Vợ chồng Trương Công Thức nhiều lần đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi cho quầy hàng của gia đình bị thu hồi không minh bạch.
Cổ đông tố bị lừa dối, niêm phong tài sản sai luật
Trong đơn kêu cứu, ông Trương Công Thức và vợ là bà Lê Thị Luyến trình bày: Vào năm 1986, ông Thức chuyển từ đơn vị bộ đội kho K54 Thái Nguyên về làm mậu dịch viên tại Công ty TMCP Yên Thế (Công ty cấp ba thời bao cấp).
Đến năm 1997, công ty dỡ bách hóa Cầu Gồ xây lại. Vợ chồng ông Thức có góp vốn 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng chẵn) để xây dựng quầy. Khi công trình xây xong, ông Thức được giao một gian để kinh doanh. Đến năm 2003, công ty chuyển sang cổ phần hoá, số tiền đóng góp 15.000.000 đồng xây dựng quầy được chuyển sang thành 150 cổ phần và giao một quầy để kinh doanh, thời gian hoạt động là 50 năm.
Công ty hoạt động bình thường cho đến năm 2006, ông Ninh Tuấn Khang mua 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng chẵn) số cổ phần còn lại của công ty và ra ứng cử vào Ban lãnh đạo, gây sức ép lên Ban lãnh đạo cũ và các cổ đông. Các cổ đông và lãnh đạo cũ đã phải nhượng lại cổ phần của mình cho ông Ninh Tuấn Khang. Qua Đại hội cổ đông năm 2006, ông Khang trúng cử vào Ban lãnh đạo và làm Giám đốc.
Đến năm 2008, ông Khang tự thảo một hợp đồng ghi là hợp đồng thuê quầy của công ty áp dụng cho tất cả các nhân viên có quầy, điều mà từ khi hoạt động đến nay không hề có tiền lệ. Tuy nhiên, tất cả các nhân viên đều không đồng ý ký. Sau đó, ông Khang đã đi từng quầy đề nghị ký và giải thích rằng hợp đồng này mang tính hình thức vì tới đây công ty cho thuê khoán quầy dài hạn sẽ căn cứ vào hợp đồng thu khoán của năm 2008 để nhân với số năm còn lại và các cổ đông chỉ nộp một lần, những cổ đông có quầy sẽ được tự ý tháo dỡ xây 5,3 tầng là tùy vào mỗi cá nhân.
Vì bách hóa Bố Hạ đã "sập sệ" từ thời bao cấp nên các mậu dịch viên ở đây đã hào hứng nộp tiền khoán một lần cho ông Khang, sau đó ông triển khai tới bách hóa Mỏ Trạng cũng cũ nát, cuối cùng là bách hóa Cầu Gồ. Tuy nhiên, bách hóa Cầu Gồ đã được xây dựng lại khang trang hơn nên một số mậu dịch viên không đồng ý. Ông Khang gây sức ép phải bán lại quầy cho ông Khang với giá rất rẻ. Một số người nộp tiền, trong đó có ông Trương Văn thức đã nộp 173.000. 00 (một trăm bảy mươi ba triệu đồng) cho một quầy.
Vì khi ông Khang gây sức ép nên nhiều mậu dịch viên phải bán quầy, vợ chồng ông Thức đã mua thêm một quầy kế bên để mở rộng kinh doanh. Khi mọi người ở lại đã nộp tiền, ông Khang đi xin giấy phép xây dựng cho bách hóa Bố Hạ và được Chủ tịch UBND huyện cấp phép, nhưng đến khi các cổ đông thuộc bách hóa Bố Hạ phá dỡ nhà cũ để xây quầy mới, có nhà vừa xây móng xong thì bị rút giấy phép.
Liên quan đến vợ chồng ông Thức, sau khi cùng mọi người làm đơn gửi các cơ quan có chức năng thì ông Khang cho người đi gọi tất cả các cổ đông còn lại để thông báo rằng: Những cổ đông còn lại phải ký vào hợp đồng thuê khoán quầy năm 2009, hợp đồng này được ghi ngày 11/01/2009 với mức khoán tăng so với những năm trước, tách thuế riêng nên cổ đông phải tự đi đóng thuế tại Chi cục Thuế mà không có bất kỳ một lời giải trình nào.
Sau đó, ông Khang cho người cầm hợp đồng đến từng quầy ép ký trong đó có gia đình ông Thức và ông Thức miễn cưỡng phải ký vào hợp đồng 2009. Một thời gian ngắn sau, ông Khanh gọi ông Thức sang lấy lại số tiền 173.000.000 đồng (một trăm bảy mươi ba triệu đồng) với lời hứa sẽ trả tiền gốc còn tiền lãi sẽ trừ vào khoán. Nhưng ngay ngày hôm sau, ông Khang cho một người đàn ông tên Thiện (làm nghề xe ôm và mới đi tù về) cùng hai nhân viên được ông Khang thuê làm kế toán và Phó Giám đốc đến truy thu tiền khoán mà không trừ cho vợ chồng ông Thức một đồng nào.
Đến ngày 27/12/2011 (âm lịch), cận kề Tết Nguyên Đán, có một đám người đến quầy hàng của vợ chồng ông Thức cùng hai quầy của cổ đông khác đọc lệnh thu hồi quầy và chỉ đạo vứt hàng hóa của vợ chồng ông Thức ra ngoài, đồng thời dán niêm phong các cửa hàng lại dù bên trong vẫn còn rất nhiều đồ đạc. Đến đêm mùng 2 Tết có người đã mở niêm phong các quầy và vứt hết những thứ còn lại trong các quầy. Đêm ngày mùng 5, rạng sáng ngày mùng 6 đã xảy ra vụ hỏa hoạn và đốt cháy hết những thứ mà đêm mùng 2 Tết có người vứt ra.
Sau khi sự việc xảy ra vợ chồng ông Thức gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền các cấp yêu cầu giải quyết. Sau đó Công an huyện Yên Thế có trả lời đơn thư của các cổ đông nhưng rất sơ sài. Cũng theo ông Thức trình bày, dù là cổ đông sáng lập nhưng ông không biết gì về tình hình tài chính cũng như hoạt động của công ty từ năm 2008 trở về đây.
Hình ảnh gian hàng bị một số đối tượng lạ mặt đập phá, ném đồ ra ngoài, đồng thời niêm phong.
Cơ quan chức năng có thiếu khách quan?
Ông Thức cho biết, khi ông phản ánh vụ việc lên phía lãnh đạo công ty thì nhận được văn bản trả lời thiếu trách nhiệm. Cụ thể, ngày 24/5/2012, Công ty CPTM Yên Thế trả lời với nội dung: "Việc 3 đối tượng đó là bà Hoàng Thị Thơm, ông Phan Văn Bình (Hoàng Anh thuê lại), ông Trương Công Thức bị công ty thu hồi quầy thuê là do 3 đối tượng này không ký hợp đồng, không nộp tiền thuê quầy, không nộp tiền thuê đất cho nhà nước, không nộp thuế môn bài, không nộp thuế hàng tháng cho Chi cục Thuế Yên Thế. Công ty đã cưỡng chế theo tinh thần Nghị quyết Hội đồng cổ đông, điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp có sự giám sát của Công an thị trấn thông qua Công huyện, có chính quyền địa phương chứng kiến mà đại diện là trưởng khu phố Cả Trọng.
Đây là việc làm cần thiết, nội bộ công ty với những người cố tình chống đối sẽ bị thu hồi quầy giao cho người khác có ý thức tốt hơn. Khi thực thi, công ty không có công nhân, nên đã thuê anh Minh là công dân của thị trấn Cầu Gồ làm việc tháo dỡ và chuyển số hàng đảm bảo an toàn ra khỏi quầy hàng trả lại cho các đương sự. Còn bà Thơm cho rằng đó là xã hội đen là quyền, ý cá nhân của bà Thơm.
Số vốn của của các đối tượng chây ỳ, chống đối chỉ vào một vài % nhỏ so với số vốn của công ty. Do vậy, theo Luật Doanh nghiệp thì tiếng nói ở doanh nghiệp chỉ có giá trị tương đương số vốn của mình.
3 hộ là bà Hoàng Thị Thơm, ông Phan Văn Bình (Hoàng Anh thuê lại), ông Trương Công Thức không đủ tư cách là thành viên của Công ty CPTM Yên Thế".
Tại thời điểm đó, Công an huyện Yên Thế cũng đã có trả lời các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, các cổ đông có quầy hàng bị cưỡng chế cho rằng công văn trả lời này là chưa trung thực và thiếu trách nhiệm. Cụ thể, phía CQĐT Công an huyện Yên Thế nhận được đơn kiến nghị của ông Trương Công Thức và một số hộ khác do Công an tỉnh Bắc Giang chuyển đến. Công an huyện Yên Thế đã làm việc xác minh tại công ty và được Công ty CPTM Yên Thế cung cấp bản Nghị quyết Đại hội cổ đông của công ty đề ngày 10/3/2008, có mặt 35/36 cổ đông chiếm 97,92% cổ đông.
Trong Nghị quyết Đại hội cổ đông này có đoạn ghi: "Thông qua điều lệ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, trong kỳ đại hội cổ đông này 10/3/2008".
"Như vậy, việc các ông bà tố cáo ông Ninh Tuấn Khanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CPTM Yên Thế tự ý sửa đổi, bổ sung điều lệ của Công ty mà không được họp bàn là không đúng. Trong Nghị quyết Đại hội cổ đông này cũng đã bầu ra Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát của công ty.
CQĐT Công an huyện Yên Thế đã xác minh tại công ty và được biết, năm 2008, công ty có chủ trương cho thuê quầy dài hạn (44 năm) để tạo điều kiện cho các quầy hàng kinh doanh ổn định, thuận lợi và thu tiền một lần. Công ty đã thu tiền của 9 cổ đông, nhưng sau đó việc xây dựng lại các quầy hàng không đúng quy trình nên đã dừng lại. Công ty đã trả lại tiền cho các cổ đông đã đóng tiền. Về việc tăng mức khoán quầy bán hàng và thu hồi quầy bán hàng, nội dung này qua xác minh tại bản Nghị quyết Đại hội cổ đông của Công ty đề ngày 10/3/2008 có mặt 35/36 cổ đông chiếm 97,92% cổ đông”, văn bản của CQĐT Công an huyện Yên Thế nêu rõ.
Cũng theo ông Thức, phía Công an chỉ lấy thông tin một phía mà không gặp gỡ các hộ có đơn phản ánh. Việc làm này là thiếu khách quan.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam cho hay: Đây là quan hệ dân sự (Hợp đồng thuê kiot hoặc Hợp đồng giao khoán), nên điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự và khi xảy ra tranh chấp phải giải quyết theo trình tự của tố tụng dân sự.
Cá nhân/tổ chức bên cho thuê/bên giao khoán ko được phép tổ chức cưỡng chế mà phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Toà án), nếu bên thuê ko tự nguyện thi hành án thì đề nghị cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế...
"Việc Công ty CPTM Yên Thế tự ý cưỡng chế mà không thông báo cho các cổ đông là coi thường pháp luật. Nếu chứng minh được thiệt hại về hàng hoá đến 2 triệu đồng trở lên thì có thể cấu thành tội "Cố ý huỷ hoại tài sản" theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự”, Luật sư bày tỏ quan điểm.
SA HÀ
Phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi xác minh tài sản, thu nhập thông qua bốc thăm