/ Thư viện pháp luật
/ Vì sao bị can Lê Tùng Vân được cho tại ngoại?

Vì sao bị can Lê Tùng Vân được cho tại ngoại?

11/01/2022 01:51 |

(LSVN) - Việc Cơ quan CSĐT không áp dụng biện pháp tạm giam, cho bị can Lê Tùng Vân được tại ngoại (cấm đi khỏi nơi cư trú) là phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như thể hiện được tính nhân đạo (đối với người già yếu) trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Ông Lê Tùng Vân.

Liên quan đến vụ việc tại “Tịnh thất Bồng Lai”, Công an tỉnh Long An vừa tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can để điều tra về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm vi lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân".

Cụ thể, các bị can bị khởi tố gồm: Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi, cùng ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An).

Tuy nhiên, với 04 người bị khởi tố nêu trên, Cơ quan CSĐT đã thi hành lệnh bắt tạm giam với 3 bị can gồm: Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương. Riêng, ông Lê Tùng Vân được giải quyết cho tại ngoại hầu tra.

Vậy, tại sao ông Lê Tùng Vân được cho phép tại ngoại trong khi 3 bị can còn lại bị bắt tạm giam?

Trả lời về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 4, Điều 119, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; b) Tiếp tục phạm tội; c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

Theo quy định này thì có thể Cơ quan điều tra đã không áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với bị can Lê Tùng Vân là do bị can này là người già yếu (90 tuổi), có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, không có dấu hiệu tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn.

"Được tại ngoại không có nghĩa là sẽ chịu trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn so với các bị can khác", Luật sư cho biết.

Luật sư cũng cho hay, việc Cơ quan CSĐT không áp dụng biện pháp tạm giam, cho bị can Lê Tùng Vân được tại ngoại (cấm đi khỏi nơi cư trú) là phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như thể hiện được tính nhân đạo (đối với người già yếu) trong việc áp dụng pháp luật hình sự và tố tụng hình sự. Vụ án mới chỉ đang trong giai đoạn điều tra, trách nhiệm hình sự của các bị can ra sao sẽ còn phụ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án (điều tra, truy tố và xét xử) của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, cũng như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Nếu bị Tòa án kết án, tuyên là có tội thì ông Lê Tùng Vân vẫn sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Ông Lê Tùng Vân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của bị can (có mặt theo giấy triệu tập, chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng) trong quá trình điều tra vụ án.

Còn nếu ông Lê Tùng Vân vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, hoặc có hành vi gây khó khăn, cản trở trái pháp luật hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền hoàn toàn có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang tạm giam đối với ông này theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư, hành vi của các bị can trong vụ án này đã có dấu hiệu của rất nhiều tội danh khác nhau: tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và tội “Loạn luân”.

Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì theo quy định Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, thì tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến tối đa là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đối với tội “Loạn luân” thì theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Long An đang tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của các bị can tại "Tịnh thất Bồng Lai" để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

TRẦN MINH

Khởi tố 4 bị can ở 'Tịnh thất Bồng Lai'

Lê Minh Hoàng