/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ bé trai 03 tuổi nghi bị ép hút ma tuý: Quyền nuôi con của cha ruột được pháp luật quy định như thế nào?

Vụ bé trai 03 tuổi nghi bị ép hút ma tuý: Quyền nuôi con của cha ruột được pháp luật quy định như thế nào?

12/04/2023 09:33 |

(LSVN) – Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến clip xuất hiện trên mạng xã hội về vụ việc một bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma tuý đá bởi người tình của mẹ, hiện tại cha ruột đã gặp được con và rất mong muốn sớm được đón con về nhà.

Theo đó, anh T. là cha ruột của bé trai có kết hôn với chị N.T.N. (23 tuổi, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh). Họ có 2 con chung, bé gái đầu tiên 5 tuổi và bé trai 3 tuổi (xuất hiện trong clip). Năm 2021, do mâu thuẫn, chị N. đã đưa 2 con bỏ đi và sống chung như vợ chồng với người đàn ông tên B. Sau đó, anh T. đã đến đón con gái về nhà nuôi, còn con trai do mẹ chăm sóc. Hiện tại, anh T. và vợ vẫn chưa ly hôn.

Hiện nay, bé trai đã được đưa vào Làng Trẻ em SOS. Tuy nhiên, do mẹ ruột đã làm mất giấy khai sinh của con nên không có giấy tờ để được chứng nhận quyền làm cha và chưa đủ điều kiện để đón bé ra.

Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về quyền nuôi con của cha ruột?

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết: Trong xã hội, trẻ em là đối tượng đặc biệt, được nhà nước quan tâm và có những quy định pháp luật đặc biệt, nhiều quy định riêng để bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đặc biệt là quy định của Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan.

Luật Trẻ em nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, nghiêm cấm các hành vi mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Cụ thể, khoản 9, điều 6, Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi: "Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.". Đây là một vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, vì vậy cơ quan chức năng cần sớm làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo đó, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Theo Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình, cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Phá tán tài sản của con;

- Có lối sống đồi trụy;     

- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Trong trường hợp cha mẹ đã ly hôn, khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Luật sư Cường chia sẻ: Vụ việc lại một lần nữa cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại ở bất kỳ nơi đâu kể cả trong trường hợp vẫn đang trong sự quản lý, giáo dục của cha mẹ. Nếu những người làm cha, làm mẹ mà thiếu trách nhiệm, có lối sống buông thả, sa đọa, vi phạm pháp luật thì những đứa trẻ luôn có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại, bị đối xử tàn nhẫn và tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm luôn có nguy cơ bị đe dọa, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và hình thành nhân cách của trẻ.

Do đó, Luật sư Cường kiến nghị, ngoài việc xem xét xử lý đối với các đối tượng vi phạm thì các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kịp thời phát hiện ra các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những người cha, người mẹ là người nghiện ma túy, những người có lối sống sa đọa, vi phạm pháp luật thì có thể hạn chế quyền nuôi con để trẻ em được quyền sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, có điều kiện phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập phải đảm bảo quyền trẻ em được thực thi trên thực tế.

TIẾN HƯNG

Một số vấn đề pháp lý vụ bé trai 03 tuổi nghi bị ép hút ma tuý

Bùi Thị Thanh Loan