quy định điều chỉnh TPF có thể dẫn đến những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện như vấn đề bảo mật, công bố thông tin giữa các bên, chấm dứt thỏa thuận… Vì vậy, việc đặt ra quy định về tài trợ bên thứ ba tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Học hỏi kinh nghiệm về phạm vi áp dụng, việc Singapore và Hong Kong áp dụng mô hình tài trợ của bên thứ ba trong phạm vi trọng tài quốc tế, sau đó mới mở rộng phạm vi sang trọng tài trong nước cho thấy các bước đi thận trọng của nước này nhằm đánh giá tác động, khả năng mở rộng và sự thành công của mô hình TPF. Tương tự, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần thận trọng và linh hoạt nghiên cứu áp dụng mô hình tài trợ trước hết cho tố tụng trọng tài ở một số lĩnh vực cụ thể để thử nghiệm, không áp dụng lên toàn bộ hoạt động tố tụng hiện hành. Một số nội dung cơ bản của pháp luật về tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài thương mại mà Việt Nam cần xây dựng từ việc học hỏi kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của một số quốc gia về vấn đề này, bao gồm:

Quy định về điều kiện chủ thể tài trợ trong thỏa thuận tài trợ

Sau khi xem xét các điều kiện tài trợ của nhà tài trợ theo pháp luật ở một số quốc gia như Hong Kong, Singapore, Anh và Úc, có thể thấy, Hong Kong, Singapore và Anh đều đặt ra các điều kiện về địa vị pháp lý, năng lực tài chính của nhà tài trợ nhằm bảo đảm khách quan, an toàn cho các chủ thể tham gia thỏa thuận và được thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ của tài trợ bên thứ ba trong tố tụng trọng tài tại các quốc gia này. Thực tiễn này cho thấy việc quy định rõ ràng về điều kiện cho các nhà tài trợ trong pháp luật Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cường lòng tin của các bên liên quan. Hơn nữa, TPF tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu nên việc thiết lập các tiêu chí cho các nhà tài trợ là cần thiết. Cụ thể, chỉ các chủ thể đủ điều kiện theo luật định mới được cung cấp tài trợ. Việc xác định tiêu chí để trở thành nhà tài trợ trong tố tụng trọng tài sẽ là biện pháp hiệu quả cho Việt Nam trong tương lai khi xây dựng mô hình TPF.

Về địa vị pháp lý, nhà tài trợ tham gia vào thỏa thuận tài trợ với một bên đương sự để hỗ trợ cho bên đó trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại. Nhà tài trợ có địa vị pháp lý độc lập, không phải là một bên trong tranh chấp và không hưởng các lợi ích trực tiếp từ vụ việc hoặc có quan hệ với các trọng tài viên, nhằm bảo đảm tính khách quan và minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, dựa trên sự tham khảo về quy định tại Hong Kong(7) và Singapore(8), cần quy định luật sư đại diện cho các bên trong tranh chấp không thể là nhà tài trợ bên thứ ba cho bên nhận tài trợ trong cùng một vụ việc. Tương tự, trọng tài tham gia vào vụ việc mà bên nhận tài trợ cũng không thể trở thành nhà tài trợ cho vụ việc đó. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên trong trọng tài thương mại và nguyên tắc tự do ý chí theo quy định tại Bộ luật Dân sự, pháp luật cần quy định nhà tài trợ phải không bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự, không thực hiện các hành vi lừa dối, đe dọa, hoặc cưỡng ép bên nhận tài trợ trong quá trình thiết lập thỏa thuận.

Về năng lực tài chính, nhà tài trợ phải duy trì một nguồn vốn tối thiểu để bảo đảm khả năng thực hiện tài trợ. Mức vốn tối thiểu cao hay thấp phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể ở từng quốc gia, ví dụ như Hong Kong là 20 triệu đô la, Singapore là 5 triệu đô la, ở Anh là 5 triệu bảng Anh. Tuy nhiên, Việt Nam cần xem xét và xác định mức vốn tối thiểu phù hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế nội địa nhằm bảo đảm năng lực tài chính của các nhà tài trợ bên thứ ba, đồng thời ngăn chặn và loại bỏ các chủ thể yếu kém khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo dựng mô hình TPF một cách lành mạnh.

Về tư cách chủ thể, theo quan điểm của nhóm tác giả, hoạt động TPF tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc giới hạn tư cách của nhà tài trợ là cần thiết. Theo đó, để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, pháp luật nên quy định nhà tài trợ bên thứ ba phải có tư cách pháp nhân. Nhà tài trợ là pháp nhân được thành lập hợp pháp, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm đối với việc tài trợ bằng chính tài sản của mình, tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Đồng thời, phí trọng tài trung bình để giải quyết các vụ tranh chấp tại các trung tâm trọng tài ở nước ta (đơn cử như VIAC) khá cao, trong khi phần lớn dân cư là cá nhân có thu nhập hàng tháng không thể bảo đảm để thực hiện tài trợ một cách lâu dài và chuyên nghiệp(9). Vì vậy, quy định tư cách của nhà tài trợ là pháp nhân tạo điều kiện cho Nhà nước quản lý thuận lợi hơn đối với hoạt động tài trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên nhận tài trợ và tránh được các vấn đề tiềm ẩn như rửa tiền, tham nhũng và lạm quyền của cá nhân.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn cụ thể về ngành nghề kinh doanh và chuyên môn về tài chính không nên được áp đặt vì chúng có thể gây ra rào cản cho sự tham gia của các chủ thể tài trợ và hạn chế phát triển của hoạt động tài trợ tại Việt Nam. Thay vào đó, các điều kiện này có thể được thỏa thuận giữa các bên liên quan để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với nhu cầu cụ thể trong mỗi trường hợp.

Quy định về các lợi ích của nhà tài trợ nhận được từ thỏa thuận tài trợ

Lợi ích mà nhà tài trợ bên thứ ba thu được là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thỏa thuận tài trợ mà nhà tài trợ quan tâm. Đó là các lợi ích bao gồm tiền, vật, tài sản hoặc các lợi ích khác mà bên tài trợ được nhận sau khi thắng kiện theo thỏa thuận với bên nhận tài trợ. Như vậy, các bên có quyền thỏa thuận số lợi ích trên thực tế.

Điều kiện để nhà tài trợ nhận được lợi ích từ vụ kiện là bên nhận tài trợ thắng kiện theo phán quyết của trọng tài. Bên nhận tài trợ hầu hết là những đối tượng với năng lực tài chính yếu kém, không có khả năng chi trả chi phí kiện tụng và vì bản chất của việc tài trợ này là một khoản đầu tư mang tính rủi ro nên nhà tài trợ không có quyền thu hồi bất kỳ chi phí nào đã bỏ ra nếu khách hàng thua kiện. Tuy nhiên, pháp luật cần làm rõ thế nào là “thắng kiện”.

Pháp luật Hong Kong quy định rằng nhà tài trợ bên thứ ba cung cấp tài chính cho một bên tham gia trọng tài và sẽ chỉ nhận được lợi ích tài chính nếu vụ việc thành công theo nghĩa của thỏa thuận tài trợ. Như vậy, bên tài trợ và bên nhận tài trợ có thể tự lựa chọn định nghĩa cho sự thành công của vụ kiện tụng tại trọng tài(10). Đây là một quy định, theo chúng tôi là phù hợp để áp dụng tại Việt Nam, bởi nó đáp ứng được thực tiễn phức tạp của các vụ kiện trên thực tế, đồng thời bảo đảm được sự linh hoạt của pháp luật và phù hợp với ý chí các bên.

Thời điểm mà nhà tài trợ nhận được cái lợi ích có thể do các bên thỏa thuận hoặc trong một khoảng thời gian hợp lý. Để hạn chế các rủi ro về thanh toán, pháp luật nên cho phép các bên thỏa thuận với nhau một số nội dung kèm theo nhằm bảo đảm thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhà tài trợ như thỏa thuận tạm hoãn, thỏa thuận ưu tiên, thỏa thuận ký quỹ,... trong trường hợp bên nhận tài trợ có nghĩa vụ tài chính với nhiều chủ nợ.

Quy định về chi phí cho thỏa thuận tài trợ

Chi phí tài trợ là số tiền mà nhà tài trợ chuyển giao cho bên nhận tài trợ để tiến hành khởi kiện hoặc theo đuổi vụ kiện tại trọng tài thương mại. Ở Singapore,  Hướng dẫn thực hành SIAC dành cho nhà tài trợ bên thứ ba khuyến nghị các khoản chi phí tài trợ nên được nêu rõ trong thỏa thuận tài trợ, đồng thời quy định rằng nhà tài trợ phải bảo đảm chịu trách nhiệm pháp lý đối với các chi phí bất lợi, phí bảo hiểm và các khoản chi phí khác trong quá trình giải quyết tranh chấp. Pháp lệnh Trọng tài và Quy tắc thực hành tại Hong Kong cũng quy định rằng thỏa thuận tài trợ giữa nhà tài trợ bên thứ ba và bên nhận tài trợ phải có điều khoản về các loại chi phí được tài trợ và bảo đảm an toàn chi phí trong trường hợp thua kiện. Như vậy, pháp luật các quốc gia không quy định cụ thể vấn đề chi phí tài trợ mà chỉ có các điều khoản mang tính chất định hướng nhằm tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các bên.

Tương tự như Singapore và Hong Kong, pháp luật Việt Nam nên quy định việc phân bổ nguồn tài trợ cho các chi phí cụ thể do các bên tự thỏa thuận. Nhà tài trợ có thể tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí để hoàn thành vụ kiện và liệt kê các chi phí đó thành một danh mục trong thỏa thuận tài trợ. Ví dụ, chi phí tài trợ bao gồm: phí trọng tài, phí luật sư, phí nhân chứng, phí chuyên gia, dự phòng rủi ro, chi phí bất lợi theo phán quyết trọng tài khi thua kiện hoặc bất kỳ khoản tiền tạm ứng nào khác. Quy định này nhằm giúp xác định rủi ro tài chính được chuyển giao cho bên nào, qua đó bảo đảm quyền lợi của các bên và hạn chế các tranh chấp không đáng có.

Vấn đề các bên trong thỏa thuận tài trợ quan tâm là thời điểm chuyển giao nguồn tài trợ, vì vậy pháp luật cần ghi nhận thời điểm này là thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận tài trợ hoặc một thời điểm khác do các bên thỏa thuận. Điều này nhằm tránh việc tài trợ không kiểm soát dẫn đến tình trạng “thúc nguyên giục bị”, tạo ra những vụ kiện không đáng có, làm gia tăng căng thẳng hoặc làm mất đi sự cân bằng giữa các bên trong tranh chấp để đạt được mục đích tài chính từ phía nhà tài trợ.

Ngoài ra, hội đồng trọng tài nên được pháp luật trao quyền trong việc xem xét các thỏa thuận tài trợ của các bên thứ ba để xác định một phần hoặc toàn bộ chi phí trọng tài và để bảo đảm tính hợp pháp của khoản tài trợ. Pháp luật Singapore và Hong Kong cũng có các quy định tương tự(11) nhằm tạo ra cơ chế pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền truy đòi các yêu cầu bồi thường của bên đối lập khi thắng kiện cũng như phòng tránh trường hợp tranh chấp về thù lao/lợi ích giữa nhà tài trợ và bên nhận tài trợ.

Quy định về công bố thông tin của thỏa thuận tài trợ

Công bố thông tin là nghĩa vụ bắt buộc ở Hong Kong, theo đó, Mục 98U Pháp lệnh Trọng tài ở Hong Kong yêu cầu: “Bên nhận tài trợ trọng tài công khai các thông tin về thỏa thuận tài trợ cho hội đồng trọng tài và các bên liên quan”. Nội dung thông tin được công bố bao gồm sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ và danh tính của nhà tài trợ, bao gồm các thông tin cơ bản như tên, địa chỉ của nhà tài trợ. Trái ngược với Hong Kong, pháp luật Anh không quy định về việc một bên phải công bố thông tin về thỏa thuận tài trợ cho bất kỳ bên đối lập nào hoặc cho tòa án hay cơ quan trọng tài(12), tuy nhiên, các bên vẫn thực hiện việc công bố danh tính của nhà tài trợ như một thông lệ hoặc khi có sự yêu cầu của hội đồng trọng tài. Tại Singapore, việc công bố thông tin về nhà tài trợ bên thứ ba còn đặt ra đối với các trọng tài viên và luật sư để tránh các xung đột lợi ích tiềm năng(13).

Dựa trên kinh nghiệm của Hong Kong, Việt Nam có thể quy định công bố thông tin về thỏa thuận tài trợ là một nghĩa vụ luật định. Quy định này là phù hợp với thực tiễn, đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của các nhà tài trợ bên thứ ba, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bên tham gia tranh chấp và bảo đảm tính khách quan của phán quyết trọng tài. Bên nhận tài trợ phải thực hiện công bố thông tin về danh tính của nhà tài trợ (tên, địa chỉ trụ sở chính, thông tin người đại diện theo pháp luật,...) cho hội đồng trọng tài và các bên liên quan. Bên nhận tài trợ không phải công bố toàn bộ nội dung của thỏa thuận tài trợ.

Về thủ tục công bố thông tin của bên nhận tài trợ, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của pháp luật Hong Kong(14), theo đó bên nhận tài trợ phải lập văn bản thể hiện rõ và gửi đến trọng tài viên và cơ quan trọng tài vào ngày bắt đầu tố tụng trọng tài (nếu thỏa thuận tài trợ được ký trước ngày đó) hoặc 15 ngày kể từ khi thỏa thuận tài trợ được ký kết (nếu thỏa thuận tài trợ được ký sau ngày bắt đầu tố tụng trọng tài). Trong trường hợp hội đồng trọng tài chưa được thành lập tại thời điểm gửi thông báo, bên nhận tài trợ phải thông báo đến hội đồng trọng tài ngay sau khi hội đồng trọng tài được thành lập để tiến hành giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp có bất kỳ sự thay đổi nào về sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ hoặc danh tính nhà tài trợ bên thứ ba sau lần công bố đầu tiên, bên nhận tài trợ có trách nhiệm thông báo về những thay đổi đó.

Về nghĩa vụ công bố thông tin của các trọng tài viên, nhóm tác giả đề xuất tham khảo quy định của SIAC(15). Theo đó, các ứng cử viên trọng tài phải công bố cho các bên bất kỳ mối quan hệ nào với nhà tài trợ bên thứ ba liên quan đến vụ kiện. Việc công bố phải được thực hiện ngay khi có thể, bằng một cách hợp lý và trong mọi trường hợp trước khi ứng cử viên được lựa chọn để thành lập hội đồng trọng tài. Ngoài ra, trọng tài viên phải công bố mọi mối quan hệ đối với nhà tài trợ phát sinh trong quá trình tố tụng trọng tài.

Quy định về bảo mật thông tin

Pháp luật các quốc gia như Hong Kong, Trung Quốc, Singapore, Anh và các quy tắc về tố tụng trọng tài trên thế giới đều quy định bảo mật thông tin là nghĩa vụ của cả bên nhận tài trợ và nhà tài trợ bên thứ ba. Việt Nam nên tham khảo các quy định này theo hướng như sau: Về nghĩa vụ bảo mật thông tin của bên nhận tài trợ, bên nhận tài trợ phải thực hiện bảo mật thông tin của vụ việc tại trọng tài thương mại theo những nguyên tắc chung của mô hình giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật thông tin cần được đặt trong mối quan hệ với việc tiết lộ thông tin để tìm kiếm nguồn tài trợ bên ngoài và để tăng khả năng “tiếp cận công lý” cho các bên tranh chấp, tương tự như pháp luật Hong Kong(16). Với mục đích tìm kiếm nhà tài trợ tiềm năng, bên dự định nhận tài trợ có quyền cung cấp một số thông tin về thủ tục trọng tài, tài liệu về các bên cho bên thứ ba là các nhà tài trợ. Đây là một ngoại lệ về nghĩa vụ bảo mật thông tin để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của một bên đương sự nhận tài trợ từ bên thứ ba.

Về nghĩa vụ bảo mật thông tin của nhà tài trợ bên thứ ba, bên tài trợ cần phải tuân thủ việc bảo vệ tính bảo mật của tất cả thông tin và tài liệu liên quan đến tranh chấp được bên nhận tài trợ tiết lộ trong phạm vi pháp luật cho phép và theo thỏa thuận tài trợ. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Singapore khi quy định bên nhận tài trợ và nhà tài trợ bên thứ ba có thể ký một thỏa thuận bảo mật riêng hoặc ghi nhận nghĩa vụ bảo mật như một điều khoản trong thỏa thuận tài trợ(17). Phạm vi và nội dung cụ thể của thông tin được bảo mật do các bên thống nhất, không trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Quy định về chấm dứt thỏa thuận tài trợ

Việc chấm dứt thỏa thuận tài trợ sẽ đem đến hậu quả pháp lý không mong muốn đối với các bên, làm cho mục đích giao kết thỏa thuận của các bên không đạt được. Vì vậy, pháp luật các quốc gia và quy tắc trọng tài đều yêu cầu các bên phải liệt kê các trường hợp được chấm dứt thỏa thuận tài trợ trong thỏa thuận tài trợ. Điều này góp phần ngăn các bên tùy ý đơn phương chấm dứt thỏa thuận, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên còn lại, nhất là bên yếu thế không nắm giữ sức mạnh tài chính. Theo đó, Điều 11 Quy tắc ứng xử dành cho các nhà tài trợ tố tụng tại Anh đã cho phép nhà tài trợ có thể chấm dứt thỏa thuận khi không còn hài lòng một cách hợp lý về nội dung tranh chấp hoặc có lý do hợp lý để tin rằng tranh chấp không còn khả thi về mặt thương mại hoặc bên nhận tài trợ đã vi phạm nghiệm trọng thỏa thuận. Trong những trường hợp chấm dứt thỏa thuận trên, bên tài trợ vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các nghĩa vụ tài trợ phát sinh đến trước thời điểm việc chấm dứt có hiệu lực trừ trường hợp bên nhận tài trợ đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận.

Mặt khác, bên nhận tài trợ cũng có thể chấm dứt thỏa thuận tài trợ và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên tài trợ vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận tài trợ làm cho mục đích của thỏa thuận không thể thực hiện được.. Đồng thời, Hong Kong, Singapore và một số trung tâm trọng tài trên thế giới cũng có quy định tương tự như vậy trong trường hợp chấm dứt thỏa thuận tài trợ.

Dựa vào căn cứ chấm dứt hợp đồng trong pháp luật dân sự và pháp luật thương mại Việt Nam hiện hành cũng như kinh nghiệm quốc tế, nhóm tác giả xin đề xuất các trường hợp chấm dứt thỏa thuận tài trợ sau đây:

Thứ nhất, thỏa thuận tài trợ chấm dứt khi thỏa thuận đã hoàn thành. Khi đó, các bên đã thực hiện xong các nghĩa vụ, nhà tài trợ đã tài trợ đúng và đầy đủ các chi phí tố tụng và nhận lại được các lợi ích theo thỏa thuận sau khi phán quyết trọng tài đối với vụ kiện đó đã được thi hành xong.

Thứ hai, thỏa thuận tài trợ chấm dứt theo thỏa thuận của các bên. Các bên hoàn toàn có thể tự thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào. Hậu quả pháp lý là các bên không phải tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo thỏa thuận tài trợ.
 
Thứ ba, thỏa thuận tài trợ chấm dứt khi bị hủy bỏ. Trong quá trình thực hiện, các bên có thể hủy bỏ thỏa thuận tài trợ khi bên kia vi phạm điều khoản là điều kiện trong thỏa thuận tài trợ để hủy bỏ hợp đồng hoặc vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận tài trợ.

Thứ tư, thỏa thuận tài trợ chấm dứt khi bị đơn phương chấm dứt thực hiện. Tương tự với hủy bỏ, một bên có thể đơn phương chấm dứt thỏa thuận tài trợ khi bên kia vi phạm điều khoản là điều kiện để đơn phương chấm dứt hoặc vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận tài trợ. Ngoài ra, bên tài trợ có thể đơn phương chấm dứt thỏa thuận tài trợ khi không còn hài lòng một cách hợp lý về giá trị của trọng tài hoặc khi có sự thay đổi bất lợi đáng kể về khả năng thành công của vụ kiện hoặc thu hồi chi phí đã bỏ ra. Sự thay đổi này là do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi đã thỏa thuận. Các bên không lường trước được về sự thay đổi đó tại thời điểm giao kết hợp đồng. Sự thay đổi này phải đủ để gây ra bất lợi cho nhà tài trợ đạt được mục đích của mình, nếu biết trước về sự thay đổi này, thỏa thuận đã không được giao kết như thế. Bên tài trợ bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của thỏa thuận mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Khi đơn phương chấm dứt thỏa thuận, bên tài trợ vẫn phải chịu trách nhiệm thanh toán tất cả các chi phí đã phát sinh đến thời điểm chấm dứt và mọi chi phí phát sinh sau khi chấm dứt hoặc do việc chấm dứt gây ra, trừ trường hợp việc chấm dứt là do bên nhận tài trợ vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận tài trợ.

(1)    Thomas Holzheu, Irina Fan, James FInucane, Anja Visher, Dale Predmorre, Ayush Uchil, Us litigation funding and inflation,
Swiss Re Institute, 2021, p.8.

(2)    Omni Bridgeway, Funding for Companies, https://omnibridgeway.com/who-we-help/funding-for-companies

(3)    IBA Council (2014), IBA Guidelines on Conflicts of Interest in International Arbitration, https://www.ibanet.org/ MediaHandler?id=e2fe5e72-eb14-4bba-b10d-d33dafee8918
Association of Litigation Funders of England and Wales (ALF) (2018), Code of conduct for litigation funders, https:// associationoflitigationfunders.com/wp-content/uploads/2018/03/Code-Of-Conduct-for-Litigation-Funders-at-Jan-2018-FINAL.pdf

(4)    Điều 3.28 Mục B Chương III EVIPA:“Tài trợ từ bên thứ ba” là bất kỳ nguồn tài trợ nào của thể nhân hoặc pháp nhân không phải là một bên tranh chấp nhưng có ký kết thỏa thuận với một bên tranh chấp để thanh toán một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng để đổi lại một khoản thù lao phụ thuộc vào kết quả tranh chấp, hoặc bất kỳ nguồn kinh phí nào của thể nhân hoặc pháp nhân không phải là một bên tranh chấp dưới hình thức quyên góp hoặc viện trợ không hoàn lại.

(5)    Hữu Bằng, “Vụ kiện đòi tiền hứa thưởng: Luật gia Đặng Đình Thịnh được tòa tuyên nhận hơn 113 tỉ”, https://plo.vn/vu-kien-doi- tien-hua-thuong-luat-gia-dang-dinh-thinh-duoc-toa-tuyen-nhan-hon-113-ti-post716241.html, ngày 18/7/2023.

(6)    Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP cho thấy nhà tài trợ không phải một bên trong tranh chấp và cũng không phải là một bên thế quyền của một bên tranh chấp để có thể bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài.

(7)    Mục 98J Pháp lệnh Trọng tài Hong Kong quy định nhà tài trợ bên thứ ba là chủ thể (cá nhân hoặc pháp nhân) thỏa mãn hai điều kiện: (i) Là một bên của thỏa thuận tài trợ để cung cấp kinh phí cho một hoạt động trọng tài của một bên được tài trợ bởi cá nhân đó; và (ii) Người không có lợi ích được pháp luật công nhận trong quan hệ tranh chấp tại trọng tài ngoài lợi ích từ thỏa thuận tài trợ. Người không có lợi ích trong quan hệ tranh chấp trọng tài tại định nghĩa nêu trên bao gồm người không có lợi ích trong vụ việc mà việc phân xử tại trọng tài chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc.

(8)    Singapore quy định tại Điều 4.1 Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dân sự 2017 (Civil law (third-party funding) Regulations 2017): (i) Không phải là một trong các bên của vụ tranh chấp; (ii) Phải thực hiện hoạt động kinh doanh chính là tài trợ chi phí tố tụng giải quyết tranh chấp (ở Singapore hoặc nơi khác). Vì vậy, thể nhân, tổ chức không kinh doanh hoạt động tài trợ của bên thứ ba thì không đủ điều kiện trở thành nhà tài trợ bên thứ ba đủ điều kiện.

(9)    Thực tiễn ở nước ta cho thấy sự chênh lệch về khả năng tài trợ của chủ thể là cá nhân với phí trọng tài tại các trung tâm trọng tài hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của dân cư theo giá hiện hành là 4,67 triệu đồng, trong đó nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng. Ngược lại, phí trọng tài trung bình được ghi nhận tại một số trung tâm trọng tài, ví dụ ở VIAC, tối thiểu là 16,5 triệu đồng. Mức phí trên thực tế của nhiều vụ tranh chấp có thể tăng cao, do các vụ tranh chấp giải quyết tại trọng tài thương mại thường có giá trị lớn.

(10)    Department of justice, Funding Options for Arbitration in Hong Kong, https://www.doj.gov.hk/en/publications/pdf/funding_ options_for_arbitration_in_hong_kong_e.pdf, ngày 6/12/2023.

(11)    Tại Singapore, Điều 33(1) Quy tắc trọng tài SIAC cho phép Hội đồng trọng tài xem xét các thỏa thuận tài trợ của các bên thứ ba khi phân bổ chi phí trọng tài. Ở Hong Kong, Quy tắc quản lý trọng tài của HKIAC quy định Hội đồng trọng tài có thể xem xét bất kỳ thỏa thuận tài trợ bên thứ ba để xác định một phần hoặc toàn bộ chi phí trọng tài.

(12)    Excalibur Ventures LLC v. Texas Keystone 2016, EWCA Civ 1144, 31.

(13)    Xem Mục 49A Luật Luật sư Singapore về nghĩa vụ công bố thông tin của luật sư và Đoạn 4 và 6 Hướng dẫn thực hành của SIAC về công bố thông tin của trọng tài viên.

(14)    Mục 98U Pháp lệnh Trọng tài và hòa giải Hong Kong.

(15)    Đoạn 4, 6 Hướng dẫn thực hành SIAC.

(16)    Mục 98T của Pháp lệnh Trọng tài Hong Kong đưa ra ngoại lệ đối với nghĩa vụ bảo mật, đó là cho phép một bên tiết lộ một số thông tin được bảo vệ cho người khác “nhằm có được hoặc tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên thứ ba” như thông tin liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài, các phán quyết tiếp theo được đưa ra.

(17)    Hiệp hội Luật sư Singapore khuyến nghị bên nhận tài trợ nên đưa một số điều khoản bảo mật vào thỏa thuận không tiết lộ thông tin trong giai đoạn tiền tố tụng trọng tài; đồng thời không cho phép nhà tài trợ bên thứ ba tìm cách tìm kiếm thông tin từ luật sư của bên được tài trợ.

ĐÀO THU TRANG - HỦN VI ĐAN THÙY - DƯƠNG NGỌC PHƯƠNG 

Trường Đại học Luật Hà Nội

Vô hiệu hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Thực tiễn xét xử và kiến nghị

Nguyễn Hoàng Lâm