(LSO) - Việc quay clip và đưa lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không cần xem xét trong từng trường hợp cụ thể, xem xét mục đích của người quay, đưa truyền clip trên mạng xã hội là gì? Nội dung của clip? Nếu việc quay clip và đăng tải nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm danh dự hoặc đưa thông tin hình ảnh đồi trụy… thì tùy tính chất mức độ có thể bi xem xét xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Những ngày vừa qua dư luận xôn xao về vụ việc một người phụ nữ đánh ghen tại Lý Nam Đế, sau đó những hình ảnh được người đi đường quay lại và đăng tải lên mạng xã hội. Ngay lập tức những hình ảnh được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, sự việc này đã và đang ảnh hưởng tới những người “trong cuộc”. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu hành vi của người dùng điện thoại quay lại cảnh đánh ghen, sau đó đăng đoạn clip đó lên mạng xã hội thì có được coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Chia sẻ với Luật sư Việt Nam Online, Luật sư Hà Kim Tâm (Chủ tịch công ty Luật Onekey & Partners) đánh giá, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành thì chưa có đủ cơ sở pháp lý để xử phạt hành chính, cũng như xử lý về hình sự đối với người đi đường có hành vi dùng điện thoại quay lại cảnh đánh ghen, sau đó đăng đoạn clip đó lên mạng xã hội, bởi muốn xử phạt hành chính hay hình sự họ thì phải chứng minh được rằng việc làm của họ đã vi phạm “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” của những người trong clip được đăng tải được quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, xét trong trường hợp này người đăng tải đoạn clip trên mạng xã hội không chụp hay quay thẳng mặt, chỉ quay clip quang cảnh chung chung, không giới thiệu cụ thể thông tin của những người trong clip, thì không được xem là sử dụng hình ảnh cá nhân. Sự việc lại diễn ra ở ngoài đường chứ không phải ở địa điểm riêng tư của cá nhân. Hơn thế nữa, nội dung trong đoạn clip cũng không phải là những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy,…. nên không thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020.
Một số ý kiến cũng cho rằng hành vi của người quay và đăng tải clip cần phải được xử lý hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, quan điểm này cũng chưa có đủ căn cứ. Bởi lẽ mặt khách quan của tội “Làm nhục người khác” được thể hiện qua các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu, lăng mạ, lột quần áo người khác giữa đám đông,… còn trong trường hợp này, họ chỉ là những người đi đường, bắt gặp cảnh đánh ghen thì quay lại, không có sự chuẩn bị trước, không quy nhằm mục đích để xúc phạm người nào đó.
"Nói tóm lại, việc quay clip và đưa lên mang xã hội có vi phạm pháp luật hay không cần xem xét trong từng trường hợp cụ thể, xem xét mục đích của người quay, đưa truyền clip trên mạng xã hội là gì? Nội dung của clip? Nếu việc quay clip và đăng tải nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm danh dự hoặc đưa thông tin hình ảnh đồi trụy… Thì tùy tính chất mức độ có thể bi xem xét xử phạt hành chính hoặc hình sự", Luật sư Tâm nói.
Về xử phạt hành chính
Khoản 1 Điều 101 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Xử lý hình sự
Trường hợp hành vi tự ý quay và sử dụng hình ảnh của người khác mà có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 155. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76; b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
THANH THANH