Vụ đâm chết người khi giải cứu vợ bị bắt cóc: Hành vi 'giết người' hay 'phòng vệ chính đáng'?

17/11/2020 04:12 | 3 năm trước

(LSVN) - Việc làm rõ diễn biến hành vi của hai bên, làm rõ nhận thức, tương quan lực lượng là cơ sở quan trọng để xác định hành vi "cố ý gây thương tích", "giết người" hay hành vi "phòng vệ chính đáng". Hành vi có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không, có thuộc trường hợp được dùng vũ lực khi bắt giữ tội phạm để có kết luận chính xác và giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ án mạng gây xôn xao dư luận, xảy ra vào trưa ngày 15/11 trên Quốc lộ 53 đoạn qua xã Long An, huyện Long Hồ. Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã tạm giữ hình sự Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) điều tra về hành vi “Giết người”.

Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, nhóm đối tượng lạ mặt đi xe ô tô do mẹ đẻ của chị H. (vợ anh Giao) thuê đến nơi ở của vợ chồng anh Giao để cưỡng ép, bắt vợ anh ta lên xe. Khi nghe tiếng vợ la hét anh Giao đã chạy đến cứu giúp thì bị nhóm đối tượng dùng bình xịt hơi cay tấn công, anh Giao dùng thanh sắt đánh trả lại dẫn đến hậu quả có 02 đối tượng bị thương và 01 đối tượng tử vong.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Giao đã đến đầu thú tại Công an xã Long An. Lực lượng Công an đã xác định được danh tính các đối tượng, thu giữ nhiều hung khí liên quan đến vụ án.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý trong vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá, để có thể xác định cụ thể, chính xác mức hình phạt đối với anh Giao thì cần căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra, làm rõ diễn biến hành vi của các bên, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, mức độ đe dọa uy hiếp, gây nguy hiểm cho nhau của hai bên, làm rõ ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả,... Đó là các căn cứ để xem xét hành vi của anh Giao có phải là phòng vệ chính đáng hay không, có thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không?

Theo quy định của pháp luật thì hành vi bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng là một trong các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp nhóm đối tượng đến bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người vợ, khi người chồng yêu cầu nhóm đối tượng thả người thì các đối tượng không những không thả mà lại còn sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ tấn công lại người đàn ông này thì pháp luật cho phép người đàn ông này có quyền phòng vệ, tự vệ (được chống trả một cách cần thiết, triệt tiêu sức tấn công của đối phương để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân mình và cho vợ mình).

Tuy nhiên, hành vi sử dụng vũ lực phải đáp ứng những điều kiện như: bản thân mình hoặc người khác đang bị tấn công, việc sử dụng vũ lực nhằm mục đích tự vệ, tránh thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân. Việc sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết, khi không còn nguy hiểm nữa thì không được phép tiếp tục sử dụng vũ lực. Sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết, nhằm tự vệ thì mới là phòng vệ “chính đáng”.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phòng vệ chính đáng
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
3. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Bởi vậy trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi “chống trả lại” này là “cần thiết” hay không, có “vượt quá” khả khả năng mà pháp luật cho phép hay không? Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi là phòng vệ chính đáng, việc sử dụng vũ khí, “chống trả lại một cách cần thiết” thì sẽ phải loại trừ trách nhiệm hình sự, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đàn ông này (dù có người đã thiệt mạng và thương tích). Trường hợp nếu không gây thiệt mạng, gây thương tích cho những người đó thì anh Giao và vợ anh Giao sẽ bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng (những người đó vẫn đang sử dụng vũ lực để tấn công hai vợ chồng anh Giao) thì trường hợp này có thể được xác định là phòng vệ chính đáng, kể cả hậu quả của hành vi chống trả lại làm đối tượng đang tấn công vợ chồng anh này thiệt mạng.

Để xác định hành vi là “chống trả lại” có cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì cần làm rõ tương quan lực lượng giữa hai bên, làm rõ vũ khí, công cụ mà hai bên sử dụng, làm rõ hành vi và động cơ mục đích của hành vi, làm rõ hậu quả để lại thì mới có cơ sở để xác định sự việc có bản chất pháp lý như thế nào, làm cơ sở để áp dụng pháp luật.

Trong trường hợp người chồng được phép sử dụng vũ lực nhưng đã có hành vi chống trả quá mức cần thiết ví dụ như các đối tượng đã bỏ chạy, không còn nguy hiểm nữa nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo, tấn công gây thương tích hoặc thiệt mạng cho các đối tượng thì hành vi này là "giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng" hoặc hoặc hành vi là "giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh", với tình huống này thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.

Một điều đáng chú ý là Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung tình huống công dân được phép dùng vũ lực, thậm chí gây thương tích cho đối tượng phạm tội quả tang trong quá trình bắt giữ. Nên nếu hành vi của nhóm đối tượng đó là bắt giữ người trái pháp luật, có dấu hiệu phạm tội quả tang thì người chồng của nạn nhân hoặc bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ, có quyền dùng vũ lực trong phạm vi pháp luật cho phép.

Bộ luật Hình sự 2015
Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự".

Vì vậy, làm rõ diễn biến hành vi của hai bên, làm rõ nhận thức, tương quan lực lượng là cơ sở quan trọng để xác định hành vi cố ý gây thương tích, giết người hay hành vi phòng vệ chính đáng. Hành vi có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không, có thuộc trường hợp được dùng vũ lực khi bắt giữ tội phạm để có kết luận chính xác và giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người chồng lạm dụng vũ lực, vượt quá phạm vi pháp luật cho phép thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự quy định về phòng vệ chính đáng và một số tội danh về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tinh thần bị kích động mạnh như sau:

Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định hành vi là giết người trong tình trạng tinh thần kích động mạnh. Sự việc bắt giữ người đã kết thúc và không còn sự tấn công nữa mà do bực tức, kích động mà người chồng đã sử dụng hung khí để sát hại những đối tượng đó thì hành vi này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 125 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.

Còn trường hợp, hành vi của người đàn ông này được xác định là phòng vệ chính đáng nhưng khi mối nguy hiểm không còn nữa, pháp luật không cho phép người đàn ông này sử dụng vũ lực nữa nhưng người này vẫn cố tình sử dụng vũ lực để tấn công tiếp tục đối với những đối tượng đến bắt giữ người dẫn đến hậu quả có đối tượng tử vong thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội" và mức hình phạt cao nhất có thể tới 05 năm tù nếu như có 02 người chết.

(*) Trên đây là ý kiến trao đổi với Luật sư, rất mong nhận được các ý kiến đóng góp trao đổi của các Luật sư, chuyên gia và bạn đọc!

THANH THANH

/__trashed-8.html