/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vụ án Mobifone mua AVG: Kiến nghị không truy cứu hình sự người giữ tiền cho Nhà nước

Vụ án Mobifone mua AVG: Kiến nghị không truy cứu hình sự người giữ tiền cho Nhà nước

05/01/2021 17:58 |4 năm trước

LSVNO - Bài “căn cứ pháp lý thu hồi tiền cho Nhà nước” trên Luật sư Việt Nam Online phản ánh vụ án MobiFone mua AVG đã khắc phục được hậu quả sau khi hai bên huỷ bỏ hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý...

LSVNO - Bài “căn cứ pháp lý thu hồi tiền cho Nhà nước” trên Luật sư Việt Nam Online phản ánh vụ án MobiFone mua AVG đã khắc phục được hậu quả sau khi hai bên huỷ bỏ hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý là Mobifone chưa thanh toán nốt 5% giá trị hợp đồng. Kết quả ấy có đóng góp của Phó tổng giám đốc Mobifone Nguyễn Đăng Nguyên, tuy nhiên, ông đang bị đề nghị truy tố theo khoản 3 Điều 220 BLHS 2015, vai trò đồng phạm.

Kết luận điều tra số 73/C03-P14 (ngày 31/8/2019) của Cơ quan CSĐT Bộ công an đang đề nghị truy tố ông Nguyễn Đăng Nguyên tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với vai trò đồng phạm. Phóng viên có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ) bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyên.

Luật sư Nguyễn Trường Thành.

+ Phóng viên: Trước tiên xin hỏi, Luật sư đã đọc bài báo phản ánh việc ông Nguyễn Đăng Nguyên từ chối thanh toán nốt 5% giá trị hợp đồng để có cơ sở pháp lý khắc phục hậu quả vụ án là thu hồi số tiền lớn cho Nhà nước?

- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Tôi đã đọc, bài báo viết ngắn gọn nhưng đầy đủ, chính xác. Đến giai đoạn nghiệm thu và thanh lý hợp đồng, khi được yêu cầu cho ý kiến về việc thanh toán 5% còn lại và thanh lý hợp đồng thì ông Nguyên có ý kiến không đồng ý việc này tại tờ trình ngày 12/7/2015: “Không đồng ý thanh toán 5% khi chưa hoàn thành nghĩa vụ các bên liên quan.” (Bút lục số 12).

Tiếp theo, ngày 18/7/2016, họp Ban chỉ đạo tiếp nhận dự án đầu tư dịch vụ truyền hình do Tổng giám đốc là Trưởng ban, để thông qua việc thanh toán 5% giá trị hợp đồng còn lại và thanh lý hợp đồng. Ông Nguyễn Đăng Nguyên là người duy nhất  không ký biên bản và bảo lưu ý kiến của mình trước đó (Bút lục số 13). Vì hai bên chưa hoàn thành nghĩa vụ, nên hợp đồng không thể hoàn tất các thủ tục để thanh lý, đây là cơ sở pháp lý để hai bên hủy bỏ hợp đồng, thu hồi toàn bộ số tiền cho Nhà nước. Điều này được kết luận điều tra ghi nhận tại trang 54: “Nguyễn Đăng Nguyên không được bàn bạc, không hưởng lợi cá nhân, đã có đề nghị dừng thanh toán 5% còn lại của Thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng AVG”.

+ Phóng viên: Như thế trong vụ án này có thể nói ông Nguyễn Đăng Nguyên là người có công nhưng vẫn bị đề nghị truy tố tội nặng, căn cứ nào?

- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Kết luận điều tra viết: “Căn cứ vào lời khai bị can, lời khai của những người có liên quan, tài liệu, tờ trình, văn bản do Nguyễn Đăng Nguyên ký, có căn cứ đánh giá: Nguyễn Đăng Nguyên được phân công nhiệm vụ tổng hợp dự án nhưng thực tế không tham gia. Nguyên cùng Ban Tổng giám đốc ký báo cáo, ký quyển dự án để Hội đồng thành viên trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án. Nguyễn Bắc Son vì động cơ cá nhân đã lợi dụng việc MobiFone trình dự án để ra quyết định trái pháp luật buộc Mobifone phải triển khai dự án, gây thiệt hại 6.475.324.611.000 đồng theo phương pháp tài sản. Hành vi của Nguyễn Đăng Nguyên phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công” gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với vai trò đồng phạm”.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an quy buộc chủ yếu dựa trên 02 tài liệu, văn bản sau: Văn bản 5054/MOBIFONE ngày 14/9/2015 về việc Báo cáo bổ sung danh mục và phê duyệt Dự án đầu tư truyền hình (Bút lục số 01); quyển Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình ngày 5/10/2015 (Bút lục số 02). Hai văn bản này có chữ ký của ông Nguyên.

Quan điểm của tôi, việc đề nghị truy tố nêu trên là chưa thoả đáng. Bởi lẽ, trong vụ án này, quan trọng nhất là giá mua mà như kết luận điều tra, gây thiệt hại 6.475.324.611.000 đồng.

Xem xét văn bản số 5054/MOBIPHONE ngày 14/9/2015 và Quyển dự án mà ông Nguyên có tham gia ký, gửi HĐTV, trong phần kết luận có nội dung nêu rõ: “MobiFone vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và xem xét đánh giá giá trị doanh nghiệp của AVG. Định giá theo phương pháp tài sản cũng là một căn cứ quan trọng để MobiFone xem xét cân nhắc trong quá trình đàm phán về mức giá chuyển nhượng với cổ đông của AVG.

Đồng thời, MobiFone sẽ tiếp tục trao đổi với nhóm cổ đông AVG để xác định nguyên tắc bù trừ công nợ, tiền mặt tại thời điểm chuyển nhượng để từ đó xác định được mức giá mua cổ phần.

 Lễ công bố ông Nguyễn Đăng Nguyên được giao phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Mobifone hôm 22/8/2018.

Tại thời điểm lập dự án, chưa xác định được mức giá mua nên đề xuất lấy tổng mức đầu tư dự án là mức giá mà cổ đông AVG đang chào giá (đây là mức giá trần)”.

Tuy nhiên, các văn bản khác sau đó của Tổng giám đốc và HĐTV thống nhất về giá mua cổ phần trình Bộ TTTT lại không dựa trên những kiến nghị và đề xuất nêu tại văn bản 5054/MOBIFONE và quyển Dự án.

Ông Nguyên cũng không tham gia ký các văn bản có nội dung đề xuất, thống nhất giá mua nên không thể quy kết ông Nguyên là đồng phạm, giúp sức cho HĐTV trình Bộ TTTT phê duyệt dự án, quyết định giá mua, yếu tố quan trọng nhất trong dự án mua cổ phần AVG, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

+ Phóng viên: Sau các phân tích khá chi tiết, kết luận của Luật sư?

- Luật sư Nguyễn Trường Thành: Với những căn cứ và tài liệu nêu trên kết luận được trước, trong, sau khi thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình ông Nguyên không được bàn bạc, có giao nhiệm vụ nhưng ông không thể thực hiện, ông đã có nhiều ý kiến không đồng thuận tại các cuộc họp về dự án này, đỉnh điểm là việc không đồng ý thanh toán 5% giá trị còn lại của hợp đồng nên không thể quy buộc ông Nguyên là đồng phạm cùng với HĐTV, Ban Tổng giám đốc trong việc vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng như kết luận điều tra.

Nhìn từ góc độ khác, ông còn là người có công khi từ chối thanh toán 5% còn lại của hợp đồng, là cơ sở pháp lý sau này để huỷ bỏ hợp đồng và thu hồi được toàn bộ số tiền về cho Nhà nước. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã đánh giá một cách đầy đủ và khách quan vấn đề này nên đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt đối với ông Nguyên. Nhưng thay vì đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Đăng Nguyên mà chỉ đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt để giảm nhẹ là chưa thỏa đáng.

+ Phóng viên: Vậy Luật sư có kiến nghị gì?

Luật sư Nguyễn Trường Thành: Từ những căn cứ nêu trên, tôi đã có văn bản đề nghị Ban Nội chính Trung ương, VKSND tối cao trong phạm vi thẩm quyền để xem xét. Khi xem xét về trách nhiệm của ông Nguyên liên quan đến dự án này, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã có kết luận và quyết định xử lý kỷ luật ông Nguyên ở mức độ khiển trách. Ông Nguyên được Bộ TTTT và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone tín nhiệm giao nhiệm vụ Phó tổng giám đốc phụ trách chức vụ Tổng giám đốc. Từ khi được giao nhiệm vụ ngày 22/8/2018 đến khi bị khởi tố bị can vào ngày 26/8/2019, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, Mobifone trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.644 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8,6% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.115 tỷ, tăng 8,4 % so với cùng kỳ năm 2018.

Tôi cũng đã trân trọng đề nghị Ban Nội chính Trung ương, VKSND tối cao xem xét để không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Đăng Nguyên theo quy định tại Điều 29 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

                                                                                                  Sáu Nghệ